Tuyến metro số 2 được hưởng cơ chế đặc biệt

Trong bảy tuyến đường sắt đô thị cần hoàn thành trong 10 năm tới, TP.HCM sẽ bắt đầu bằng việc khởi công xây dựng tuyến metro số 2 vào cuối năm nay.

LTS: Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết 188 thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội và TP.HCM. Nghị quyết 188 như mở ra cánh cửa lớn để TP.HCM hoàn thiện mạng lưới giao thông đô thị, đồng thời thực hiện hiệu quả Kết luận 49 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Việc xây dựng và mở rộng hệ thống đường sắt đô thị không chỉ giúp TP.HCM giảm ùn tắc giao thông mà còn nâng cao chất lượng sống cho người dân, bảo vệ môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 188, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 1151 cụ thể hóa từng nhiệm vụ trọng tâm giao cho các sở, ngành, ban quản lý dự án để hiện thực hóa 355 km đường sắt đô thị (ĐSĐT). Trong đó, đáng chú ý, tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) sẽ là tuyến metro đầu tiên được áp dụng Nghị quyết 188 và sẽ khởi công vào cuối năm nay.

Giao nhiệm vụ trọng tâm làm ĐSĐT

Để làm 355 km ĐSĐT trong 10 năm tới, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch và các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng văn bản để cụ thể hóa một số quy định của Nghị quyết 188; huy động vốn và bố trí vốn đầu tư; chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD); phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ; vật liệu xây dựng và bãi đổ thải...

 TP.HCM quyết tâm hiện thực hóa 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới. Ảnh: THUẬN VĂN

TP.HCM quyết tâm hiện thực hóa 355 km đường sắt đô thị trong 10 năm tới. Ảnh: THUẬN VĂN

Theo kế hoạch, TP.HCM cần huy động khoảng 40,2 tỉ USD để đầu tư 355 km ĐSĐT. Để làm được điều này, Nghị quyết 188 của Quốc hội cũng đã có các cơ chế giúp TP.HCM có thể huy động mọi nguồn lực, bao gồm vốn từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, nguồn thu từ mô hình TOD, phát hành trái phiếu…

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng yêu cầu hoàn thiện các thủ tục để khởi công tuyến metro số 2 vào tháng 12-2025. Từ nay đến tháng 4-2025, các sở, ban ngành sẽ hoàn thiện thủ tục chuyển đổi nguồn vốn từ sử dụng ODA sang đầu tư công. Sau đó, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu và khởi công dự án. Đồng thời, sáu tuyến ĐSĐT còn lại cũng sẽ tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Tiếp đó, thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Thực hiện công tác di dời công trình phục vụ thi công; rà soát, bổ sung quy hoạch điện bảo đảm nhu cầu sử dụng điện cho các dự án ĐSĐT, dự án ĐSĐT theo mô hình TOD. TP.HCM sẽ tổ chức lựa chọn nhà thầu và khởi công công trình, triển khai thi công và hoàn thành.

Nhiều cơ chế thuận lợi, rút ngắn nhiều thời gian

Ông Phan Công Bằng, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR), thông tin TP.HCM xác định từ nay tới năm 2035 sẽ hoàn thành 355 km ĐSĐT, bao gồm tuyến metro số 1 vừa đưa vào vận hành và đến 2045 sẽ hoàn thành 200 km ĐSĐT còn lại.

Theo ông Bằng, để thực hiện, xây dựng mạng lưới phát triển ĐSĐT cần có nhiều cơ chế đột phá. Hiện Quốc hội cho TP.HCM và Hà Nội nhiều cơ chế vượt trội như bỏ qua bước chủ trương đầu tư, rút ngắn được ba năm so với trước đây. Đồng thời, phân cấp cho TP.HCM được duyệt dự án đầu tư sẽ đẩy nhanh được tiến độ. Đặc biệt, cho phép chỉ định thầu bao gồm tư vấn và xây lắp; chỉ định thầu dự án ĐSĐT gắn với TOD nên các dự án trong thời gian tới sẽ rút ngắn rất nhiều về tiến độ.

Sau khi vận hành tuyến metro số 1 đã thấy rõ hiệu quả, giảm ùn tắc và hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Vì vậy, việc đầu tư tuyến metro số 2 và hoàn thành mạng lưới ĐSĐT là cấp thiết. Theo đó, dự án metro số 2 là dự án đầu tiên áp dụng Nghị quyết 188, TP.HCM tập trung để làm sao khởi công tuyến metro số 2 trong năm 2025, đòi hỏi đến năm 2030 phải hoàn thành tuyến metro số 2. Vì vậy, các nhóm công việc hiện nay rất gấp rút như hợp đồng dự án, khai thác TOD, công nghệ sử dụng metro số 2 ra sao.

 Hiện metro số 2 đã có 100% mặt bằng, sẵn sàng triển khai theo mô hình TOD được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù từ Nghị quyết 188. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hiện metro số 2 đã có 100% mặt bằng, sẵn sàng triển khai theo mô hình TOD được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù từ Nghị quyết 188. Ảnh: ĐÀO TRANG

Ông Bằng thông tin tuyến metro số 2 là tuyến metro đầu tiên trong bảy tuyến metro có đầy đủ điều kiện để làm. Hiện metro số 2 đã có 100% mặt bằng, sẵn sàng triển khai theo mô hình TOD được áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù từ Nghị quyết 188. “Với cơ chế, chính sách mới, cách làm mới và tiệm cận mới, TP.HCM có thể hoàn thành 355 km ĐSĐT trong 10 năm tới” - ông Bằng nói.

Cần rút ra các bài học từ metro số 1

Trao đổi với PV, kiến trúc sư- TSKH Ngô Viết Nam Sơn cho rằng tuyến metro số 1 vừa khánh thành đã mang lại hiệu quả tích cực, đây là bài học kinh nghiệm quan trọng khi xây dựng các tuyến metro tiếp theo. Bởi lẽ trong suốt thời gian qua, metro số 1 gặp nhiều khó khăn vướng mắc và TP mất nhiều thời gian trong việc xin ý kiến, chỉ đạo và triển khai. Do vậy, để làm hệ thống ĐSĐT tiếp theo, TP cần rút ra các bài học từ metro số 1.

Trong đó là mặt bằng, quỹ đất sạch trước khi khởi công tránh trường hợp hợp đồng bị ảnh hưởng, đội chi phí. Khi làm metro không chỉ là vấn đề về giao thông mà còn là liên quan đến đô thị giao thông ngầm, cảnh quan, dịch vụ, du lịch, vì vậy cần phối hợp liên ngành. Đồng thời, TP cần đảm bảo nguồn vốn để làm ĐSĐT, huy động mọi nguồn lực để đảm bảo dòng tiền.

Ông Sơn cũng cho rằng TP cũng cần chú ý đến việc áp dụng mô hình TOD, tạo ra giá trị gia tăng lớn và thu về nguồn ngân sách đáng kể từ đấu giá đất. Cuối cùng là cần hoàn thiện cơ chế pháp lý tránh tình trạng xin - cho, thủ tục kéo dài ảnh hưởng tiến độ chung dự án.

Về định hướng phát triển ĐSĐT theo mô hình TOD, ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết TP có thể vận dụng cơ chế đặc thù để được thu và sử dụng 100% đối với các khoản thu trong khu vực TOD để phát triển hệ thống ĐSĐT, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng. Trong đó, quỹ đất tiềm năng phát triển mô hình TOD ở TP.HCM có thể lên tới 60.000 ha.

Tương tự, TS Nguyễn Hoàng Tùng, Phó nhóm TOD thuộc chương trình hạ tầng và TP xanh (FCDO GCIP), đề xuất TP.HCM có thể học kinh nghiệm về việc triển khai TOD ở các nước mà Việt Nam với nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, lưu ý trong quá trình triển khai, nhiều TP trên thế giới không phát triển một cách riêng lẻ giữa đường sắt và đô thị mà có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.

Đơn cử như Singapore có quy trình triển khai TOD bài bản, mang tính dài hạn cũng như kinh nghiệm phát triển mật độ cao quanh các đầu mối giao thông. Trong đó, quy trình triển khai, Singapore đã thực hiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, sau đó tiến hành kiểm soát quy trình phát triển. Tại London, khi triển khai TOD cũng được triển khai theo bốn bước gồm quy hoạch, thiết kế, đầu tư và vận hành.

ĐÀO TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/tuyen-metro-so-2-duoc-huong-co-che-dac-biet-post843451.html
Zalo