Tuyển Anh luyện binh 8 năm, chờ dùng 90 phút

Gareth Southgate có tầm nhìn rất rõ ràng với đội tuyển Anh khi lên nắm quyền HLV vào năm 2016; ông muốn đưa 'Tam sư' tiến vào kỷ nguyên hiện đại bằng cách thiết lập một phong cách chơi đặc trưng xoay quanh việc kiểm soát bóng.

 Gareth Southgate đứng trước cơ hội giúp tuyển Anh giành chức vô địch EURO.

Gareth Southgate đứng trước cơ hội giúp tuyển Anh giành chức vô địch EURO.

Trong cuộc họp báo từ 8 năm trước khi ra mắt công chúng, HLV Southgate đã lập ngôn: “Bất kỳ ai từng xem đội U21 sẽ biết rằng tôi thích đội của mình cầm bóng nhiều, nhưng chúng tôi vẫn phải tạo mối đe dọa trước khung thành. Tôi tin rằng chúng tôi có những cầu thủ giỏi có thể chơi một trận đấu có sức ép cao, khiến người hâm mộ phấn khích”.

Từ lập ngôn đến hiện thực

Khi nghe lại lời lập ngôn của Southgate, nhiều người phải nhếch mép vì ý tưởng đội tuyển Anh khiến người hâm mộ phấn khích không xuất hiện tại EURO 2024. Thay vào đó, phần lớn các trận của Anh đều buồn ngủ và đội tuyển chơi thiếu sáng tạo.

Nhưng đừng vội cười ý tưởng của Southgate. Ông đã có thành công nhất định trong việc biến tuyển Anh biết tập trung vào kiểm soát bóng. Điều này càng thể hiện rõ nét khi "Tam sư" cất tiếng gầm trước các đối thủ mạnh.

Tại bán kết, tuyển Anh kiểm soát bóng đến 58,3% thời gian trước Hà Lan là một ví dụ điển hình. Dù Hà Lan không phải thế hệ quá xuất sắc, họ vẫn sở hữu đội hình chất lượng và được dẫn dắt bởi Ronald Koeman - một vị HLV thấm nhuần tinh thần kiểm soát kiểu Barcelona.

Song, tuyển Anh vẫn có thể chơi trên chân nhờ ăn đối thủ ở việc cầm bóng. Xét cả giải, tỷ lệ cầm bóng trung bình của Anh trong các trận lên lến 57,9%. Rất ấn tượng nếu biết đây là con số cầm bóng cao thứ ba mà "Tam Sư" thể hiện trong các lần dự giải lớn từ 1980.

 Thành tích kiểm soát bóng của tuyển Anh qua các giải đấu.

Thành tích kiểm soát bóng của tuyển Anh qua các giải đấu.

Hiện tại, thành tích cầm bóng “cao thứ ba” có thể không gợi cho người hâm mộ chút ấn tượng nào khi đánh giá liệu Southgate có thành công trong việc thiết lập một phong cách chơi, triết lý dựa trên sở hữu bóng hay không. Nhưng con số đó chứng tỏ Southgate đang đi theo lộ trình mà ông tự đặt ra từ 2016 và đó có thể là thước đo vô hình giúp Anh thành công trong 4 giải đấu lớn gần đây khi đều vào ít nhất là tứ kết, 3 lần là bán kết, vào chung kết 2 lần và chỉ còn chờ nâng Cúp vô địch.

Việc kiểm soát bóng là bước tiến tích cực trong lối chơi của Anh nếu xét lại thời kỳ đầu triều đại Southgate. Nhìn lại World Cup 2018, người ta thấy màn trình diễn của Anh trước Bỉ ở vòng bảng và trước Croatia tại bán kết hoàn toàn lép vế mà phần lớn nguyên nhân do "Tam sư" không thể giữ được bóng.

Ngay cả trong trận thua Italy trên chấm luân lưu ở trận chung kết EURO 2020, CĐV Anh thường đổ lỗi cho vận may nhưng xét lại nguyên nhân gốc rễ, họ chỉ cầm bóng 34,6% sau khi dẫn trước đối thủ từ sớm.

Nhưng tại World Cup ở Qatar, Anh kiểm soát bóng trung bình 63,6% thời gian - đó là con số cao kỷ lục của họ tại một giải đấu lớn. Tại EURO lần này, chỉ số kiểm soát bóng giảm đi là do các đối thủ tại châu Âu đều thích kiểm soát bóng hơn là các đại diện đến từ châu lục khác, chứ không phải do khả năng kiểm soát bóng của Anh sa sút.

Hành trình khổ luyện

Tất nhiên, Southgate không phải là HLV tuyển Anh đầu tiên theo đuổi kiểm soát bóng. Sau khi tuyển Anh thất hại thảm bại với tư duy thực dụng, ít chịu cầm bóng thời Sven Goran Eriksson, tinh thần kiểm soát bóng nhen nhóm dưới thời Fabio Capello.

Năm 2009, Capello nói: “Bóng đá hiện đại là chơi bóng đa dạng, không chỉ bóng dài mà khi có thể chơi phản công, chúng tôi phải chơi rất nhanh. Việc kiểm soát bóng là rất quan trọng trong bóng đá ngày nay”.

Tại World Cup 2010, đội tuyển Anh của Capello cầm bóng nhiều hơn đối thủ trong cả 4 trận đấu của họ, trung bình là 56,4%. Đáng tiếc là tuyển Anh bị loại sớm bởi Đức rất mạnh khi đó và Capello phải rời xứ sớ sương mù.

Roy Hodgson tiếp tục hành trình xây dựng lối chơi kiểm soát bóng nhưng ông thực hiện công việc này một cách miễn cưỡng. Tại EURO 2016, tuyển Anh của Hodgson cầm bóng trung bình tới 62,2%, cao thứ hai trong lịch sử của đội tuyển Anh và tăng phi mã so với mức 39,2% ở giải EURO 2012. Nhưng sở dĩ kiểm soát bóng tại EURO 2016 cao là do Anh chỉ đá 4 trận, trong đó có 2 trận gặp đối thủ cùng phong cách và không có chuyên gia cầm bóng (Anh kiểm soát bóng 69,7% trước Xứ Wales và 68% trước Iceland).

Chỉ đến thời của Southgate, việc kiểm soát bóng mới được coi là chính sách và được thực hiện một cách kiên trì và có chiều sâu.

Điều trùng hợp, đối thủ trong trận chung kết lại là Tây Ban Nha – đội bóng bậc thầy về cầm bóng. Tại giải này, Tây Ban Nha sẵn sàng từ bỏ việc kiểm soát bóng để đá cánh nhiều hơn nhờ bộ đôi Lamine Yamal và Nico Williams. Trận ra quân thắng Croatia, Tây Ban Nha lần đầu tiên kiểm soát bóng dưới đối thủ sau 136 trận đấu liên tục từ năm 2008.

Tuy nhiên, cũng chỉ trước Croatia có hàng tiền vệ rất giàu kỹ thuật thì Tây Ban Nha mới nhún mình vậy. Ở các trận sau, đội bóng xứ bò tót lại giữ bóng chặt trong chân khi kiểm soát 59% trước Italy, 54% trước Pháp. Ấy vậy mà HLV Luis de la Fuente còn chưa hài lòng và yêu cầu các cầu thủ Tây Ban Nha cần kiểm soát bóng nhiều hơn trong trận đấu với Anh để ngăn các cầu thủ của Southgate có cơ hội.

Trận chung kết sẽ không chỉ là đấu sức, đấu trí mà còn là cuộc đấu về kiểm soát bóng vì ai càng cầm nhiều bóng, càng có cơ hội dứt điểm để kết liễu đối thủ. Sau 8 năm luyện binh, tuyển Anh lúc này đủ tự tin để giành giật trái bóng với Tây Ban Nha.

Anh Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn//tuyen-anh-luyen-binh-8-nam-cho-dung-1-5-gio-post1486170.html
Zalo