Tưởng nhớ công lao các bậc lãnh đạo tiền bối Đảng, Nhà nước
Nhân dịp đón Tết nguyên Đán Nhâm Dần, sáng 17/1, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đến thắp hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Tổng Bí thư Trường Chinh, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo.
Cùng đi có Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Tạ Văn Hạ.
Tại nhà riêng của cố Tổng Bí Thư Lê Duẩn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã thắp hương thành kính tưởng nhớ nhà lãnh đạo lỗi lạc của cách mạng Việt Nam, người học trò kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn sinh năm 1907 tại xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. 60 năm hoạt động cách mạng, 26 năm liên tục trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Bí thư Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân tộc. Trò chuyện với người thân trong gia đình cố Tổng bí thư, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, tư duy sáng tạo, tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư Lê Duẩn với Cách mạng Việt Nam là di sản vô cùng quý báu mà các thế hệ sau cần đặc biệt coi trọng.
Thành kính dâng hương, hoa, lễ vật tưởng nhớ cố Tổng Bí Thư Trường Chinh, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của Cố Tổng bí thư.
Tổng Bí thư Trường Chinh sinh năm 1907, tại xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Với cương vị 3 lần làm Tổng Bí thư, hơn 20 năm là Ủy viên Bộ Chính trị, được phân công giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng, Nhà nước; dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí luôn hết lòng vì Đảng, vì nước, vì dân. Trong công cuộc xây dựng đất nước, với tầm nhìn xa trông rộng, với tư duy lý luận sắc sảo, nhạy bén và kinh nghiệm thực tiễn sống động, nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh đã sớm nhận rõ xu thế của thời đại, thực trạng của đất nước, yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và chủ động đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương đổi mới đất nước.
Trước bàn thờ tại nhà riêng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VIII, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt lãnh đạo Quốc hội tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh năm 1911 tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trải qua hơn 80 năm hoạt động cách mạng liên tục, phong phú và sôi nổi, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc và Quân đội ta. Đại tướng là một tài năng quân sự xuất chúng, một vị tướng lỗi lạc, nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo tài năng, mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội và bè bạn quốc tế.
Trước anh linh của cố Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn bày tỏ lòng biết ơn, nguyện noi theo tấm gương đồng chí và các đồng chí lãnh đạo tiền bối, nguyện đoàn kết, thống nhất, cùng tập thể Quốc hội ngày một đổi mới, phụng sự nhân dân, xây dựng đất nước ngày một văn minh, giàu đẹp.
Đồng chí Lê Quang Đạo tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8/8/1921 tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, nay là phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trong suốt 78 năm tuổi đời với 60 năm hoạt động cách mạng phong phú của mình, đồng chí từng đảm đương nhiều vị trí trọng trách. Đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Đồng chí Lê Quang Đạo đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc đổi mới sâu sắc, toàn diện hoạt động lập pháp của Quốc hội, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Quang Đạo, Quốc hội khóa 8 đã đã soạn thảo và thông qua Hiến pháp năm 1992 - bản Hiến pháp của thời kỳ đổi mới, đánh dấu bước phát triển quan trọng trong việc đổi mới tư duy pháp lý, đặt ra nền tảng pháp luật cho công cuộc đổi mới toàn diện đất nước; ban hành 2 bộ luật, 29 đạo luật góp phần bảo đảm và mở rộng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Thực hiện : Dương Dung Vũ Hiếu