Tuyến phố không dùng tiền mặt ở Hà Nội ra sao sau gần 2 tháng triển khai?
Phố Trung Hòa (Cầu Giấy) thay đổi mạnh mẽ sau hơn một tháng triển khai 'Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt'. Hầu hết khách đều quét mã QR khi giao dịch, chỉ có số ít người lao động chưa dùng tài khoản ngân hàng là gặp khó khăn.
Sau khi Cầu Giấy có “Chợ thông minh 4.0 - Không dùng tiền mặt” tại chợ Đồng Xa, quận này xây dựng thêm mô hình "Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt" tại phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Chương trình được áp dụng từ tháng 10/2024 nhằm khẳng định vai trò tiên phong trong chuyển đổi số trên địa bàn Thủ đô.
Đây là tuyến phố phát triển với đầy đủ các tiện ích xã hội, là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, phục vụ lượng lớn người dân sinh sống và làm việc tại Cầu Giấy.
Theo khảo sát của VietNamNet, toàn bộ cửa hàng kinh doanh tại Trung Hòa và cả một số tuyến phố lân cận đều áp dụng thanh toán số dành cho khách hàng. Chị Đặng Thị Minh (chủ tiệm cơm bình dân) cho biết, từ khi tuyến phố bắt đầu mô hình thanh toán không dùng tiền mặt, việc mua bán trở nên thuận tiện. Chị không phải lo tích trữ tiền lẻ để trả lại tiền thừa cho khách.
Còn chị Tạ Thị Thảo Nhi, nhân viên tại tiệm spa tâm sự, đa phần khách tới đây sử dụng dịch vụ là người trẻ. Họ thành thạo công nghệ, sử dụng nhiều tài khoản cũng như ví điện tử. Cửa hàng cũng trang bị máy POS, dễ dàng tổng kết, báo cáo doanh thu sau mỗi ca làm.
Bên cạnh những thuận lợi trong việc quản lý, kinh doanh, thói quen mua sắm của người dân cũng dần thay đổi theo hướng tích cực.
Một cốc trà đá có giá 3.000 đồng cũng được khách quét mã để trả tiền mà không mất thêm chi phí nào.
Hoàng Như Phong (17 tuổi, học sinh Trường THPT Lương Văn Can) nói: “Được đăng ký mạng di động 4G để dùng Internet, em mua bất kỳ thứ gì bằng cách quét mã QR. Em không phải lo lắng cất tiền mặt vì sợ mất”.
Tuy nhiên, sau gần 2 tháng áp dụng mô hình "Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt" tại phố Trung Hòa, anh Chu Quang Huy tiết lộ, vẫn chưa thể chuyển hẳn về không dùng tiền mặt do có nhiều người lao động không sử dụng ứng dụng ngân hàng trên điện thoại hay ví điện tử. "Mình vẫn phải chấp nhận thanh toán tiền mặt, đổi tiền lẻ để trả khách", người quản lý tại quán cà phê nói.
Dù vậy trên thực tế, mô hình "Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt" vẫn khẳng định tính ưu việt và khả năng ứng dụng rộng rãi, góp phần hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số thực hiện đồng bộ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Được biết, nhằm giúp tuyến phố này đi tiên phong trong Mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 - Không dùng tiền mặt”, trước đó quận Cầu Giấy đã trang bị bảng mã QR cho hộ kinh doanh, giúp người dân trải nghiệm và tiếp cận với các phương thức thanh toán hiện đại, kích thích hoạt động mua sắm, qua đó góp phần xây dựng xã hội số, kinh tế số theo mục tiêu chương trình chuyển đổi số.