Tuyên Quang chung tay hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất sau bão lũ
Bão số 3 đi qua, để lại những mất mát và hậu quả rất nặng nề. Nhằm ổn định đời sống người dân, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy nhanh tiến độ khôi phục kinh tế.
Thiệt hại khoảng 1.300 tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, cùng việc phải mở 8 cửa xả đáy (nhiều nhất từ trước đến nay) của hồ thủy điện Tuyên Quang nên mực nước dâng cao, đồng thời phía hạ lưu của tỉnh Phú Thọ, Hà Nội do không tiêu thoát kịp, đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trên diện rộng, gây thiệt hại về người, tài sản và sản xuất của nhân dân; các công trình hạ tầng (giao thông, thủy lợi, trụ sở, điểm trường...) bị ngập nước, sạt lở, hư hỏng. Tỉnh ước thiệt hại đến nay khoảng 1.300 tỷ đồng.
Riêng về thiệt hại về nông nghiệp, diện tích lúa bị ảnh hưởng 5.430 ha; trên 3.400 ha cây trồng hàng năm; trên 800 ha cây ăn quả; 720 ha cây lâm nghiệp; gần 1.600 con gia súc, gần 10.000 con gia cầm; gần 600 ha ao cá bị ngập, tràn bờ; 415 lồng bè nuôi trồng thủy sản trên sông... bị thiệt hại.
Tại xã Tân Long, theo ông Nguyễn Sỹ Thuật, Chủ tịch UBND xã cho biết, có 198/1.652 hộ gia đình trong xã bị ngập và lũ quét, sạt lở vào nhà phải di chuyển đồ đạc và người đi nơi khác. Trong số đó, có 13 hộ phải di dời khẩn cấp do sạt lở taluy âm (phía bờ sông Lô), hiện tại đang có hiện tượng sạt trượt, lở đất rất nguy hiểm không thể ở được và phải di chuyển đi nơi khác. Hiện nay các hộ trên đã di dời người, tài sản và bố trí ở nhờ nhà anh em và các hộ dân trong thôn, nhà văn hóa trường học và dựng lán tạm để ở. Có 31 hộ trong diện phải khắc phục ngay do sạt lở taluy dương từ đồi đất xuống nhà và 154 hộ bị nước lũ tràn, ngập vào nhà.
Về nông nghiệp, xã có trên 80% diện tích lúa, 80% diện tích ngô bị vùi lấp và hỏng hoàn toàn; 25 ha cây dâu, gần 1 ha keo đến tuổi thu hoạch bị thiệt hại; 10 lồng cá trên sông Lô và sông Gâm bị trôi, chìm và hư hỏng nặng, cùng trên 5 ha diện ao hồ nuôi trồng thủy sản bị vỡ ngập và tràn qua...
Siêu bão đi qua, ngay sau đó lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sau hoàn lưu bão đã gây nên nỗi kinh hoàng, đau thương, mất mát cho người dân các tỉnh, thành phố miền Bắc nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Công tác khắc phục hậu quả bão lũ trên địa bàn tỉnh vẫn đang được thực hiện khẩn trương. Nhiều người dân vùng thiệt hại do bão lũ vẫn đang rất cần sự hỗ trợ, sẻ chia…
Tái thiết sau siêu bão
Tại thành phố Tuyên Quang, từ sáng sớm các phương tiện đã ngược xuôi, người người đã tấp nập trên khắp các con phố; chợ đầu mối, chợ dân sinh, hệ thống hàng quán, siêu thị đã mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Chị Lê Thị Bình, tổ 8, phường Tân Quang cho biết, mấy hôm nước lũ ngập nhà chị lo sợ đưa con đi sơ tán. Cũng may nước rút nhanh, chị dọn dẹp lại nhà ở, mua sắm hoa quả, kẹo bánh, đèn ông sao để các con vui Tết Trung thu.
Bà Nguyễn Thị Mùi, tổ 15, phường Tân Quang phấn khởi cho biết: Lũ qua rồi, lực lượng công an, quân đội, công nhân vệ sinh môi trường đô thị, các doanh nghiệp đã chung tay cùng người dân thành phố thu dọn, vệ sinh. Thành phố Tuyên Quang giờ đã trở lại với hình ảnh của một thành phố “Sạch, xanh, sáng, đẹp” - bà Mùi khẳng định.
Tại những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do lũ gây ra, với sự quan tâm của tỉnh, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cuộc sống của người dân cũng đã dần trở về trạng thái bình thường.
Ông Lê Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Khiến Thiết (Yên Sơn) thông tin, 5 hộ trong xã bị sập nhà, hàng chục hộ phải di dời vì lũ ngập sâu. Song người dân trong xã không bị bỏ quên, suốt từ ngày 12 đến nay hàng chục đoàn thiện nguyện cùng lực lượng công an, quân đội, dân quân đã đến hỗ trợ sửa sang lại nhà ở, trao nhu yếu phẩm, tổ chức Trung thu cho trẻ em trong xã. Đến nay không có hộ nào bị thiếu ăn, thiếu chỗ ở. Phó Chủ tịch xã Lê Thế Hưng xúc động nói: Người dân Kiến Thiết đã trở lại cuộc sống bình thường, cán bộ xã và người dân hạnh phúc trong cơn hoạn nạn luôn luôn được chở che, bảo vệ.
Nhằm ổn định đời sống người dân, các ngành, địa phương cũng đang đẩy nhanh tiến độ khôi phục các công trình hạ tầng và tái thiết hoạt động sản xuất. Ngành giao thông vận tải cùng chính quyền, người dân tập trung thu dọn giải phóng lớp đất, bùn dày để lấy lại hiện trạng cho mặt đường... Cắm biển cảnh báo tại những điểm có nguy cơ sạt trượt đất đá dọc các trục đường từ thành phố Tuyên Quang qua xã Tân Long, Xuân Vân, Trung Trực, Kiến Thiết (Yên Sơn) và trục đường từ xã Vinh Quang, Kim Bình, Tri Phú, Linh Phú (Chiêm Hóa). Ngành Điện lực, Viễn thông cũng chỉ đạo, cắt cử công nhân khảo sát tuyến, sửa chữa các điểm hư hại để sớm cung cấp lại dịch vụ cho người dân.
Bà Vũ Nguyệt Ánh, Phó Giám đốc Viettel Tuyên Quang cho biết: Viettel đã nối lại hầu hết các điểm bị mất sóng do bão lũ, đảm bảo thông tin liên tạc thông suốt cho tất cả khách hàng, từ khu vực đô thị đến vùng sâu, vùng xa.
Với tinh thần “khó khăn gấp đôi, phải quyết tâm gấp ba”, các cơ sở giáo dục, y tế trên địa bàn tỉnh cơ bản khắc phục xong hậu quả của mưa lũ, các điều kiện an toàn đã được đảm bảo để tổ chức khám chữa bệnh cho Nhân dân và đón học sinh trở lại trường học tập. Thông tin từ ngành Y tế, 100% các cơ sở y tế đã đảm bảo các điều kiện để khám chữa bệnh cho Nhân dân. Trong ngày 16/9, 100% các cấp học trên địa bàn học sinh đã được trở lại trường học.
Đối với ngành nông nghiệp, ngay khi cơn lũ đi qua, lực lượng cán bộ khuyến nông đã xuống tận từng xứ đồng để hướng dẫn bà con khắc phục hậu quả. Anh Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ khuyến nông huyện Sơn Dương, phụ trách xã Chi Thiết cho biết: Đối với diện tích lúa chín đạt 85 - 90% anh vận động bà con khẩn trương thu hoạch; những diện tích lúa đang trỗ không bị vùi lấp bà con tiến hành té nước rửa bông, lá tạo điều kiện cho lúa phát triển. Với khu vực cây trồng bị ngập sâu, hư hỏng, thực hiện vệ sinh đồng ruộng, làm đất trồng cây vụ đông sớm để bù đắp thiệt hại do bão lũ gây ra.
Bên cạnh sự nỗ lực của tỉnh, chính quyền địa phương và của chính người dân, Tuyên Quang cũng nhận được sự quan tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước động viên cả về tinh thần và vật chất. Theo báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, đến ngày 14/9, tỉnh đã tiếp nhận được trên 27 tỷ đồng tiền mặt; gần 230 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm để hỗ trợ bà con vùng lũ.
Chiều 17/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do bão, lũ tại xã Tân Long, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.
Thăm hỏi, động viên và hỗ trợ nhân dân vùng bị thiệt hại do bão lũ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã trao địa phương: 3 tấn gạo; 10.000 gà ta giống; 5 tấn thức ăn chăn nuôi kèm theo; 500 xuất quà (vật dụng cá nhân, thuốc men); 1.000 lít hóa chất tiêu độc, khử trùng và 100 triệu đồng.
Nguồn lực hỗ trợ trên là của một số đơn vị, doanh nghiệp là: Viện Di truyền nông nghiệp; Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam; Công ty De Heus; Công ty cổ phần Tập đoàn RTD; Công ty TNHH LEHAN Việt Nam.
Cùng chung tay hỗ trợ người dân tái thiết sản xuất sau bão lũ, ông Nguyễn Thanh Tùng, Trợ lý Phó Tổng Giám Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ, ngoài sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp cũng rất quan tâm các hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Đặc biệt, công ty đã trao tặng 10.000 con gà giống và 5 tấn thức ăn chăn nuôi cho bà con tại tỉnh Tuyên Quang nhằm giúp bà con nông dân sớm cải thiện cuộc sống, phục hồi sản xuất sau mưa lũ.
Dù còn nhiều khó khăn và thời gian để tái thiết lại những hư hại, tổn thất do lũ lụt gây ra còn dài, nhưng bằng ý chí, nghị lực của người dân; sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các lực lượng vũ trang, ban ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong chỉ đạo, chung tay khắc phục hậu quả, bảo vệ và hỗ trợ người dân vùng thiên tai, nhịp sống đã dần trở lại với người dân sau trận lũ lịch sử này.