Tuyên án vụ Thuduc House: Cựu cục phó Cục Thuế TP.HCM được giảm 1 năm tù
HĐXX phúc thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh (cựu cục phó Cục Thuế TP.HCM) mức án 3 năm tù, các bị cáo còn lại được giảm từ 3-30 tháng tù.
Ngày 3-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên án phúc thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) và các đơn vị có liên quan.
Nhiều bị cáo được giảm án
HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Bích Hạnh, cựu cục phó Cục thuế TP.HCM) 3 năm tù (giảm 1 năm so với bản án sơ thẩm) về tội vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí. Bị cáo Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (cựu tổng giám đốc Thủ Đức House) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù (giảm 2 năm 6 tháng).
Các bị cáo còn lại được HĐXX xem xét tuyên mức án giảm từ 3-30 tháng tù.
Theo HĐXX, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hoàn thành khi các bị cáo hoàn tất chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài về Việt Nam.
Các bị cáo đã lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa, sau đó sử dụng số tiền chuyển ra nước ngoài để thanh toán các hợp đồng mua bán từ đó lập hồ sơ và chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Cũng theo HĐXX, trong vụ án này các bị cáo là công chức thuế buộc phải biết hồ sơ hoàn thuế của Thuduc House thuộc trường hợp phải phân loại và phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau mới đúng quy định của pháp luật. Việc các công chức thuế không thực hiện thẩm định, xác minh hồ sơ hoàn thuế nên mới dẫn đến hậu quả của vụ án nên không có cơ sở để chấp nhận ý kiến bào chữa của các LS và các bị cáo là công chức thuế.
Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án là rất nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động quản lý kinh tế, quản lý của Nhà nước để chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Hậu quả gây ra là đặc biệt nghiêm trọng nên tòa án cấp sơ thẩm sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ để quyết định hình phạt nghiêm khắc để đủ sức răn đe.
Tuy nhiên, HĐXX xét thấy một số bị cáo đã tự nguyện khắc phục hậu quả, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và hình phạt của bản án sơ thẩm là tương đối nghiêm khắc nên có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo này.
Đối với trách nhiệm dân sự, do các bị cáo là đồng phạm của Trịnh Tiến Dũng (đang bỏ trốn) để chiếm đoạt tiền của Cục Thuế TP.HCM, Cục Thuế tỉnh Đồng Nai, Cục Thuế tỉnh Tây Ninh nên tòa án cấp sơ thẩm buộc các bị cáo phải có trách nhiệm liên đới bồi thường tiền cho bị hại và giành quyền khởi kiện cho các bị cáo trong vụ kiện khác để đòi lại tiền là có căn cứ.
Đối với kháng cáo của Thuduc House yêu cầu hoàn lại 365 tỉ đồng đã nộp lại cho Cục Thuế TP, HĐXX xét thấy số tiền này là số tiền hoàn thuế trái quy định thông qua Thuduc House nên cần buộc doanh nghiệp này nộp lại 365 tỉ đồng như tòa án cấp sơ thẩm tuyên là có căn cứ.
Chiếm đoạt 365 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT
Theo HĐXX, có căn cứ để xác định từ năm 2016 đến năm 2020, Trịnh Tiến Dũng (đang trốn truy nã) đã chỉ đạo thành lập nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài để lập hồ sơ xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động phạm tội. Tại Mỹ, Campuchia, Hồng Kông, Malaysia và UAE, Dũng đã thành lập, sử dụng pháp nhân các công ty nước ngoài để ký các hợp đồng xuất nhập khẩu, giao nhận hàng hóa.
Tại Việt Nam, Dũng chỉ đạo Trần Hoàn Tiên, Trần Nhất Thanh, Mạc Văn Nguyện, Nguyễn Hoàng Lân, Nguyễn Thiên Phú... thành lập một số doanh nghiệp, trong đó phần lớn là các Công ty ma (không có hoạt động kinh doanh thực tế), hoặc mua các Chứng minh nhân dân (CMND) từ các nguồn trôi nổi và thuê làm giá CMND để thành lập Công ty, ký giả chữ ký giám đốc để mở tài khoản ngân hàng, mua bán trong nước và xuất nhập khẩu hàng hóa.
Để phục vụ hoạt động chuyển tiền ra vào Việt Nam, lừa đảo chiếm đoạt tiền thuế GTGT, Trịnh Tiến Dũng đã chỉ đạo Nguyễn Hoàng Duy Anh và Vũ Văn Trường chuẩn bị sẵn một số hàng hóa, linh kiện điện tử là hàng giả, hàng nhái, hàng đã qua sử dụng, hàng có giá trị thấp. Sau đó, sử dụng các Công ty nêu trên lập hồ sơ nhập khẩu CD hoặc DVD Rom để chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài; xuất khẩu Ram, Chip, Tranh gỗ để chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam với mục đích hoàn thuế GTGT, thu phí dịch vụ chuyển tiền của khách hàng và sử dụng mục đích khác.
Để hợp thức hóa hóa đơn đầu vào, Dũng và Lưu Thị Ngát thành lập và sử dụng 17 Công ty vỏ bọc xuất hóa đơn GTGT khống để hợp thức hóa đầu vào cho Công ty Sài Gòn Tây Nam, Công ty Nhà Thủ Đức và Công ty Hoàng Nam Anh để các công ty này xuất khẩu và hoàn thuế GTGT.
Hậu quả các bị cáo đã chiếm đoạt 365 tỉ đồng tiền hoàn thuế VAT tại Cục Thuế TP.HCM.
Đối với bị cáo Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (cựu tổng giám đốc Thủ Đức House), ngoài việc thống nhất chủ trương, ký hồ sơ thủ tục đề nghị hoàn thuế VAT của Thủ Đức House trái pháp luật, giúp Trịnh Tiến Dũng chiếm đoạt 365 tỉ đồng thì bị cáo này còn có hành vi giả mạo, khai man chứng từ kế toán, gây thiệt hại cho Thủ Đức House số tiền 7,7 tỉ đồng.
HỮU ĐĂNG