Tương quan vũ khí tầm xa của Iran - Israel

Cuộc không kích của Israel sáng 26/10 nhằm trả đũa vụ tập kích bằng 200 quả tên lửa đạn đạo của Iran đêm 1/10 phần nào cho thấy tương quan lực lượng vũ khí tầm xa của đôi bên.

"Gót chân Achilles của Iran"

Hãng tin Reuters dẫn lời giới chức quân đội Israel xác nhận đã hoàn thành mục tiêu đề ra sau 3 đợt không kích nhằm vào các cơ sở quân sự của Iran đồng thời răn đe Iran không được tấn công đáp trả.

Song, phía Iran lại khẳng định các đợt không kích của Israel không gây tổn hại đáng kể tới Iran. Hệ thống phòng không Iran đối phó kịp thời trước các cuộc tấn công của Israel nhằm vào thủ đô Tehran, Khuzestan và Ilam.

Cả Iran và Israel đều sở hữu những loại vũ khí tầm xa đáng gờm (Đồ họa: Al- Arabiya).

Cả Iran và Israel đều sở hữu những loại vũ khí tầm xa đáng gờm (Đồ họa: Al- Arabiya).

Hãng thông tấn bán chính thức Tasnim cảnh báo: “Iran có quyền đáp trả bất kỳ hành động xâm lược nào. Chắc chắn, Israel sẽ phải đối mặt với những phản ứng tương ứng".

Vậy Israel và Iran sở hữu những loại vũ khí tầm xa nào để củng cố cho những phát ngôn của họ nhằm về phía đối phương, cán cân lượng lượng của hai bên ra sao?

Theo Reuters, Không quân Iran có khoảng 37.000 quân nhân. Tuy nhiên, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) hàng thập kỷ hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã khiến Iran không thể tiếp cận với những trang thiết bị quân sự công nghệ cao.

Hiện, Không quân Iran chỉ sở hữu vài chục máy bay chiến đấu chủ yếu của Nga, Mỹ mà Iran mua từ trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.

Su-24 Fencer là máy bay chiến đấu mà Iran tuyên bố sẵn sàng sử dụng để đối phó với các đợt không kích của Israel (Ảnh: Simple Flying).

Su-24 Fencer là máy bay chiến đấu mà Iran tuyên bố sẵn sàng sử dụng để đối phó với các đợt không kích của Israel (Ảnh: Simple Flying).

Cụ thể, Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện có 9 máy bay chiến đấu F-4 Phantom, F-5 Freedom Fighter; một chiếc F-7 Fighter Cat và F-14 Tomcat của Mỹ.

Iran còn sở hữu một phi đội cường kích Su-24 Fencer, một vài tiêm kích MiG-29 do Nga chế tạo.

Tháng 4 vừa qua, Tư lệnh Không quân Iran, Chuẩn tướng Amir Vahedi khẳng định, Su-24 Fencer của Iran đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao nhất để đáp trả các vụ tấn công của Israel.

Tuy nhiên, việc Iran phải phụ thuộc vào Su-24 Fencer (vốn phát triển từ những năm 60 của thế kỷ trước) đã bộc lộ rõ “gót Achilles” của Không quân Iran.

Nếu như máy bay chiến đấu của Iran khá lỗi thời thì hệ thống máy bay không người lái (UAV) của Iran lại được đánh giá là đông đảo, đa dạng với tổng số lên đến hàng nghìn chiếc bao gồm hàng chục mẫu khác nhau.

Iran còn sở hữu hơn 3.500 quả tên lửa đất đối đất, trong đó có những quả mang đầu đạn nặng tới 500kg. Tuy nhiên, số lượng tên lửa có thể tấn công sang đất Israel lại khá hạn chế.

Về mặt phòng thủ, Iran dựa vào số lượng lớn tên lửa đất đối không và các hệ thống phòng không do Nga cung cấp hoặc tự chế tạo.

Được biết, năm 2016, Iran đã tiếp nhận hệ thống phòng không tầm xa S-300 do Nga chế tạo có khả năng đánh chặn cùng lúc nhiều mục tiêu bao gồm máy bay chiến đấu, tên lửa đạn đạo. Bên cạnh đó, Tehran tự sản xuất được tên lửa đất đối không Bavar-373 cùng các hệ thống phòng không Sayyad và Raad.

Israel: Phát triển khá toàn diện nhờ sự hỗ trợ của Mỹ

Không quân Israel đang sở hữu hàng trăm máy bay chiến đấu hiện đại thuộc các dòng F-15 Eagle, F-16 Fighting Falcon và F-35 Lightning II. Những chiếc máy bay chiến đấu này thể hiện rõ uy lực khi bắn hạ loạt UAV mà Iran phóng sang Israel hồi tháng 4.

F-35 Lightning II là vũ khí đáng gờm nhất mà Không quân Israel sở hữu nhờ sự hỗ trợ của Mỹ (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

F-35 Lightning II là vũ khí đáng gờm nhất mà Không quân Israel sở hữu nhờ sự hỗ trợ của Mỹ (Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ).

Song, Không quân Israel cũng có điểm yếu đáng kể khi không sở hữu máy bay ném bom tầm xa. Thiếu sót này có thể được bù đắp bằng những chiếc Boeing 707 được cải hoán, làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không giúp tăng tầm hoạt động của máy bay chiến đấu Israel.

Trước đó, hồi tháng 7, Không quân Israel thể hiện rõ năng lực tấn công tầm xa khi máy bay chiến đấu đánh trúng mục tiêu gần cảng Hodeidah của Yemen, đáp trả đợt tập kích bằng UAV của lực lượng Houthi vào thủ đô Tel Aviv.

Về UAV, là quốc gia đi tiên phong trong công nghệ này, Israel hiện có UAV Heron có thể bay liên tục hơn 30 giờ, đủ để thực hiện những chiến dịch tầm xa. Song, đầu đạn gắn trên UAV Heron chỉ có tầm sát thương khoảng 250km, chưa đủ để vươn tới Iran.

Mặc dù vậy, Không quân Israel hoàn toàn có thể khắc phục điểm yếu bằng việc triển khai UAV Heron tại những khu vực nằm sát biên giới Iran.

Israel cũng đã phát triển được tên lửa đất đối đất tầm xa song đến nay Nhà nước Do Thái chưa lên tiếng xác nhận hay phủ định thông tin.

Về mặt phòng không, kể từ sau cuộc Chiến tranh Vùng vịnh năm 1991, Mỹ bắt đầu hỗ trợ Israel phát triển hệ thống phòng thủ nhiều tầng lớp, thực hiện các phương án bổ sung giúp bắn hạ tên lửa, UAV tầm xa của Iran.

Đáng chú ý có hệ thống phòng thủ tầm cao Arrow-3 và Arrow-2 có thể đánh chặn mục tiêu ngoài không gian.

Hệ thống phòng thủ tầm trung David's Sling đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình trong khi hệ thống Vòm Sắt đảm nhiệm việc che chắn Israel trước các loạt rocket, đạn pháo và những loại tên lửa mà Arrow và David's Sling bỏ sót.

Israel còn được Mỹ cùng đồng minh yểm trợ để đánh chặn tên lửa, UAV, rocket từ Iran và các lực lượng được Iran hậu thuẫn trong khu vực như Hamas ở Gaza, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen…

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tuong-quan-vu-khi-tam-xa-cua-iran-israel-192241026154758841.htm
Zalo