Tuyên bố đầu tiên của ông Assad kể từ khi rời Syria
Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã có tuyên bố công khai đầu tiên kể từ khi rời khỏi Syria, bảo vệ thời gian nắm quyền của bản thân và phủ nhận đã lên kế hoạch bỏ chạy khi lực lượng đối lập giành quyền kiểm soát đầu tháng này.
Trong tuyên bố được đăng tải trên kênh Telegram của phủ tổng thống Syria ngày 16/12, ông Assad cho biết việc rời Syria không phải là có kế hoạch từ trước và cũng không diễn ra trong những giờ cuối cùng như một số tuyên bố. Ông khẳng định đã ở lại Damascus, thực hiện nhiệm vụ của mình cho đến những giờ đầu tiên của ngày 8/12/2024.
Tuyên bố cho biết thêm khi lực lượng đối lập tiến vào thủ đô, ông đã di chuyển đến một căn cứ của Nga ở thành phố duyên hải Latakia để giám sát các hoạt động chiến đấu. Tuy nhiên, căn cứ này sau đó đã bị các lực lượng đối lập tấn công bằng thiết bị bay không người lái. Ông nói rõ trong tình huống như vậy, mọi sự đóng góp của ông trở nên vô nghĩa.
Lực lượng đối lập do tổ chức Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu đã phát động một cuộc tấn công từ tỉnh Idlib ở Tây Bắc Syria vào tháng 11, nhanh chóng chiếm cứ các thành phố từ tay lực lượng chính phủ. Lực lượng này đã có mặt tại Damascus vào rạng sáng 8/12 và tuyên bố sự kết thúc của chính quyền Tổng thống al-Assad tại Syria.
Trong nỗ lực thúc đẩy tiến trình hòa bình ở Syria, phóng viên TTXVN tại Ai Cập cho biết trong cuộc gặp tại Cairo ngày 16/12, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi và Quốc vương Jordan Abdullah II đã kêu gọi một tiến trình chính trị toàn diện ở quốc gia Trung Đông này với sự tham gia của tất cả các đảng phái cũng như các thành phần đa dạng trong các cộng đồng dân chúng Syria.
Hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ nhà nước Syria cũng như bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Trung Đông này, đặc biệt khi cả Ai Cập và Jordan đều là thành viên của Ủy ban Liên lạc Ả-rập về Syria.
Cũng trong ngày 16/12, phóng viên TTXVN tại Brussels cho biết trong cuộc họp của Hội đồng Đối ngoại EU, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Kaja Kallas đã chỉ thị một nhà ngoại giao cấp cao giải quyết tình hình hiện tại với chính phủ lâm thời Syria do HTS đứng đầu. Đây là một động thái mới nhất của EU nhằm thiết lập mối quan hệ với lực lượng đã lật đổ Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad. Về mặt quốc tế, nhóm này vẫn đang bị giám sát chặt chẽ do bị liệt vào danh sách khủng bố.
Đại diện cấp cao Kallas cho biết EU đang tìm cách ủng hộ một cuộc chuyển giao chính trị hòa bình ở Syria. Tuy nhiên, hiện các quốc gia châu Âu đang chia rẽ về việc EU can dự với HTS có gây nguy hiểm cho lập trường của EU chống lại chủ nghĩa khủng bố và các cam kết về bảo đảm quyền con người hay không.
Bà Kallas nhấn mạnh rằng EU sẽ không sửa đổi chỉ định là khủng bố đối với HTS. Theo người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, trước tiên, HTS phải thể hiện cam kết của mình đối với một Syria ổn định, đa đại diện, bảo vệ các nhóm thiểu số. Bà cho biết EU sẽ theo dõi những tuần sắp tới để xác định xem HTS có thể đáp ứng được những kỳ vọng này hay không.
Trong một cuộc họp gần đây tại Jordan, đại diện từ EU, Mỹ, Vương quốc Anh, Liên hợp quốc và các quốc gia Ảrập đã nhất trí về các nguyên tắc ủng hộ sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và nhân quyền của Syria. Mỹ và Vương quốc Anh cũng đang duy trì liên lạc ngoại giao với HTS trong khi vẫn giữ nguyên nhóm này trong danh sách những tổ chức bị coi là khủng bố.
Trong khi đó, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo vừa thông báo các nỗ lực hòa giải do Mỹ dẫn đầu đã không thể thiết lập được lệnh ngừng bắn lâu dài tại khu vực Manbij và Kobani ở miền Bắc Syria.
Theo thông báo từ trung tâm truyền thông của SDF, Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang đồng minh đã từ chối những điều khoản quan trọng trong thỏa thuận đề xuất, trong đó có việc di chuyển các thành viên còn lại của Hội đồng Quân sự Manbij và thường dân muốn di tản đến các khu vực an toàn hơn ở miền Bắc và miền Đông Syria.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) xác nhận thông tin này, cho biết các phe phái được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã từ chối thực thi các điều khoản của thỏa thuận giảm căng thẳng đã đạt được với SDF. SOHR cũng cho biết các phe phái này đang ngăn cản đoàn xe của Hội Lưỡi liềm Đỏ Kurdistan và chính quyền tự trị vào khu vực để sơ tán thường dân, tù nhân và thi thể người thiệt mạng.
Tình hình tại Manbij, một thành phố có vị trí chiến lược quan trọng ở miền Bắc Syria, đã xấu đi nghiêm trọng kể từ cuối tháng 11/2024, khi quân đội Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn phát động một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào thành phố đang do SDF kiểm soát. Cuộc tấn công này đã dẫn đến các cuộc giao tranh dữ dội, thương vong dân sự và khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng.
Diễn biến mới trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng đối lập do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu ngày 8/12 giành được quyền kiểm soát thủ đô Damascus, lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Lực lượng này sau đó chọn ông Mohammad al-Bashir làm thủ tướng lâm thời, chịu trách nhiệm lãnh đạo chính phủ chuyển tiếp cho đến ngày 1/3/2025.
Tuy nhiên, HTS hiện chỉ kiểm soát khoảng một nửa lãnh thổ ở phía Tây Syria, trong khi khu vực rộng lớn ở vùng Đông Bắc do các tay súng người Kurd kiểm soát.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)