Tướng Lê Trọng Tấn 'giải bài toán' đánh Mỹ
Trong số các tướng lĩnh Việt Nam đồng hành với dân tộc suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945-1975), Lê Trọng Tấn là một vị tướng dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Ông có mặt ở hầu hết các chiến trường nóng bỏng và đã từng chỉ huy hàng trăm trận đánh trên cả hai miền Nam-Bắc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), tướng Lê Trọng Tấn luôn được cấp trên tin cậy trao nhiều trọng trách lớn. Ông được cán bộ, chiến sĩ yêu mến gọi là "Giucốp của Việt Nam"; được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận xét là một trong những tướng đánh trận giỏi nhất Việt Nam...
Năm 1964, hình thái chiến tranh bắt đầu có những biến đổi lớn cả về mặt chính trị, quân sự, cả ở đô thị, nông thôn và vùng rừng núi. Những nhân tố báo hiệu sự thất bại có ý nghĩa chiến lược của Mỹ trong chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam là không thể tránh khỏi và người Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược từ chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" sang chiến lược "Chiến tranh cục bộ". Theo đó, Mỹ - một đế quốc đầu sỏ có tiềm lực kinh tế, vũ khí nhiều, kỹ thuật quân sự tối tân, hiện đại, sẽ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam và sau đó dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc nước ta. Thực tế này đã làm cho không ít cán bộ lãnh đạo, chỉ huy băn khoăn, lo lắng vì kinh nghiệm đánh Mỹ của ta còn ít; thậm chí có người chưa tin tưởng vào thắng lợi...
Đây cũng là một vấn đề từng gây nhiều tranh cãi không chỉ ở Việt Nam mà ở cả một số nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới. Từ nước bạn, các ý kiến khuyên ta rất khác nhau; những người có lương tri trên thế giới bày tỏ sự thông cảm với nhân dân Việt Nam, phê phán, tố cáo hành động xâm lược của Mỹ, song cũng không ít người khắc khoải, lo âu cho chúng ta... Vậy, Mỹ có những mưu tính gì khi đưa quân ồ ạt vào miền Nam? Việc đối phó với quân Mỹ, ngụy quân Sài Gòn như thế nào? Yêu cầu chiến lược của chúng ta ra sao? Ta có dám đánh Mỹ không? Có thể thắng Mỹ không và thắng bằng cách nào?... là vấn đề mà những người hoạch định chiến lược, những người chỉ huy phải tìm câu trả lời.
Giữa lúc "bài toán" đánh Mỹ chưa có đáp số; giữa lúc trong nước, ngoài nước có nhiều quan điểm nhận định, đánh giá tình hình địch, ta khác nhau như thế, tháng 9-1964, tướng Lê Trọng Tấn và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đặc phái vào miền Nam "giải bài toán" đánh Mỹ. Vào chiến trường, tướng Lê Trọng Tấn đảm nhiệm cương vị Phó tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền với bí danh Ba Long, đồng thời trực tiếp làm tư lệnh của nhiều chiến dịch... Gánh vác trên vai trọng trách nặng nề nhưng tướng Lê Trọng Tấn không những đã hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ, mà còn cho thấy ông là một vị tướng giỏi cả về chiến lược và chiến dịch.
Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào thì tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị do ông chỉ huy đều một lòng một dạ tin tưởng, vững tâm vào tài năng sáng tạo và sự nhanh nhạy, quyết đoán. Kẻ thù nghe tin tướng Ba Long chỉ huy chiến dịch nào thì đều sợ hãi, hoảng loạn, mất sức chiến đấu, đó là uy quyền của một dũng tướng. Một điều khá lý thú là hầu hết các chiến dịch do ông trực tiếp chỉ huy đều là những chiến dịch có ý nghĩa chiến dịch, chiến lược, tác động trực tiếp đến cục diện chiến lược của ta ở từng giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Dường như tạo hóa sinh ra ông là để gánh vác nhiệm vụ gây dựng nền móng ban đầu cho những công việc hệ trọng, mới mẻ, để làm vị tướng trận mạc, cũng như là vị tướng biểu trưng cho những "quả đấm thép" của Quân đội ta. Những chiến dịch nào có tính chất quyết định thì tướng Lê Trọng Tấn được cử xuất trận và ông xuất trận ở đâu thì đó thường là chiến trường trọng điểm, là hướng chiến lược chủ yếu.
Trong Đông Xuân 1964-1965, khi địch tập trung lực lượng chủ lực mở những cuộc hành quân đánh phá các căn cứ cách mạng nhằm tiêu diệt lực lượng ta, hỗ trợ kế hoạch bình định đồng bằng, lập ấp chiến lược... tướng Lê Trọng Tấn được Bộ tư lệnh Miền cử làm Tư lệnh Chiến dịch Đồng Xoài. Thắng lợi của chiến dịch này đã góp phần đánh bại chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ, đánh dấu bước trưởng thành về trình độ tổ chức chuẩn bị và tác chiến tập trung tiêu diệt chiến đoàn ngụy quân Sài Gòn của lực lượng vũ trang ta; hỗ trợ trực tiếp cho quần chúng ở vùng đồng bằng nổi dậy phá vỡ hệ thống ấp chiến lược...
Sau thắng lợi của Chiến dịch Đồng Xoài, tướng Lê Trọng Tấn tiếp tục được Bộ tư lệnh Miền cử làm Tư lệnh Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng. Đây là chiến dịch đầu tiên trên chiến trường miền Nam ta đánh với cả lực lượng viễn chinh Mỹ và ngụy quân Sài Gòn. Thắng lợi của chiến dịch đã cho ta cơ sở để khẳng định: Với trang bị như hiện nay, chúng ta hoàn toàn có thể đánh tập kích lớn ban đêm và ban ngày vào quân địch lâm thời phòng ngự, tiêu diệt từng đơn vị lớn quân Mỹ tập trung, có cơ giới và pháo binh chi viện... Đồng thời là một yếu tố quan trọng để ta từng bước hình thành phương châm chỉ đạo tác chiến "nắm thắt lưng Mỹ mà đánh", "tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt" trên các chiến trường.
Đầu năm 1967, khi bộ chỉ huy Mỹ mở cuộc hành quân Junction City đánh vào căn cứ Dương Minh Châu với ý đồ tiêu diệt cơ quan đầu não và chủ lực Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam... Bộ tư lệnh Miền cử tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh chiến dịch. Thắng lợi của chiến dịch này cùng với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mà ông là một trong những người tham gia tổ chức đã đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của chính quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ ở miền Nam và buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh, rút dần quân đội về nước.
Năm 1971, ngụy quân Sài Gòn mở cuộc hành quân "Lam Sơn 719" đánh ra khu vực Đường 9-Nam Lào dưới sự chỉ huy và yểm trợ của Mỹ và sự phối hợp của quân ngụy Lào nhằm cắt đứt hoàn toàn tuyến vận tải chiến lược của ta, làm cho các lực lượng chiến đấu của ta trên chiến trường không còn nguồn chi viện, do đó sẽ tự "chết yểu"... Trước tình hình đó, Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã cử tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Tư lệnh Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Thắng lợi của chiến dịch này góp phần quan trọng để ta giữ vững tuyến vận tải chiến lược, bảo vệ kho tàng và hậu phương miền Bắc, tạo điều kiện cho các chiến trường miền Nam đẩy mạnh những hoạt động đánh phá bình định...
Trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, Quảng Trị, Thừa Thiên là chiến trường được ta lựa chọn làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu. Trên hướng tiến công này, ta mở chiến dịch tiến công Trị-Thiên. Thêm một lần, tướng Lê Trọng Tấn được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương cử làm Tư lệnh chiến dịch. Tuy ta chỉ giải phóng được tỉnh Quảng Trị, chưa giải phóng hoàn toàn được tỉnh Thừa Thiên, nhưng thắng lợi của chiến dịch này cùng với thắng lợi trên các hướng tiến công khác năm 1972, nhất là Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972 đã tạo ra cục diện mới trên chiến trường có lợi cho ta, góp phần buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và rút quân về nước...
Trong cuộc tiến công chiến lược quyết định tiến trình cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta năm 1975, với thắng lợi lớn từ đòn tiến công chiến lược Tây Nguyên, chúng ta đã làm rúng động cả đồng bằng và đô thị, làm suy sụp tinh thần ngụy quyền, ngụy quân Sài Gòn. Nắm bắt được thời cơ lớn, Bộ Chính trị chỉ thị nhanh chóng đánh chiếm Huế, Đà Nẵng. Một lần nữa tướng Lê Trọng Tấn được chỉ định làm Tư lệnh của chiến dịch này. Thắng lợi liên tiếp của hai chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng đã phá tan âm mưu co cụm chiến lược của địch, không cho chúng rút lực lượng về phòng thủ xung quanh Sài Gòn, góp phần tạo điều kiện chắc thắng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mà ông là Phó tư lệnh kiêm Tư lệnh cánh quân phía Đông (gồm Quân đoàn 2, Quân đoàn 4, Sư đoàn 3) tấn công vào Sài Gòn. Chính Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12) thuộc cánh quân của ông đã tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên.
Cùng với những phẩm chất, tài năng lãnh đạo, chỉ huy ở tầm chiến dịch-chiến lược giúp ông trở thành một vị tướng huyền thoại của Quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị tư lệnh của nhiều chiến dịch lớn, tướng Lê Trọng Tấn còn có những đóng góp quan trọng cho nền nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Ông là một vị tướng tài năng, có kinh nghiệm và kiến thức khoa học quân sự; biết gắn lý luận với thực tiễn; hậu phương và mặt trận; nhà trường với chiến trường và đơn vị một cách biện chứng...
Những đánh giá, nhận xét, kinh nghiệm được ông rút ra trong từng chiến dịch vừa có giá trị thiết thực khai thông bế tắc trong "bài toán đánh Mỹ", hình thành nghệ thuật thắng Mỹ ngay trên chiến trường, vừa là những bài học kinh nghiệm quý cho thế hệ hôm nay và mai sau trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tất cả những điều đó cho thấy: Đại tướng Lê Trọng Tấn là người có bản lĩnh kiên định, vững vàng, có kiến thức lý luận, kinh nghiệm và thực tiễn chỉ đạo chiến dịch, chiến lược sâu sắc. Và trên hết, ông là một nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam.