Tuyển sinh gần nhà ở Hà Nội là phù hợp với thực tế
Hà Nội dự kiến sẽ triển khai tuyển sinh mầm non, lớp 1 và lớp 6 theo nguyên tắc gần nhà từ năm học 2026-2027. Nhiều ý kiến cho rằng, phương án này sẽ giảm bớt áp lực cho học sinh, phụ huynh, học sinh và giảm ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, khi triển khai Hà Nội sẽ gặp không ít thách thức.
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cho biết phương án tuyển sinh gần nhà sẽ giúp cho học sinh không phải đi học xa, tránh tình trạng trái tuyến, đặc biệt là tại các khu vực giáp ranh, nơi học sinh dù gần trường ở phường khác nhưng vẫn không được học vì không đúng tuyến. Tuy nhiên, với những khu đô thị mới chưa có trường học, các quận, huyện sẽ có biện pháp giải quyết, thúc đẩy việc xây dựng trường học.
Khi biết thông tin này, phụ huynh này tỏ rất ủng hộ việc tuyển sinh theo nguyên tắc gần nhà. Chị Thu Hà, một phụ huynh có con học tại trường tiểu học Phan Đình Giót, cho biết: “Tôi rất mừng khi biết năm học tới sẽ triển khai phương án tuyển sinh này. Việc được học gần nhà sẽ đỡ vất vả cho các con, cha mẹ cũng giảm bớt thời gian đưa đón và góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông. Phương án tuyển sinh này cũng đã áp dụng TP.HCM khá hiệu quả, hy vọng Hà Nội sẽ triển khai sớm”.

Học gần nhà, học sinh có thể đi bộ đi học, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa giảm tải giao thông.
Việc triển khai tuyển sinh theo địa bàn tại quận Thanh Xuân cũng đã nhận được sự đồng thuận cao từ phía nhà trường và phụ huynh. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân), chia sẻ: “Việc điều chỉnh tuyến tuyển sinh không gây vướng mắc cho người dân, mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận tiện hơn. Các khu vực như Thượng Đình hay Nhân Chính được điều chỉnh lại để phù hợp với vị trí thực tế của dân cư”.
Cô Ngọc cũng cho biết việc tuyển sinh theo nguyên tắc gần nhà sẽ giúp học sinh được học tại trường gần nơi cư trú, giảm thời gian đi lại và giảm tải giao thông. “Các trường trên địa bàn có chất lượng tương đối đồng đều, vì vậy đây là một chủ trương rất hợp lý,” cô Ngọc nói.
Cùng quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cũng cho rằng, việc tuyển sinh theo địa lý sẽ tạo thuận lợi lớn cho học sinh và phụ huynh. Cô Hằng cho biết: “Trên thực tế, nhiều tổ dân phố tuy thuộc quận này nhưng giáp ranh trường thuộc quận khác. Nếu tính đúng tuyến mà lại phải đi xa, trong khi gần nhà có trường tốt thì rõ ràng bất hợp lý. Tuyển sinh theo địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, giảm ùn tắc giao thông và tình trạng trái tuyến”.
“Điều này cũng giúp giảm bớt áp lực cho các bậc phụ huynh, khi không phải lo lắng về việc đưa đón con đi học xa. Học sinh có thể tự đi học, tự về nhà, vừa rèn luyện kỹ năng sống, vừa giảm tải giao thông trước cổng trường...”, cô Hằng nhấn mạnh.
Tính toán kỹ lưỡng để tránh tình trạng quá tải
Trước đó, TP.HCM đã bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6. Sau 2 năm triển khai, nhiều phụ huynh TP.HCM đánh giá tích cực về cách làm này khi nó tạo thuận lợi trong việc đi lại, đưa đón học sinh, hạn chế được những tiêu cực “chạy trường, chạy lớp”, phù hợp với quan điểm phổ cập giáo dục, góp phần bảo đảm quyền được học tập của trẻ em.
Mặc dù phương án tuyển sinh theo địa lý được đánh giá là hợp lý và mang lại nhiều thuận lợi, các chuyên gia giáo dục cũng cảnh báo rằng Hà Nội cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh những thách thức có thể xảy ra trong quá trình triển khai.
Hiệu trưởng một Trường THCS cho rằng, việc áp dụng mô hình tuyển sinh theo địa bàn là một định hướng tích cực và nhân văn. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự chuẩn bị từ phía các trường, đặc biệt là về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và năng lực tiếp nhận học sinh. Bởi nếu không tính toán kỹ, rất dễ xảy ra tình trạng quá tải cục bộ ở những khu vực đông dân cư. Có hiện tượng một số phụ huynh tạm trú gần trường để xin học cho con, sau đó quay về nơi ở cũ. Dù không phổ biến, đây vẫn là vấn đề cần được tính đến từ đầu để tránh phát sinh bất cập sau này
“Việc chuyển đổi mô hình tuyển sinh nên đi kèm với lộ trình cụ thể và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía ngành giáo dục và các trường. Mỗi địa phương có đặc thù riêng, đặc biệt là Hà Nội có mật độ dân cư đông, vì vậy cần phải thận trọng khi triển khai”, vị hiệu trưởng này chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh Huy, chuyên gia giáo dục cho rằng, việc mở rộng quy mô học 2 buổi/ngày sẽ khiến một số trường, đặc biệt ở khu vực đông dân cư hoặc những trường nổi tiếng, đối mặt với nguy cơ quá tải. Dân số tăng nhanh, phụ huynh đều muốn con học ở trường tốt, nhưng nếu cơ sở vật chất không đáp ứng kịp thì sẽ dẫn đến áp lực lớn. Bên cạnh đó, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng, có một thực trạng cần được giải quyết khi áp dụng mô hình này đó là phải xây dựng thêm trường học, nhất là tại các khu đô thị mới. Mặc dù nhiều nơi đã có quy hoạch nhưng các dự án triển khai quá chậm.
Chính vì vậy, để việc áp dụng phương án tuyển sinh theo địa lý khả thi, Hà Nội cần phải tính toán kỹ lưỡng để đảm bảo sự đồng bộ và tránh tình trạng quá tải tại một số khu vực dân cư đông đúc.