Tuyên Quang trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) (tiếp theo)
Sau những thất bại liên tiếp về mặt quân sự trên chiến trường chính, nhất là sau thất bại của Chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, thực dân Pháp chuyển hướng chiến lược chiến tranh, từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh lâu dài, thực hiện chính sách 'dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh'.
Từ tập trung quân lực tiến công ồ ạt vào căn cứ hậu phương ta hòng nhanh chóng tiêu diệt đầu não của cuộc kháng chiến và bộ đội chủ lực ta, chuyển sang hành quân bình định, củng cố vùng tạm chiếm, thi hành chiến lược “chiến tranh tổng lực”, đánh phá cơ sở kinh tế, chính trị và lực lượng hậu bị của ta.
Trước tình hình mới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ ngày 15 đến ngày 17-1-1948) đã đánh giá tình hình kháng chiến và đề ra nhiệm vụ cho giai đoạn mới. Cũng trong tháng 1-1948, Bộ Tổng chỉ huy ra Chỉ thị số 114/CT-BT và 115/CT-BT nêu rõ: Nhiệm vụ căn bản của Khu X là giải phóng đồng bào Tây Bắc và xây dựng căn cứ địa Việt Bắc.
Rút kinh nghiệm chiến đấu và củng cố đội ngũ dân quân, du kích, đến cuối năm 1948, toàn tỉnh có 5.076 đội viên du kích, 12.629 dân quân, tự vệ, 186 bộ đội địa phương. Tỉnh đã tổ chức được 115 hội bảo trợ du kích với số quỹ 293.911 đồng và ủng hộ cho thương binh 47.297 đồng.
Sang năm 1949, trong sáu tháng đầu năm, ta đã mở lớp huấn luyện cho 529 cán bộ từ cấp tiểu đội đến huyện đội và 439 đội viên du kích xã. Tỉnh ủy còn chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang bằng cách đưa 1/3 số đảng viên trong tỉnh tham gia và phát triển Đảng trong các đơn vị.
Tháng 12-1949, Hội nghị Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đề ra nhiệm vụ phát triển mạnh lực lượng vũ trang, đề phòng địch tiến công. Báo cáo của Hội nghị Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ: Trong những năm 1948 - 1949, công tác quân sự tỉnh đã chuyển hướng theo chủ trương xây dựng lực lượng hậu bị hùng hậu của Trung ương.
Tháng 4-1950, Hội nghị quân sự toàn tỉnh đã thông qua nghị quyết về công tác quân sự địa phương và nhấn mạnh: Các cấp quân, dân, chính phải dùng mọi hình thức để phổ biến sâu rộng sắc lệnh về nghĩa vụ tòng quân, đặt kế hoạch tuyển mộ thật sát và động viên thanh niên tích cực tham gia quân đội.
Mặc dù quân số có giảm so với năm trước do phải tăng cường cho bộ đội chủ lực, phục vụ tiền phương, đi làm công tác đội trong các An toàn khu..., song tới năm 1949, tỉnh vẫn có 3.270 du kích, 9.098 dân quân, tự vệ, 298 bộ đội địa phương. Theo kế hoạch, tới cuối năm 1950, tỉnh sẽ xây dựng được 9 đại đội bộ đội địa phương với tổng số quân là 1.125 người (1).
Trong năm 1950, hơn 1.000 thanh niên đã đăng ký tòng quân. Nhân dân tự trang bị đủ chăn màn, quần áo và lương thực cho tân binh trong hai tháng huấn luyện tại tỉnh. Toàn tỉnh đã thu mua được 133.312 kg thóc và 20.646 kg gạo trong đợt bán gạo nuôi quân. 9 đại đội bộ đội địa phương sau khi thành lập đều được các huyện nhận đỡ đầu. Tỉnh đã tranh thủ sự giúp đỡ của Liên khu và các đơn vị bộ đội chủ lực để tổ chức các đợt diễn tập ở từng khu vực nhằm nâng cao trình độ tác chiến. Điển hình là đợt thực tập chiến đấu của 13 xã hạ huyện Sơn Dương, hạ huyện Hàm Yên. Từ chiến thuật du kích, qua các đợt tập dượt, ta nâng dần tới vận động chiến, tác chiến theo đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung, có sự phối hợp của nhiều thứ quân.
Giữa năm 1949, Pháp thực hiện kế hoạch chiến lược mới, mang tên Rơve (2). Điểm mấu chốt của kế hoạch này là tập trung nỗ lực để giữ vững Bắc Bộ, bao vây căn cứ địa Việt Bắc, tăng cường phòng thủ có trọng điểm ở biên giới. Chúng âm mưu phát triển ngụy quân để thay thế lính Âu - Phi trong nhiệm vụ chiếm đóng, tạo điều kiện tập trung lính Âu - Phi thành khối chủ lực cơ động lớn đối phó với chủ lực ta và đánh phá chiến tranh du kích đang phát triển.
Thực hiện kế hoạch Rơve, quân Pháp tiến hành nhiều cuộc càn quét âm mưu đánh chiếm toàn bộ đồng bằng Bắc Bộ bằng những cuộc hành quân lớn. Ngày 29-4-1949, Bộ chỉ huy Pháp đã huy động 2.600 quân mở cuộc hành quân Pômôn đánh lên Phú Thọ, Tuyên Quang nhằm tiêu diệt chủ lực ta, phá hậu phương kháng chiến, gây thanh thế cho Bảo Đại về nước. Lực lượng địch gồm: 1 tiểu đoàn Talo, 1 tiểu đoàn thuộc địa, một đơn vị pháo binh, một đơn vị lính thủy với 4 tàu và 1 xà lan, một đơn vị công binh, một đơn vị lính dù và một phi đội máy bay.
Tuyên Quang đã kịp thời giao nhiệm vụ cho các lực lượng vũ trang địa phương: Tích cực đánh địa lôi trên các đường giao thông; tăng cường phòng thủ các khu vực quan trọng như Quốc lộ số 2, đường Chợ Ngọc - Lục Châu (Yên Bái); ngăn chặn và đánh phá các cuộc hành quân sục sạo của địch.
Sau khi đánh chiếm Việt Trì, Đoan Hùng, Phú Nham, Bãi Bằng (Phú Thọ), địch tập trung lực lượng theo Quốc lộ 2, theo sông Lô tiến lên Tuyên Quang; một cánh quân khác tiến theo đường sông Chảy lên Chợ Hiên, Thác Bà.
Ngay trong giai đoạn đầu chiến dịch, 1 tiểu đoàn của Trung đoàn 115 (chủ lực Liên khu X) đã kịp thời rút về hoạt động ở vùng Yên Bình, Chợ Hiên, sông Chảy; 1 tiểu đoàn khác sang vùng Tuyên Quang - Đoan Hùng để phối hợp với lực lượng dân quân du kích địa phương. Bằng các trận chiến đấu phục kích, đánh địa lôi ở địa phận Phú Thọ và dọc sông Chảy, ta đã gây cho địch nhiều tổn thất. Do vậy, mãi tới ngày 11-5-1949, toán quân đầu tiên của Pháp mới tới được thị xã Tuyên Quang. Địch triển khai chiếm các điểm cao như núi Cố, núi Thổ Sơn, miếu Ỷ La. Chúng càn quét cướp phá các bản làng xung quanh, nhằm khống chế khu vực thị xã, tạo thế bao vây quân ta.
Ngày 12-5-1949, địch từ Ỷ La tiến đến lùng sục, cướp bóc khu Ghềnh Gà đã bị du kích xã Trung Môn và du kích tập trung huyện Yên Sơn phục kích tại ngã ba Hoàng Pháp, tiêu diệt 10 tên và làm bị thương nhiều tên khác. Đêm hôm đó, phân đội pháo binh của Tiểu đoàn pháo binh 410 (Liên khu 10) đóng ở làng Giao, ghềnh Quýt, núi Dùm đã nã hàng trăm pháo vào các vị trí đóng quân của địch ở thị xã. Địch bị thiệt hại nặng, phải dùng máy bay chở xác lính chết từ thị xã Tuyên Quang về Hà Nội. Trong đêm tối, nhân lúc quân địch còn hoảng loạn, các lực lượng dân quân, du kích và tự vệ địa phương đã bất ngờ nổ súng tập kích vào núi Cố, núi Thổ Sơn, miếu Ỷ La, tiêu diệt và làm bị thương nhiều địch, phá hỏng 1 súng cối 81 ly.
Bị tổn thất lớn, nhưng quân Pháp vẫn càn quét ra các vùng. Ngày 13-5-1949, tại xã Thắng Quân, bộ đội cảnh vệ đã phục kích trên dốc Bò Lăn (Km 9 đường Tuyên Quang - Hà Giang), diệt 10 tên.
Ngày 15-5-1949, từ thị xã Tuyên Quang, địch hành quân theo đường 13A sang bến Hiên định bắt liên lạc với cánh quân từ Yên Bình, nhằm phá hoại các công xưởng của ta ở vùng này. Đại đội 220 bộ đội chủ lực tỉnh đã phục kích ở Km 8 (đường Tuyên Quang - Yên Bình) tiêu diệt 20 tên. Khi chúng vượt sông Chảy tiến vào xã Minh Phú (Yên Bình), lực lượng công nhân TĐ 20 và du kích xã đã phối hợp với 1 tiểu đoàn bộ đội chủ lực chặn đánh, tiêu diệt 9 tên, khiến chúng phải tháo chạy về Đoan Hùng (Phú Thọ). Quân ta truy kích địch đến tận Lạng Bạc, giành lại một số trâu, bò bị giặc cướp, trả lại cho nhân dân.
Ngày 16-5-1949, du kích xã Ỷ La cài địa lôi tiêu diệt và làm bị thương hàng chục lính địch.
Phán đoán địch sẽ rút khỏi thị xã Tuyên Quang, Đoan Hùng, Bộ Tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Bộ chỉ huy Mặt trận sông Lô do các đồng chí Bằng Giang, Vương Thừa Vũ, Lâm Kính chỉ huy và tăng viện thêm 4 tiểu đoàn để chớp thời cơ tiêu diệt địch trên đường chúng tháo chạy.
Ngày 24-5-1949, địch rút theo đường sông Lô đúng như phán đoán của ta. Đại bộ phận địch rút theo hữu ngạn, một số khác rút theo tả ngạn trên bốn chiếc thuyền, xà lan và bè nứa. Địch còn bắt một số đồng bào ta về Hà Nội.
Suốt cả ngày và đêm 25-5-1949, trên sông Lô, cả đoàn tàu chiến, xà lan, bè nứa của địch bị bộ đội ta liên tục phục kích, tiến công. Hàng trăm tên Pháp bị tiêu diệt, nhiều thuyền bè, xà lan bị đánh chìm. Bên tả ngạn, bộ đội ta vừa vận động truy kích, vừa tiến hành chia cắt, bao vây quân địch; khiến quân Pháp kinh hoàng, tìm mọi cách thoát thân.
Trên hướng đường bộ, tại Sơn Dương, ngày 24-5-1949, một toán lính Pháp chạy tới xóm Tây Vực, xã Đông Lợi thì lọt vào trận địa phục kích của du kích xã. Lực lượng vũ trang địa phương đã dùng lựu đạn, súng kíp tiêu diệt 8 tên địch. Ngày 25-5-1949, tại Tam Đa, bộ đội chủ lực phối hợp với du kích địa phương đánh địa lôi ở Cầu Giềng, diệt 34 tên địch. Một toán địch từ Kim Xuyên chạy về Phan Lương bị du kích ở Trường Sinh chặn đánh, cho nổ 7 quả lựu đạn, diệt 15 tên địch.
Truy kích địch trên Quốc lộ 2 và trên sông Lô, bộ đội ta lập nhiều chiến công xuất sắc, như trận đánh ở núi Hét bên sông Lô, tiêu diệt 200 tên địch; trận phục kích ở đồi Chùa, diệt 50 tên. Trên đường rút quân về Việt Trì, quân địch phải bỏ lại hàng trăm xác chết dọc bờ sông Lô.
Trong chiến dịch này, lực lượng vũ trang của tỉnh đã đánh 25 trận, tiêu diệt gần 200 tên địch, làm bị thương 20 tên, bắt sống 30 tên. Riêng dân quân, du kích huyện Yên Sơn đã đặt nổ 16 địa lôi, 22 lựu đạn, 7 quả mìn, đánh phục kích 11 trận, tiêu diệt 101 tên địch. Dân quân các xã Đông Lợi, Tam Đa (Sơn Dương) đã tiêu diệt 58 tên, gọi hàng hơn chục tên địch và thu được trên 1.000 viên đạn súng máy.
Tuyên Quang còn tham gia phục vụ chiến đấu và chiến đấu trong một số chiến dịch lớn, ở các địa phương khác. Trên chiến trường Lào Cai - Hà Giang, thường xuyên có khoảng 600 dân quân Tuyên Quang làm công tác tải thương, tiếp tế. Quốc lộ 2, Yên Bình - Lục Yên..., dân quân tự vệ Tuyên Quang vừa tham gia bảo đảm giao thông, vừa dẫn đường, tải đạn cho các đơn vị bộ đội chủ lực.
Tháng 2-1950, khi các tỉnh vùng trung du Bắc Bộ bước vào chiến dịch tổng phá tề, thực hiện chủ trương của Liên khu Việt Bắc, một bộ phận bộ đội địa phương các huyện ở Tuyên Quang đã tập trung huấn luyện và tham gia cùng quân dân một số tỉnh trung du phá rã hệ thống tề ngụy, nhằm mở rộng hậu phương, tạo một hành lang bảo vệ và tiếp tế cho lực lượng kháng chiến. Tham gia chiến dịch này, bộ đội địa phương Tuyên Quang đã chống càn 3 trận, diệt 30 tên địch, thu 1 trung liên. Ở Hạc Trì, một trung đội bộ đội tỉnh đã đánh trả hơn 100 tên địch trong 3 giờ liền, buộc địch phải rút lui.
----------
1. Theo Báo cáo tình hình quân sự năm 1949 và Đề án công tác quân sự 6 tháng đầu năm 1950 của tỉnh Tuyên Quang.
2. Rove (Revers): Tổng Tham mưu quân đội Pháp.