Tuyên án đường dây nhập lậu 6 tấn vàng, tòa kiến nghị công an tiếp tục truy bắt chủ tiệm vàng Phúc Hằng
Chiều 19-7, TAND TPHCM đã tuyên án 24 bị cáo trong vụ án buôn lậu 6 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam. Bên cạnh đó, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tiếp tục truy bắt bà chủ tiệm vàng Phúc Hằng.
Căn cứ hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi tại tòa, HĐXX nhận định, có đủ căn cứ xác định hành vi buôn lậu của 24 bị cáo là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Các bị cáo buôn lậu số lượng vàng lớn với hơn 6 tấn, trị giá hơn 8.000 tỷ đồng, gây tác hại xấu đến sự ổn định của thị trường vàng, xâm phạm tới trật tự quản lý việc xuất nhập khẩu hàng hóa của Nhà nước.
HĐXX tuyên phạt các bị cáo Nguyễn Thị Minh Phụng 18 năm tù, Nguyễn Thị Ngọc Giàu 18 năm tù, Nguyễn Thị Kim Phượng (em gái bị cáo Giàu) 15 năm tù, cùng về tội "Buôn lậu". Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt mức án từ 4 đến 12 năm tù, cùng về tội "Buôn lậu". Ngoài mức án tù, các bị cáo còn bị phạt bổ sung mỗi bị cáo từ 20 đến 50 triệu đồng.
Theo nội dung vụ án, năm 2022, Nguyễn Thị Minh Phụng (sinh năm 1981, quê Bình Định) điều hành đường dây mua bán vàng thỏi nhập khẩu từ Campuchia về Việt Nam, hoạt động chặt chẽ từ khâu mua, vận chuyển đến tiêu thụ. Phụng tiếp nhận nhu cầu của khách hàng trong nước và liên hệ với các đối tượng tại Campuchia đặt hàng. Phụng giao Nguyễn Thị Ngọc Giàu (sinh năm 1980, quê Tây Ninh) tổ chức vận chuyển tiền và vàng qua biên giới.
Nhóm của Giàu đã cất giấu vàng dưới sàn xe ba gác chở đá lạnh để đưa qua biên giới. Từ ngày 3-8-2022 đến 28-9-2022, Phụng đã buôn lậu 4.830kg vàng thỏi, trị giá 6.644 tỷ đồng, hưởng lợi 17,6 tỷ đồng. Trong đó, Phụng thu được 2,4 tỷ đồng, Giàu được 13,8 tỷ đồng và 20 bị cáo khác chia nhau phần còn lại.
Ngoài ra, Nguyễn Thị Kim Phượng (sinh năm 1985, em gái của Giàu) cầm đầu một đường dây buôn lậu tương tự, đã buôn lậu 1.320kg vàng thỏi, trị giá hơn 1.800 tỷ đồng.
Trong vụ án này, bà Đặng Thị Thanh Hằng (chủ tiệm vàng Phúc Hằng) đã mua của Phụng 293kg vàng lậu, với tổng trị giá gần 400 tỷ đồng. Ngày 26-9-2022, bà Hằng đã xuất cảnh nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định truy nã. Ngày 25-1, Cơ quan điều tra đã quyết định tạm đình chỉ điều tra đối với bà Hằng, lúc nào bắt được sẽ xử lý sau. Vì vậy, HĐXX kiến nghị Bộ Công an, Viện KSND Tối cao tiếp tục áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để truy bắt đối tượng này.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã kê biên hàng loạt bất động của bà Hằng tại quận Hoàn Kiếm, quận Tây Hồ, quận Hai Bà Trưng (TP Hà Nội), quận Tân Bình, quận 3 và quận 5 (TPHCM); phong tỏa số tiền 430 triệu đồng trong tài khoản của bà Hằng và ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng nhiều bất động sản khác. Ngoài ra, Bộ Công an có công văn ngăn chặn giao dịch, chuyển nhượng 3 bất động sản tại quận Long Biên (TP Hà Nội) của bị cáo Đặng Nam Trung (em ruột bà Hằng).