Tướng Ngô Minh Tiến: Tự hào khi TP.HCM đông vui, nhộn nhịp trở lại
'Khi rời TP.HCM để trở về Hà Nội, tôi có một niềm tự hào, phấn khởi là nhịp sống của TP.HCM đã cơ bản trở lại bình thường, người dân tự tin hơn', trung tướng Ngô Minh Tiến chia sẻ.
Trung tướng Ngô Minh Tiến (Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Phó ban chỉ đạo chống dịch Bộ Quốc phòng tại phía Nam) cùng cán bộ, chiến sĩ quân đội rời khỏi TP.HCM sau 3 tháng hỗ trợ TP chống dịch.
"Trong 41 năm quân ngũ, tôi và các đồng đội đã có những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở biên giới. Nhưng lần này là cuộc chiến chưa có tiền lệ. Kẻ thù không thấy mặt nhưng có sức hủy hoại, tàn phá ghê gớm", trung tướng Ngô Minh Tiến bộc bạch với Zing khi vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài.
TP.HCM lại đông vui, nhộn nhịp
- Xin ông cho biết vì sao Ban chỉ đạo chống dịch của Bộ Quốc phòng chọn thời điểm này để rút khỏi TP.HCM và các tỉnh phía Nam?
- Từ ngày 1/10 trở lại đây, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An đã nới lỏng giãn cách xã hội, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới với phương châm thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội.
Dịch bệnh đến nay đã nằm trong tầm kiểm soát. Được sự đồng ý của Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng, chúng tôi quyết định rút cơ quan ban chỉ đạo và các cán bộ, chiến sĩ về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Thời điểm đông nhất, Bộ Quốc phòng điều vào miền Nam trên 38.000 cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, trên 6.000 chiến sĩ quân y. Suốt từ tháng 4 đến nay, các em học viên quân y đã đi chống dịch ở Bắc Giang, Bắc Ninh rồi TP.HCM, công việc học tập cũng bị gián đoạn.
Thời gian tới, chúng tôi chỉ để lại 1.800 y bác sĩ tại các trung tâm điều trị Covid-19 để giúp các tỉnh. Khi nào TP.HCM và các địa phương tự đảm đương được thì lực lượng này rút nốt.
- Ông đánh giá sơ bộ về kết quả công tác của lực lượng quân đội tại các tỉnh phía Nam như thế nào?
- Chứng kiến tình hình của TP.HCM và các tỉnh phía Nam những ngày đầu quân đội vào mới thấy muôn vàn khó khăn, thách thức mà cấp ủy, chính quyền địa phương phải đối mặt.
Một trong những việc làm chưa có tiền lệ của quân đội là đứng ra đảm nhận toàn bộ khâu hậu sự cho người dân không may tử vong vì Covid-19
Trung tướng Ngô Minh Tiến
Quân đội đã cùng với y tế, công an giúp TP phân tầng điều trị để giảm số ca tử vong, vận chuyển gói an sinh đến các hộ gia đình. Khi tình hình TP trở lại bình thường mới, quân đội lại đáp ứng nguyện vọng cho bà con ngoại tỉnh trở về địa phương.
Một trong những việc làm chưa có tiền lệ của quân đội là đứng ra đảm nhận toàn bộ khâu hậu sự cho người dân không may tử vong vì Covid-19. Cho đến nay, hàng nghìn bộ tro cốt đã được chuyển đến thân nhân các gia đình, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc. Chúng tôi đang tiếp tục chỉ đạo Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Bộ tư lệnh TP.HCM liên hệ để trong thời gian sớm nhất chuyển số tro cốt còn lại đến thân nhân, gia đình.
Trong 3 tháng vào chi viện, điều quan trọng là cán bộ, chiến sĩ xác định tinh thần khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhiều đồng chí bị lây nhiễm chéo nhưng vẫn tình nguyện ở lại đến khi hoàn thành trọng trách mới trở về đơn vị. Đã có những cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì mắc Covid-19 trong khi làm nhiệm vụ.
- Ngày Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng rút khỏi TP.HCM cũng là ngày thành phố khôi phục lại hoạt động ăn uống tại chỗ. Những tín hiệu tích cực này có ý nghĩa gì đối với người chỉ huy như ông?
- Từ 0h ngày 23/8, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường, siết chặt giãn cách xã hội. Hôm đó, có lẽ cả thành phố chỉ còn lực lượng chức năng làm nhiệm vụ ở ngoài đường, còn 100% dãy phố, nhà dân đều đóng cửa. Ai ở đâu ở yên đó.
Đến sáng 28/10, khi rời TP.HCM để trở về Hà Nội, tôi có một niềm tự hào, phấn khởi là nhịp sống của TP.HCM cơ bản đã trở lại bình thường. Đường phố lại đông vui, nhộn nhịp, cửa hàng bắt đầu mở cửa kinh doanh.
Điều quan trọng là người dân tham gia các hoạt động xã hội với tâm thế bình tĩnh, tự tin hơn và có ý thức về phòng, chống dịch để bảo đảm dịch không tái bùng phát trở lại.
Kinh nghiệm chống dịch phải trả bằng sinh mạng
- Từ những đúc kết trong 3 tháng qua, làm thế nào để kịch bản khốc liệt như tại TP.HCM không lặp lại với các tỉnh, thành phố khác?
- Chúng tôi đã kiến nghị với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về việc phải có một chiến lược căn cơ, bài bản về y tế. Vừa qua chúng ta đã phải trả giá bằng sự đứt gãy chuỗi cung ứng, không phát triển được kinh tế - xã hội và đặc biệt là phải trả giá bằng mạng sống của hàng nghìn người.
Điều đó cho thấy cần phải có tầm nhìn dài hạn, có chiến lược hết sức căn cơ, bài bản để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, thảm họa, thiên tai... Phải có kế hoạch tổng thể, có sự phối hợp đa lực lượng và có những bộ mà tư lệnh ngành phải chịu trách nhiệm về vấn đề này. Hàng năm phải diễn tập, luyện tập để khi tình huống xảy ra chúng ta đỡ khó khăn, lúng túng.
- Trong chuỗi những công việc đã đảm nhận tại TP.HCM, ông thấy phần việc nào mà quân đội chưa thể lo được chu toàn?
- Với một thành phố 13 triệu dân, chúng tôi chỉ có một điều băn khoăn cuối cùng là có những xóm nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà giai đoạn đầu quân đội chưa kịp đến, chưa đáp ứng được nguyện vọng của người dân và chưa giảm hết được khó khăn cho họ.
Sau 10 ngày, những khó khăn đó được khắc phục và được người dân thành phố ghi nhận, đánh giá cao.
- Trải nghiệm 3 tháng qua tại "chiến trường" Covid-19 để lại cho cá nhân ông những cảm xúc gì?
- Trong 41 năm quân ngũ, từ người chiến sĩ lên cương vị Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi và các đồng đội đã có những năm tháng chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở biên giới. Nhưng lần này là cuộc chiến chưa có tiền lệ. Kẻ thù không thấy mặt nhưng có sức hủy hoại, tàn phá ghê gớm.
Bản thân tôi cũng chưa có kinh nghiệm. Nhưng vừa làm, vừa nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra những đối sách hợp lý
Trung tướng Ngô Minh Tiến
Chúng ta chưa có kinh nghiệm, bản thân tôi cũng chưa có kinh nghiệm. Nhưng vừa làm, vừa nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra những đối sách hợp lý để cùng lực lượng tuyến đầu kiểm soát được dịch bệnh.
Như các nước văn minh, có điều kiện kinh tế hơn chúng ta rất nhiều cũng phải mất 6-9 tháng mới kiểm soát được. Chúng ta thì mất hơn 3 tháng.
Điều ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là hình ảnh lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Học viện Quân y cùng lên chuyến bay với Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang vào TP.HCM từ những ngày đầu. Đến hôm nay, tôi lại cùng những người lính quân y trở về.
Chúng tôi có quyền tự hào rằng mỗi người đã đóng góp phần nhỏ bé của mình vào công tác phòng, chống dịch.
- Xin cảm ơn ông!