Tuyên Quang: Đẩy nhanh tiến độ đưa nước sạch về với đồng bào dân tộc thiểu số

Đưa nước sạch về cho đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm nâng cao đời sống người dân. Từ nguồn vốn của Dự án 1 'Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt' thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình) tỉnh Tuyên Quang đang tích cực đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án theo đúng quy định, đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận nguồn nước sạch.

Trước đây, do điều kiện kinh tế khó khăn, những hộ nghèo, cận nghèo tại Tuyên Quang không có điều kiện mua téc nước, phải chứa nước sinh hoạt trong bể xi măng, vại, chum, xô, chậu… Do tích trữ lâu ngày ngoài trời, dụng cụ chưa nước thường có nắp đậy không kín hoặc không có nắp, lại không được vệ sinh thường xuyên nên thường xuất hiện các loại ấu trùng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng.

Để giải quyết tình trạng này, Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” tập trung vào việc hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (ưu tiên hỗ trợ để mua sắm trang bị hoặc xây dựng bể chứa nước phục vụ sinh hoạt của hộ gia đình) cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung; đầu tư xây dựng công trình nước tập trung.

Thụ hưởng Dự án 1, nhiều hộ đồng bào DTTS ở 29 xã của huyện Sơn Dương Yên không còn phải dẫn nước lần từ khe suối mà đã có công trình nước sạch ngay tại nhà, qua đó chủ động được nước dùng trong sinh hoạt. Hơn 2.000 bồn nước inox đã được hỗ trợ cho người dân, qua đó tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và sức khỏe. Chỉ trong 3 ngày 22-25/8, phòng Dân tộc huyện Sơn Dương phối hợp với UBND 21 xã trong huyện, cấp phát đến tay người dân thuộc đồng bào DTTS có hoàn cảnh khó khăn là 546 bồn inox. Với người dân đây là món quà vô cùng ý nghĩa, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tại huyện Chiêm Hóa, chính quyền các cấp của huyện đã triển khai kịp thời, hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán thuộc Dự án 1 nhằm giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng đồng bào DTTS. Đến nay, toàn huyện đã có 1.943 hộ nghèo là người DTTS được hỗ trợ téc đựng nước phục vụ sinh hoạt, với tổng số tiền gần 5,8 tỷ đồng. Các chương trình, dự án, chính sách đầu tư hỗ trợ vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định nhà nước, góp phần nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh toàn huyện lên 98,9%.

Đưa nước sạch đến cho đồng bào các dân tộc thiểu số. (Ảnh: Thu Huyền/dantocmiennui.vn)

Đưa nước sạch đến cho đồng bào các dân tộc thiểu số. (Ảnh: Thu Huyền/dantocmiennui.vn)

Có thể nói, bằng nguồn vốn Dự án 1 “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt” của Chương trình MTQG 1719, các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Tuyên Quang đã và đang được giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Trong năm 2022 và 2023, toàn tỉnh có 7.033 hộ được thụ hưởng từ nước sinh hoạt phân tán, đạt 98,6% kế hoạch đề ra. Với mức hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ, tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 21 tỷ đồng. Theo Ban Dân tộc tỉnh, việc triển khai hỗ trợ dựa trên căn cứ danh sách các hộ dân đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đăng ký của các hộ dân về phương thức thực hiện; cơ quan được giao nhiệm vụ và dự toán kinh phí tổng hợp nhu cầu và phân loại theo từng phương thức thực hiện. Người dân được hỗ trợ lu, bồn, téc, vật dụng chứa nước, vật dụng dẫn nước; tự làm bể chứa nước; tự đào giếng hoặc tự tạo nguồn nước khác. Nhờ được tiếp cận nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang được nâng cao .

Song song với việc hỗ trợ phương tiện chứa nước, trong giai đoạn 2022-2024, toàn tỉnh có 19 công trình nước sạch tập trung với tổng vốn là 57 tỷ đồng được đầu tư xây dựng tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Yên Sơn, Sơn Dương. Trong đó, đã có 7 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. 100% công trình được triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, đúng quy định của Nhà nước.

Theo kế hoạch, trong năm 2024 toàn tỉnh sẽ có thêm 2.762 hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, đầu tư xây dựng 06 công trình nước sinh hoạt tập trung. Hiện nay, các địa phương trong toàn tỉnh đang tổ chức rà soát hộ nghèo là DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn có khó khăn về nước sinh hoạt, thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh để đề nghị hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán năm 2024. Căn cứ vào nhu cầu và việc bình xét đối tượng thụ hưởng có đơn đề nghị hỗ trợ, UBND các xã, thị trấn tham mưu cấp huyện hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng.

Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường rà soát, đánh giá tất cả các công trình cấp nước trên địa bàn; tiếp tục chuẩn bị chuẩn bị đầu tư các dự án, các tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình; lồng ghép các nguồn vốn được giao, huy động sự đóng góp của các tổ chức và nhân dân để thực hiện; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án theo kế hoạch…

Hải Yến

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/dai-doan-ket/tuyen-quang-day-nhanh-tien-do-dua-nuoc-sach-ve-voi-dong-bao-dan-toc-thieu-so-58374.html
Zalo