Tuyên Hóa: Một trường học có nhiều học sinh mắc thủy đậu

Một trường học ở xã Lê Hóa (Tuyên Hóa) trong thời gian ngắn đã có nhiều học sinh (HS) cùng lớp mắc bệnh thủy đậu. Đây là ổ dịch thủy đậu đầu tiên trên địa bàn tỉnh được phát hiện trong năm 2024. Chiều 23/10/2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh trực tiếp kiểm tra, giám sát và chỉ đạo xử lý ổ dịch, không để bùng phát mạnh.

Đại diện lãnh đạo CDC tỉnh trực tiếp làm việc và chỉ đạo phòng, chống dịch thủy đậu tại Trường tiểu học và THCS Lê Hóa.

Đại diện lãnh đạo CDC tỉnh trực tiếp làm việc và chỉ đạo phòng, chống dịch thủy đậu tại Trường tiểu học và THCS Lê Hóa.

Ổ dịch thủy đậu đầu tiên trong năm 2024

Theo báo cáo từ Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Tuyên Hóa: Từ ngày 19/10, tại lớp 7A Trường tiểu học- THCS xã Lê Hóa xuất hiện 2 HS có triệu chứng điển hình của bệnh thủy đậu (sốt, đau đầu, trên da xuất hiện vết ban đỏ, bọng nước có đường kính khoảng 5mm…); đến ngày 21/10, tại lớp học trên phát hiện thêm 12 trường hợp. Tính đến ngày 23/10, toàn trường có 14 HS mắc bệnh thủy đậu.

Các HS mắc bệnh được cho nghỉ học và cách ly tại nhà. Cán bộ y tế địa phương đã hướng dẫn các biện pháp tự điều trị tại nhà, theo dõi, chăm sóc các cháu trong thời gian bị bệnh. Đồng thời, tiến hành xử lý môi trường, vệ sinh khử khuẩn lớp học và hộ gia đình có trường hợp mắc bệnh.

Ngay khi nhận được thông tin từ TTYT huyện Tuyên Hóa về các trường hợp mắc bệnh thủy đậu tại Trường tiểu học-THCS Lê Hóa, CDC tỉnh trực tiếp chỉ đạo nhà trường, TTYT huyện và Trạm Y tế xã Lê Hóa tiến hành điều tra, giám sát dịch tễ các ca bệnh.

Đại diện lãnh đạo CDC tỉnh trao tặng thuốc, hóa chất và hướng dẫn sử dụng phòng, chống dịch thủy đậu cho cán bộ Trường tiểu học và THCS Lê Hóa.

Đại diện lãnh đạo CDC tỉnh trao tặng thuốc, hóa chất và hướng dẫn sử dụng phòng, chống dịch thủy đậu cho cán bộ Trường tiểu học và THCS Lê Hóa.

Theo Giám đốc CDC tỉnh Đỗ Quốc Tiệp, thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella Zoster gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn suy giảm miễn dịch. Bệnh rất dễ lây từ người bệnh sang người khỏe mạnh nên dễ bùng phát thành dịch. Bệnh thủy đậu chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, bằng các giọt bắn ra từ đường hô hấp (mũi, miệng) của người bệnh. Hoặc thông qua việc tiếp xúc với đồ vật, như: Quần áo, chăn gối có vấy bẩn các dịch tiết của người bệnh..., nhất là lây qua tiếp xúc trực tiếp với chất dịch khi các bọng nước bị vỡ. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu có thể lây cho thai nhi qua nhau thai, gây nên tình trạng mắc thủy đậu bẩm sinh.

Thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ thường xuyên có sự thay đổi đột ngột như hiện nay là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu phát triển và lây lan. Bệnh lành tính sẽ phục hồi sau một quãng thời gian nhất định và không để lại di chứng gì nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, biến chứng của bệnh cũng rất khó lường và có thể dẫn đến nhiều nguy cơ nghiêm trọng, như: Viêm não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết… thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh, cũng như để lại di chứng về mặt thẩm mỹ đến suốt đời.

Ngoài ra, có một biến chứng đặc biệt nữa là khi bị mắc bệnh thủy đậu ở lứa tuổi nhỏ, vi rút Varicella Zoster sẽ “lẩn trốn” ở các hạch cảm giác trong cơ thể và sau đó có thể “thức dậy” ở tuổi trung niên gây ra bệnh Zona (giời leo) mạn tính.

Hồ neo hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh thủy đậu.

Hồ neo hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh thủy đậu.

Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh thủy đậu là rất quan trọng. Hiện nay, đã có vắc-xin phòng bệnh, cha mẹ nên lưu ý tiêm vắc-xin phòng thủy đậu cho trẻ sớm để giúp bảo vệ con trẻ trước nguy cơ mắc bệnh, cũng như chống lại các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra và nâng cao rào chắn miễn dịch trong cộng đồng.

Tăng cường phòng, chống dịch

Trong chiều 23/10, đại diện lãnh đạo CDC tỉnh đã đến thăm hỏi một số HS mắc bệnh đang cách ly tại nhà; trực tiếp làm việc với Ban giám hiệu Trường tiểu học-THCS Lê Hóa, cán bộ y tế trường học, các cô giáo chủ nhiệm và hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên của trường cách phòng, chống bệnh thủy đậu cũng như các bệnh dịch nguy hiểm khác. Đồng thời, cấp cho nhà trường thuốc, hóa chất, vật tư cần thiết bảo đảm công tác phòng, chống dịch tại trường học.

Tại buổi làm việc, Giám đốc CDC tỉnh đề nghị TTYT huyện Tuyên Hóa tăng cường công tác giám sát, điều tra dịch tễ; khoanh vùng từng hộ gia đình, thôn/xóm có các trường hợp mắc bệnh, giám sát phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bùng phát và lây lan; theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, báo cáo hàng ngày và tình huống khẩn cấp đến CDC tỉnh để có phương án xử lý kịp thời.

Cán bộ CDC tỉnh hướng dẫn cách bôi thuốc điều trị bệnh thủy đậu cho học sinh đang cách ly, điều trị tại nhà.

Cán bộ CDC tỉnh hướng dẫn cách bôi thuốc điều trị bệnh thủy đậu cho học sinh đang cách ly, điều trị tại nhà.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch thủy đậu nói riêng và các bệnh dịch theo mùa nói chung, cũng như các bệnh dịch khác để người dân chủ động phòng, chống, bảo vệ sức khỏe. Trạm Y tế xã Lê Hóa tiến hành thu dung, điều trị các trường hợp thủy đậu nhẹ; theo dõi chuyển tuyến kịp thời đối với các trường hợp nặng, không để xảy ra các trường hợp biến chừng nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân...

Đối với Trường tiểu học-THCS Lê Hóa nơi phát sinh ổ dịch: Khi phát hiện ca bệnh mới hoặc có chùm ca bệnh đột xuất từ 2 HS trở lên phải báo ngay cho trạm y tế để theo dõi, điều trị kịp thời, hạn chế gián đoạn việc học tập của các em. Với số hóa chất được cấp, nhà trường cần chú trọng công tác vệ sinh môi trường, sát khuẩn lớp học, đồ dùng, các dụng cụ học tập hàng ngày cho đến khi hết ca bệnh.

Đặc biệt, cán bộ y tế trường học cùng với giáo viên chủ nhiệm theo dõi chặt chẽ HS, nếu phát hiện HS nào xuất hiện sốt, phát ban, cần vận động phụ huynh đưa con em đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời. Lưu ý, HS trong lớp có ca bệnh khi đến trường nên mang khẩu trang và HS toàn trường cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng… để sớm khống chế được dịch, bảo đảm sức khỏe cho giáo viên, HS và cộng đồng dân cư, không để dịch bùng phát và lây lan.

Trường tiểu học và THCS Lê Hóa nơi phát sinh ổ dịch với nhiều học sinh cùng lớp mắc bệnh thủy đậu.

Trường tiểu học và THCS Lê Hóa nơi phát sinh ổ dịch với nhiều học sinh cùng lớp mắc bệnh thủy đậu.

Hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS Lê Hóa Đoàn Anh Tuấn chia sẻ: Toàn trường có 400 HS học tại 3 điểm trường. Tại điểm trường 1 có 200 HS và lớp 7A những ngày vừa qua đã có 14 HS bị bệnh thủy đậu. Khi phát hiện, nhà trường nhanh chóng phối hợp với cán bộ y tế, phụ huynh HS theo dõi, chăm sóc và điều trị cho HS nhanh chóng khỏi bệnh để trở lại trường học.

Tuy nhiên, nhà trường cũng rất lo lắng nếu dịch bệnh lây lan sang các lớp học khác sẽ ảnh hưởng đến công tác dạy và học. Vì vậy, nhà trường rất mong nhận được sự hỗ trợ về thuốc, hóa chất cũng như hướng dẫn các biện pháp phòng dịch hiệu quả từ ngành Y tế để thầy và trò chủ động phòng, chống dịch cũng như triển khai tốt nhiệm vụ dạy và học.

Trong 9 tháng năm 2024, tình hình mắc các bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh đa số giảm so với cùng kỳ. Các bệnh mới nổi, tái nổi, như: Cúm AH5N1, H7N9, bạch hầu, MerS-CoV; các bệnh dịch nguy hiểm nhóm A (tả, nhiễm não mô cầu, dịch hạch…) chưa ghi nhận trên địa bàn. Tuy nhiên, bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng có xu hướng tăng so với cùng kỳ 2023: Đã ghi nhận 1 trường hợp mắc Rubella, 5 ca ho gà (xét nghiệm dương tính), 1 ca tử vong do dại tại huyện Bố Trạch; riêng bệnh thủy đậu đã ghi nhận 174 ca mắc rải rác ở các địa phương, giảm gần 55% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, huyện Tuyên Hóa ghi nhận số ca mắc nhiều nhất với 56 ca và mới phát sinh ổ dịch với nhiều HS trong một lớp học mắc bệnh thủy đậu.

Nội Hà

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/suc-khoe/202410/tuyen-hoa-mot-truong-hoc-co-nhieu-hoc-sinh-mac-thuy-dau-2221843/
Zalo