Tuyên án đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả quy mô lớn
Ngày 13.5, sau hai ngày xét xử, TAND TP Đà Nẵng đã tuyên án sơ thẩm đối với 13 bị cáo trong vụ án sản xuất, buôn bán sách giáo khoa giả có quy mô đặc biệt lớn, với hơn 1,6 triệu cuốn sách thành phẩm và hàng trăm ngàn bản in bán thành phẩm bị phát hiện.
Theo cáo trạng, đường dây làm sách giả do Nguyễn Trung Luật (SN 1981, trú TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH in bao bì Huy Trường Phát) cầm đầu, bắt đầu hoạt động từ tháng 6.2024.
Luật đã móc nối với Phạm Ngọc Quang (SN 1977, trú TP.HCM, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ quảng cáo Quang Thắng) để tổ chức in ấn, sản xuất sách giáo khoa giả trên quy mô công nghiệp, với tổng giá trị in trên bìa sách lên đến hơn 51 tỷ đồng.
Hơn 1,6 triệu cuốn sách giả và 347.000 bản in bị phát hiện
Cụ thể, nhóm đối tượng đã sản xuất hơn 1,6 triệu cuốn sách giáo khoa giả thành phẩm cùng khoảng 347.000 bản in bán thành phẩm chưa hoàn thiện.
Phần lớn số sách này được tiêu thụ thông qua nhiều mắt xích liên tỉnh, trong đó hơn 1,1 triệu cuốn được bán cho Phạm Thạch Kim Điền (trú TP.HCM) với giá trị hơn 37 tỷ đồng, mức chiết khấu từ 65% đến 69% so với giá bìa.
Ngoài ra, Nguyễn Trung Luật còn bán 86.000 cuốn sách giả cho Phạm Tin, trị giá hơn 3 tỷ đồng với mức chiết khấu 60% – 65%.
Phần còn lại gồm 385.000 cuốn sách thành phẩm và 347.000 bản in chưa hoàn thiện đã bị cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ trước khi kịp đưa ra thị trường.

Các bị cáo tại phiên tòa
Để vận hành trơn tru hệ thống sản xuất và phân phối sách giả, Luật tổ chức đội ngũ nhân sự chuyên trách cho từng công đoạn.
Cụ thể, bị cáo giao xe ô tô Mercedes Sprinter BKS 51B-058…cho Lê Hà Thanh (trú Bà Rịa – Vũng Tàu) sử dụng để vận chuyển, quản lý kho hàng, xuất và giao sách giả, với mức lương 9 triệu đồng/tháng.
Trong khâu in ấn, Phạm Ngọc Quang giữ vai trò chủ chốt. Quang nhận thù lao từ Luật với mức 270.000 đồng/ram giấy in 4 màu và 160.000 đồng/ram giấy in 2 màu (khổ 60x84cm).
Để điều hành hoạt động in ấn, Quang thuê Phan Xuân Năng với mức lương 15 triệu đồng/tháng và Trần Huy Cường làm bản kẽm in sách với lương 8 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, Năng còn mua giúp Luật khoảng 600.000 tem sách giả với giá 60 triệu đồng, hưởng công 3 triệu đồng.
Mạng lưới tiêu thụ khắp các tỉnh thành
Khâu tiêu thụ cũng được tổ chức chặt chẽ. Phạm Thạch Kim Điền thuê Phạm Đức Hậu quản lý khâu đặt, nhận và phân phối sách giả với mức lương 8 triệu đồng/tháng.
Nguyễn Văn Tiến được thuê lái xe giao hàng bằng ô tô Mercedes Sprinter BKS 51B-052…, tính phí 400.000 đồng/chuyến dưới 10km và 20.000 đồng/km với các chuyến xa hơn.
Sách giả sau đó được phân phối đến nhiều địa phương, trong đó có TP Đà Nẵng. Cụ thể, Điền bán cho Lê Duy Quang (trú tại Đà Nẵng) qua 9 đơn hàng với tổng số gần 20.000 cuốn, giá trị hơn 270 triệu đồng.
Quang tiếp tục thuê Lê Minh Trí kiểm đếm, vận chuyển và bán hàng (lương 7 triệu đồng/tháng), đồng thời mua thêm 416 cuốn từ Trần Ngọc Tấn (trú Đồng Nai) để phân phối.
Số sách này được đưa vào các nhà sách, cửa hàng văn phòng phẩm tại Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tỉnh thành khác.
Các đầu mối phân phối được hưởng lợi nhuận khoảng 10% trên mỗi cuốn nhờ mức chiết khấu 35% – 40% so với giá bìa.
Không dừng lại ở đó, Phạm Thạch Kim Điền còn bán cho Nguyễn Văn Ánh 4.795 cuốn sách giả. Sau đó, Ánh tiếp tục phân phối lại cho các nhà sách và cửa hàng văn phòng phẩm khác, thu lợi bất chính tương tự.

Phiên tòa xét xử 13 bị cáo bị cáo về các tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả", “Sản xuất hàng giả”, “Buôn bán hàng giả”
Sau quá trình xét xử, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng đã tuyên các mức án nghiêm khắc đối với 13 bị cáo: Nguyễn Trung Luật 12 năm tù; Phạm Ngọc Quang 7 năm tù; Phan Xuân Năng 7 năm 6 tháng tù; Trần Huy Cường 4 năm 6 tháng tù;
Bị cáo Lê Hà Thanh 8 năm 6 tháng tù; Phạm Thạch Kim Điền 9 năm tù; Phạm Đức Hậu 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Văn Tiến 3 năm tù; Phạm Tin 6 năm tù; Lê Duy Quang 6 năm tù; Lê Minh Trí 3 năm tù; Nguyễn Văn Ánh 21 tháng tù và Trần Ngọc Tấn bị phạt số tiền 200 triệu đồng.