Tuyên Quang – Trung tâm an toàn khu
Sau Hội nghị Quân sự toàn quốc của Đảng, cuối tháng 10-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để chuẩn bị địa điểm xây dựng căn cứ địa. Việt Bắc là vùng rừng núi hiểm trở gồm các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang. Một số địa điểm thuộc các huyện: Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn, Chợ Rã (thuộc Bắc Kạn); Sơn Dương, Chiêm Hóa, Yên Sơn, Nà Hang (thuộc Tuyên Quang) dự kiến được chọn làm nơi ở và làm việc của các cơ quan Trung ương Đảng và Chính phủ, trong trường hợp phải dời Thủ đô Hà Nội đi kháng chiến.
Tháng 11-1946, Trung ương Đảng quyết định thành lập một Đội công tác đặc biệt có đại diện các ngành do đồng chí Trần Đăng Ninh dẫn đầu lên Việt Bắc nghiên cứu chọn địa điểm đặt các cơ quan Trung ương. Công việc chuẩn bị cho các cơ quan Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận rời Thủ đô Hà Nội cũng được đẩy mạnh, nhất là sau vụ quân Pháp gây hấn ở Hải Phòng, Lạng Sơn.
Giữa tháng 12-1946, một số cán bộ trong Đội công tác đặc biệt lần lượt lên Việt Bắc làm nhiệm vụ. Sau một thời gian khảo sát thực địa, cân nhắc kỹ lưỡng, đội đã chọn những địa điểm nằm sâu trong căn cứ địa Việt Bắc mà trung tâm là các huyện: Chợ Đồn, Định Hóa, Đại Từ, Yên Sơn, Sơn Dương, Chiêm Hóa làm nơi xây dựng An toàn khu (gọi tắt là ATK) của Trung ương.
Nhận được chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Tuyên Quang cùng cán bộ cơ sở động viên, tổ chức toàn dân quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng. Các đội công tác của Trung ương, của tỉnh quan tâm đến xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân và cán bộ, bộ đội như “cá với nước”; nêu cao tinh thần cảnh giác, giữ gìn bí mật, kịp thời phát hiện gián điệp, Việt gian lọt vào khu căn cứ.
Cùng thời gian trên, các cơ quan Trung ương rời Hà Nội, di chuyển về phía Hà Đông, Sơn Tây. Phần lớn các cơ quan, cơ sở hậu cần, kinh tế, quân đội chuyển ra vùng ven thành phố, thị xã để chuyển lên Việt Bắc.
Cuối tháng 2-1947, Chính phủ quyết định chọn Việt Bắc làm chiến khu. Bộ Tổng tham mưu chịu trách nhiệm phân chia các khu vực trong An toàn khu cho các cơ quan Trung ương, Chính phủ, Bộ Tổng chỉ huy và các đoàn thể. An toàn khu với 9 huyện thuộc 3 tỉnh, là trung tâm khu căn cứ Việt Bắc và cả nước. An toàn khu là cụm từ lịch sử riêng có của thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Tuyên Quang có vị trí đặc biệt trong An toàn khu:
Về điều kiện chính trị, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang là địa bàn của Khu Giải phóng, có Tân Trào là Thủ đô Khu Giải phóng. Tuyên Quang đã làm tốt vai trò là địa bàn trung tâm chỉ đạo cách mạng.
Về điều kiện tự nhiên, Tuyên Quang là tỉnh miền núi, nằm giữa Tây Bắc và Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam; liền kề với 7 tỉnh miền núi và trung du. Hệ thống sông ngòi khá dày với sông Lô, sông Gâm, sông Phó Đáy, sông Năng và rất nhiều chi lưu. Địa hình hiểm trở, đồi núi chiếm trên 90% diện tích.
Vào thời điểm đó, Tuyên Quang còn cách vùng địch tạm chiếm khá xa.
Địa hình Tuyên Quang tương đối ít hiểm trở hơn, sự liên lạc với các vùng dễ dàng. Sông Lô với chi lưu lớn nhất là sông Gâm chảy xuyên suốt địa bàn Tuyên Quang làm nên con đường giao thông huyết mạch thuận tiện cho việc tập kết máy móc, vật tư chiến lược cũng như việc cán bộ, nhân dân tản cư lên Việt Bắc.
Dọc sông Lô có rất nhiều bến bãi dễ dàng cho vận tải đường thủy như Phan Lương, Kim Xuyên, Chợ Khổng, chợ Đông Trai, Chợ Đĩa, Chợ Duộc, Bình Ca, Ghềnh Quýt, Nông Tiến, Chợ Tổng, Xuân Vân, Chợ Bợ. Dọc sông Gâm có các bến Trinh, Cham, Ngọc Hội, Đầm Hồng. Hàng vạn tấn máy móc, nguyên vật liệu, lương thực, thực phẩm từ những vùng địch có thể đánh chiếm được vận chuyển về các khu vực an toàn.
Quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ để hoàn thành việc di chuyển trước khi chiến sự lan tới. Gạo và muối là hai nhu cầu thiết yếu được đặc biệt coi trọng vận chuyển lên Việt Bắc. Nha Tiếp tế thuộc Bộ Kinh tế chuyên trách lo việc thu mua và dự trữ gạo. Bộ Tài chính đặt kho dự trữ thóc, gạo ở nhiều địa phương.
Cục Quân nhu thuộc Bộ Quốc phòng cũng lập hệ thống kho dự trữ ở các tỉnh Hà Đông, Sơn Tây, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Bộ Tài chính được đặc trách giao lo về muối. Bộ thành lập Cơ quan phân tán muối làm nhiệm vụ tổ chức vận chuyển muối thuế của Nhà nước và muối mua trên thị trường tự do về các địa điểm an toàn.
Trong thời gian trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Trưởng ban Tài chính Trung ương chuyển gần hai vạn tấn muối từ kho Văn Lý, Nam Định lên Việt Bắc và Tây Bắc trước khi địch đánh chiếm vùng duyên hải Bắc Bộ.
Máy móc, vật tư, tài liệu của các cơ quan y tế, giáo dục cũng được nhanh chóng chuyển lên chiến khu. Một khối lượng lớn máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu từ Ninh Bình trở ra được đưa về Phủ Lạng Thương (Bắc Giang), Ứng Hòa (Hà Đông) rồi chuyển dần lên An toàn khu theo các tuyến đường Phủ Lạng Thương - Thái Nguyên - Chợ Chu, Chợ Đồn và tuyến Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang – Chiêm Hóa.
Đầu năm 1947, đợt tổng di chuyển hoàn thành, hầu hết các cơ quan Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, Bộ Quốc phòng, các cơ quan kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế đều lần lượt dời khỏi Thủ đô Hà Nội lên Tuyên Quang. Ngày 2-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Tuyên Quang lần thứ hai. Như vậy, sau khoảng 1 năm 4 tháng chuyển về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cơ quan Trung ương trở lại Tuyên Quang.
(Còn nữa)