Tùy bút: Những ngày khói lửa
Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo 'tiếng gọi non sông' để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...
Gió heo may lùi dần về phía sau nhường cho làn gió bấc - mưa phùn tràn đến. Đàn chim chiền chiện cuối cùng cũng đã cất cánh di cư về phương Nam. Phố phường Hà Nội lặng đi. Người ra đường co ro, mũ xùm xụp, áo dựng cổ cao, nhưng ngẩng lên nhìn trời vẫn thấy ánh sáng của sức sống tràn về.
Hôm nay, cậu Văn Thành, nghệ sĩ ngâm thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, em mẹ tôi (bà Thìn), hẹn đến chơi. Tôi đứng trước cửa chờ cậu cho tình cảm. Một làn gió ào đến, tôi vội chạy vào nhà lấy chiếc áo bông, chạy ra đã thấy cậu Thành đứng trước cửa. Cậu vui vẻ vào nhà.
- Lâu rồi cậu nhỉ. Bây giờ cậu cháu ta đã già cả rồi. Mọi thứ đều xếp lại phía sau.
- Kỷ niệm và tình thân chẳng bao giờ xếp đi đâu ngoài trái tim.
- Cậu vẫn thật lãng mạn. Hôm nay chúng cháu mời cậu bữa rượu suông.
Hải và Việt đang lúi húi xếp cốc và chai rượu Whisky ra bàn đón khách:
- Chào cậu Thành ạ.
Cậu Thành vừa ngồi xuống thì Tiến bước vào chào. Cậu cười vui:
- Đủ mặt anh tài. Cả họ nhà ta chỉ có mẹ cháu là đẻ giỏi nhất đấy. Năm Quốc và bốn Anh.
Mới đầu, tôi hơi ngẩn người ra nhưng chợt đoán ngay, nhà tôi có năm anh em, đều có tên đệm là Quốc và bốn cô em gái tên đệm là Anh.
- Mất một Quốc rồi cậu ạ.
- Cậu biết, thằng Quốc Cường. Nó mất vì bệnh phải không?
- Vâng.
- Hồi nó đi bộ đội cậu có đến nhà mà, năm 1971.
Quốc Tiến nói:
- Anh ấy đi cùng đợt với cháu nhưng cháu tập trung sau anh hơn một tuần.
- Khi các cháu vừa đi tập trung thì cậu đến nhà, gặp mẹ cháu ngồi ở góc sập, khóc. Cậu nói: “Chị đừng khóc làm chúng nó buồn”. Mẹ cháu bảo: “Tôi biết cậu ạ. Tôi không bao giờ khóc trước mặt chúng nó để chúng yên tâm lên đường, nhưng chúng nó cũng cứng rắn lắm.
Thằng Cường bảo tôi, mợ, chúng con thanh niên thời chiến, tiền tuyến gọi, khoác ba lô là đi. Thằng Tiến cũng bảo tôi: Mợ ơi, chúng con chỉ cần có đủ sức khỏe ra trận thôi. Chiến thắng chúng con về. Mợ đừng khóc nhé”. Thế là tôi òa lên khóc, tại nó nhắc đến chữ “khóc”, nhưng rồi im bặt ngay, nắm tay chúng nó cười. Thế nhưng đêm đó tôi cứ ôm chặt anh Nhàn khóc mãi... khóc mãi.
Đang chăm chú nghe cậu kể, một tiếng sập cửa “rầm” làm mọi người giật bắn mình, ngoảnh ra. Tôi đứng dậy vừa đi ra cài then cửa vừa nói:
- Cháu xin lỗi, nãy cháu đóng hờ.
Quốc Việt tiếp lời:
- Đến năm 1974, cháu vào Sư đoàn Pháo Cao xạ 673 Quân đoàn 2 và hành quân vào Thanh Hóa ngay. Thật bất ngờ, một tối chúng cháu đang sinh hoạt, thấy báo có người vào thăm. Bố mẹ cháu và chị Thoa mang cho ít quà, đồ dùng lặt vặt, mẹ bảo: “Thế là con đã trưởng thành nhưng vẫn còn bé bỏng với mẹ lắm.
Con làm bộ đội trẻ nhất nhà đấy, năm nay mới có 18. Hãy lên đường mạnh mẽ”. Rồi mẹ cháu cầm tay cháu lắc lắc dặn dò phải tự chăm sóc lấy mình nơi hiểm nguy. “Mẹ nhớ và thương con nhiều”. Nói xong, mẹ cháu quay đi để giấu những giọt nước mắt rơi lã chã xuống thấm vào vạt áo. Chị Thoa cháu thì cứ thút thít.
Quốc Việt kể tiếp:
- Ngày hôm sau chúng cháu hành quân vào Cam Lộ, ở đó hơn nửa tháng tập luyện sử dụng pháo cao xạ.
Quốc Tiến là anh chàng rất ít nói, lúc này mới lên tiếng:
- Cháu gặp Việt ở Cam Lộ, cậu ạ. Tình cờ hai anh em tập kết cùng một nơi. Rồi sau đó cháu hành quân vào Nam...
Lúc này, Hải vội vàng giành quyền:
- Cháu, ngược lại với các anh, là lính hòa bình, lính nghĩa vụ. Cậu biết không ạ.
- Ừ, cậu biết cháu là lính rồi.
- Cháu nhập ngũ năm 1980, lúc ấy 22 tuổi.
- Sao lại 22?
- Vâng. Cháu là quân của Tạp chí Cộng sản hơn ba năm rồi mới vào lính mà cậu. Cháu vào Tiểu đoàn 7, Sư đoàn bảo vệ Thủ đô 354.
- Có làm lính gác cho Bác Hồ ngủ ngon không?
- Mơ, cậu ạ.
- Hồi cháu lấy Điều, cậu đến chúc mừng, quên rồi hả?
- Dạ, không. Ngày ấy tí nữa thì cháu rắc rối to vì lên muộn hai ngày. Luật của lính là cứ sau 24 giờ vắng đơn vị không có lý do là coi như “lính tuột xích”. May quá, tiểu đoàn trưởng của cháu thương tình... “Ai mới lấy vợ mà chẳng ham”... lên tận Sư đoàn xin hộ mới thoát, chỉ bị phạt... đi kiếm một tạ phân nộp cho đơn vị sản xuất.
- Một tạ! Lấy đâu ra?
- Dạ, cháu phải hai ngày mưa nắng đi kiếm phân trâu, phân bò, phân chó thả rông trong làng ngoài ruộng ấy ạ.
Mọi người lại nghiêng đầu cười to. Cậu Thành nói:
- Nghe chuyện các cháu cậu nhớ đến bài thơ “Chiến trường mẹ tiễn con đi” của Địch Nguyễn.
Hôm nay, chúng tôi chỉ có một chai Whisky nhỏ. Tôi rót rượu nhưng cốc nào cũng chỉ lang láng đáy cốc, chỉ đủ hai ngụm nhỏ, hoặc một ngụm to.
Tôi nâng cốc mời mọi người rồi nối lại câu chuyện:
- Cường nhà cháu đang trong thời gian luyện quân được điều về Tỉnh đội Hà Tây, phụ trách ghi lại cuộc chiến đấu của quân dân Hà Tây bằng hình ảnh.
Việt chen vào:
- Đấy là nhờ hơi hướng của bố cháu, nhiếp ảnh tài tử, có ảnh triển lãm và được giải của nước ngoài đấy ạ.
Tôi nói tiếp:
- Đúng thế ạ. Đợt 12 ngày không chiến với B52 ở Hà Nội, cậu ta có bức ảnh chụp máy bay Mỹ đang bốc lửa rơi trên bầu trời Hà Tây được khen thưởng. Nhờ bức ảnh ấy mà cậu ta lấy được vợ, cậu ạ... Cô bộ đội trẻ măng người Phúc Thọ yêu mến, say nhau như điếu đổ.
Hải đệm vào:
- Chị Quy cháu ấy ạ.
Cậu Thành mỉm cười tò mò:
- Khi đi các cháu đều chưa có người yêu à?
Mấy chàng lính nhìn nhau nhấm nháy như thể bảo ai muốn “lộ bem” thì nói đi. Tiến mỉm cười:
- Hồi đi cháu có cô người yêu. Khi cháu tập kết ở Gio Linh huấn luyện, cô ấy có gửi cho cháu một bức thư viết trên giấy pơ-luya xanh:
“Anh, hôm lên đường anh để lại cho em mấy dòng thư bảo em đừng khóc, anh sẽ về. Đêm đêm nghe tiếng chuông nhà thờ em thấy cô đơn lắm, nhớ anh, nhưng em chỉ rưng rưng nước mắt thôi chứ không khóc đâu anh ạ”.
Mọi người cười ồ:
- Mắt đầy nước thôi chứ có khóc đâu.
- Thật đáng yêu!
- Thế mà để tuột tay mất.
Tiến cũng phì cười, đọc tiếp: “Anh, mùa Noel vừa rồi em lên Nhà Thờ dự lễ Mess, em thầm nguyện cầu cho anh được an lành”.
Ắng lặng, nghe rõ cả tiếng gió bấc rung nhẹ cửa sổ. Mỗi người một nỗi niềm. Tiến nghĩ đến những ngày khói lửa, Đoàn xe 0701 tiếp tế lương thực và vũ khí của mình lên đường Trường Sơn Nam tiến; rồi lại nhớ cái hôm đến binh trạm, nghỉ ngơi lấy nước ở hố bom để đi tiếp. Nửa đường mở bi-đông ra uống, mới hớp ngụm đầu tiên đã phải phì ra, ho sặc sụa, sau này mới biết hố bom đó là nơi thanh niên xung phong nữ giặt giạ đủ thứ.
Tiến nhìn chằm chằm vào cái cây trang trí ở góc nhà có con rắn buông mình lơ lửng trên cành cây nhớ lại hôm mắc võng ngủ rừng; đang thiu thiu Tiến nghe tiếng gọi thì thầm của Bách: “Tiến! Nằm im! Đừng cựa quậy, có con rắn đang leo xuống”.
Với kinh nghiệm đi rừng, Tiến nằm im không dám cựa, liếc nhìn lên thấy một chú rắn to từ từ trườn xuống thẳng vào đầu mình, vừa đi vừa thò thụt cái lưỡi dài đen sì, có hai ngạnh, kèm theo tiếng phì phì của loài rắn hoang.
Dù có súng gác ngay đầu võng, Tiến cũng nín thở lẳng lặng “mời quý khách” bò qua đầu, qua ngực, tuồn xuống đất. Bỗng Tiến như choàng tỉnh. Hải ngồi cạnh cười, hỏi anh:
- Sao thế anh, vẫn còn cảm động quá hả?
Mọi người lại nâng cốc làm một ngụm, dè sẻn. Tôi hỏi trêu Tiến:
- Hành quân đến đâu thì hết cảm xúc bức thư để lại?
Tiến thản nhiên:
- Đến cái trận bị bom giữa đường. Nhìn thấy bom rơi lơ lửng thằng Bách lái xe nhảy ra khỏi xe, lăn vào bìa rừng, em nhảy ra bên lề đường, trống trải. May quá, bom rơi khá xa nên chỉ bị vài viên bi, nhưng có một viên chui ngay vào giữa gáy.
Anh sờ đây này, nó vẫn nằm kềnh ở đây này... Đây... Tiến cầm ngón tay trỏ của tôi dí vào viên bi... Hành quân trong rừng rậm, không làng xóm, không bóng người, hãn hữu chúng em mới gặp nhóm thổ dân đi săn, họ đổi thịt hươu, nai cho chúng em lấy lương khô. Thế là được cải thiện một hai ngày.
- Cậu cũng nếm mùi ăn rừng ngủ rừng nhiều rồi.
- Cậu là lính “công tử”; còn chúng cháu á..., lính quèn. Đến binh trạm nào cũng được các “nữ quân” cho ăn no, đi ngủ để nửa đêm hay mờ sáng phải hành quân, tránh giờ địch ném bom.
Hải cười nói:
- Chuyện anh ngủ với cô nữ thanh niên thế nào?
- Có thế nào đâu, ở trạm có mỗi cái sạp dài, chẳng màn, chẳng chiếu, nam nữ lăn ra ngủ, cứ chỗ trống là điền vào. Sáng tỉnh dậy thấy mình đang ôm chặt một bé, đầu rúc vào mớ tóc dày cộm của em ngáy khò khò. Ngồi dậy mới trông thấy mặt nhau, cô gái thì bẽn lẽn buộc tóc, anh thì lúng túng chỉnh đốn trang phục ra xe. Cô bé hồn nhiên ôm anh một cái rồi vẫy tay đưa tiễn. Đúng là hạnh phúc của lính chiến chỉ là một cái ôm.
Hải hỏi trên anh: Ôm xong thì...
- Thì lên xe “tếch” chứ còn sao được nữa!
Mọi người không nhịn được cười, nhấc chén “síp” một ngụm và nghe Việt kể tiếp:
- Cháu và anh Tiến gặp nhau rồi cùng Xẻ dọc Trường Sơn (Tố Hữu) Nam tiến.
Cậu Thành như chợt nhớ, nói:
- Cháu đi năm 1974, phải không?
- Vâng, năm sau là giải phóng.
Cậu không nói gì giơ tay bấm nhẹ nút đỏ trên máy ghi âm. Tiếng đàn bàu vút lên quện với giọng ngâm trầm trầm của cậu:
“Ta đi hôm nay đã không là sớm
Đất nước hành quân mấy chục năm rồi
Ta đến hôm nay cũng không là muộn
Đất nước còn đánh giặc chưa thôi”.
(Phạm Tiến Duật)
- Vâng, cháu vào trận. Trên đường một xe bị rơi xuống vực vì chạy lệch taluy âm. May quá xe mắc vào cây, một hai đồng đội cháu bị hất ra khỏi xe nhưng cũng mắc vào cây, không ai hy sinh. Trên đường thẳng tiến, chúng cháu có cái vui là đi đến đâu cũng được dân đón thân tình. Hành quân, khi thì no dồn, khi thì đói góp.
Nghỉ ở Phú Yên, được các bác làng chài chạy ra đón, cho con cá to bằng bắp đùi, đủ cho cả tiểu đội liên hoan; qua Bình Định, một bà má kéo bộ đội vào vườn dừa của nhà, nói: “Các con cứ hái đầy xe mang đi, má không lấy tiền đâu. Tội nghiệp, trông môi đứa nào cũng khô cong hết”.
Chúng cháu chỉ hái cho mỗi người một quả. Má kéo tay cháu bảo: “Tặng cho má một đồng tiền có hình Bác Hồ ấy”.
Cháu đưa má năm tờ có hình Bác, má trả lại bốn tờ, nói: “Má bảo không lấy tiền của các con mà. Má chỉ cần hình Bác Hồ là đủ rồi”.
Việt và đồng đội thấy rưng rưng vì tấm lòng của má miền Nam với Bác Hồ. Đến Quảng Ngãi, lúc đó vừa giải phóng, được người dân mang cờ ra vừa vẫy vừa tung lên xe cho các chú giải phóng những bó mía tươi, những cuộn thuốc lá Tiên Sơn. Vào đến ngã ba Xuân Lộc, Sư đoàn của Việt tham gia chiến đấu, giằng co với địch nhiều lần, cuối cùng cũng vào giải phóng Sài Gòn.
Gió tràn vào nhà qua cửa sổ, lành lạnh, tôi đứng dậy mở cửa nhìn ra đường phố thấy sương mù bắt đầu giăng giăng. Nhấp một ngụm rượu anh em cậu cháu đều thấy ấm lòng, câu chuyện như còn chan chứa. Tiến ngồi trầm tư một lúc rồi thủng thẳng nói:
- Chuyến cuối cùng giao hàng xong chúng cháu được lệnh quay ra ngay. Lại dọc Trường Sơn trở lại quê hương. Một hôm gặp nhóm thổ dân mang theo lồng vẹt gạ đổi lương khô. Cháu đổi một đôi, mang về nhà nuôi. Lần nào ngồi ngắm chúng cháu cũng có cảm giác buồn buồn, thấy chúng không nhìn cháu, nghếch đầu kêu “Quẹt! Quẹt!” như đang ngóng về nơi xa vắng ấy: Rừng sâu, suối đổ. Không muốn để chúng phải chết nơi đất khách quê người nên nhân một lần về thăm quê vợ Hải ở Chi Nê, cháu đã thả đôi chim về rừng, nhìn chúng sải cánh giữa các lùm cây, sung sướng kêu “Quẹt! Quẹt!” rồi đỗ trên một cành cao vút.
Chúng tôi lẳng lặng nhấp một ngụm rượu đắng và thơm. Đêm Đông đã sập xuống nhưng không ai muốn đứng lên và cũng chẳng ai nói gì. Thời hoa lửa đã đi qua, tiếng nổ rền của bom đạn đã lắng hẳn, chỉ còn lại tấm lòng trìu mến và đầy tình thương của mẹ cùng những ký ức hào hùng. Sau bốn lần giấu dòng nước mắt lo âu tiễn con lên đường chiến đấu, mẹ tôi lại giàn giụa nước mắt mừng rỡ đón các con trở về trong vòng tay mẹ.
Chúng tôi hiểu rằng “Không một người nào là một hòn đảo, tự bản thân là một thể hoàn chỉnh hết thảy. Mỗi người là một mảnh của đại lục, một phần của đất liền” (John Donne, 1572 - 1631). Chúng tôi hòa vào cuộc đời của những người thường dân, cầm bút, cầm kìm, cầm búa cần cù lao động đi nốt đường đời.
Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường, và sống an nhiên tự tại trong buổi hoàng hôn.