Tương lai Xanh cho nghề cá - Bài 3: Chung tay vì nguồn sống phong phú

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) xác định rằng, chống đánh bắt cá IUU, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển ngành thủy sản bền vững là một vấn đề toàn cầu cần có sự hợp tác quốc tế để giải quyết.

Cá ngừ đại dương của Bình Định chủ yếu xuất khẩu sản phẩm phi lê đông lạnh, sang thị trường các nước EU, Mỹ, Trung Quốc. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Cá ngừ đại dương của Bình Định chủ yếu xuất khẩu sản phẩm phi lê đông lạnh, sang thị trường các nước EU, Mỹ, Trung Quốc. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ này, cộng đồng quốc tế đã tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực; chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp thực thi pháp luật và hỗ trợ lẫn nhau. Không đứng ngoài nỗ lực chung này, Việt Nam đã hợp tác cùng nhiều chính phủ để đấu tranh chống IUU và bảo vệ nguồn sống phong phú từ đại dương.

Theo Bộ trưởng Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc Kang Do Hyung, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại thủy sản chính của Hàn Quốc. Hai nước ngày càng mở rộng sang lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản. Viện Khoa học Thủy sản quốc gia Hàn Quốc và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang thực hiện “Dự án hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất ngành nuôi trồng thủy sản” tại các tỉnh Nam Định và Ninh Bình ở miền Bắc Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án kéo dài từ năm 2022 đến năm 2026 với tổng kinh phí 3 tỷ won. Dự án này nhằm khôi phục hoạt động nuôi trồng loài giáp xác (có vỏ) ở khu vực bờ biển phía Bắc Việt Nam, nơi gần đây sản lượng đã giảm mạnh do đánh bắt quá mức và ô nhiễm môi trường. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả hai nước.

Ngoài ra, Hàn Quốc cũng thiết lập hệ thống hợp tác song phương và đa phương, qua đó thúc đẩy hợp tác quốc tế để xóa bỏ hoạt động khai thác IUU. Bằng cách tham gia “Liên minh hành động IUU”, Hàn Quốc đã thúc đẩy các dự án hỗ trợ cho các nước đang phát triển nhằm mở rộng việc thực hiện Hiệp định về biện pháp các quốc gia có cảng (PSMA) của FAO. Bên cạnh đó, thông qua Chương trình xây dựng năng lực ứng phó IUU (CAPFISH) phối hợp với Đại học Hàng hải thế giới (WMU), Hàn Quốc cũng góp phần tăng cường khả năng của các nước đang phát triển trong ứng phó với hoạt động đánh bắt IUU bằng cách cung cấp chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm của các nước đang phát triển.

Việt Nam và Australia đã và đang hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực nuôi trồng, khai thác và xuất nhập khẩu thủy sản. Đặc biệt, việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3 vừa qua được kỳ vọng có thể mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới. Hai nước còn là thành viên chung của nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các hiệp định này đã mang lại nhiều lợi thế và thúc đẩy giao thương thủy sản giữa Việt Nam và Australia.

Australia cũng có nhiều đóng góp cho công tác ngăn chặn khai thác thủy sản bất hợp pháp của Việt Nam. Năm 2017, Việt Nam và Australia đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác lâu dài trong việc chống khai thác IUU. Australia đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, khóa đào tạo và hội thảo chia sẻ thông tin cộng đồng cho ngư dân và cán bộ Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Sydney, Phó Giáo sư Camille Goodman, Trung tâm Quốc gia Australia về an ninh và tài nguyên đại dương thuộc Đại học Wollongong, cho biết hợp tác giữa hai nước về ngăn chặn các hoạt động đánh bắt cá IUU được triển khai thông qua nhiều văn kiện hợp tác khác nhau, như Kế hoạch hành động khu vực nhằm thúc đẩy đánh bắt bền vững; Biên bản ghi nhớ Việt Nam-Australia về chống đánh bắt trái phép và chương trình khu vực của Australia về chống khai thác IUU và thúc đẩy nghề cá bền vững ở Đông Nam Á. Tất cả sẽ tạo cơ hội để Việt Nam tiếp cận các chương trình hỗ trợ xây dựng năng lực cho các cán bộ theo dõi, kiểm soát và giám sát.

Giáo sư Stuart Kaye - Giám đốc trung tâm trên, nêu rõ Australia cũng chủ động hợp tác với các quốc gia khác ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương để hỗ trợ chống lại hoạt động đánh bắt IUU. Các nỗ lực này được thực hiện ở khu vực Thái Bình Dương, cùng với Mỹ, Pháp và New Zealand, cũng như ở khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta, học giả Veeramalla Anjaiah, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS), đánh giá Indonesia và Việt Nam đã hợp tác tốt trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Hai bên mới đây đã đạt được thỏa thuận phát triển ngành nuôi tôm hùm, vốn là thế mạnh của hai nước. Trong chuyến làm việc tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị gặp gỡ Indonesia năm 2024, Bộ trưởng Bộ Hàng hải và Nghề cá Indonesia Sakti Wahyu Trenggono - đánh giá cao phát triển thủy sản của Việt Nam và tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực thủy sản giữa hai bên. Đặc biệt, phía Indonesia cũng sẽ tích cực phối hợp hợp tác với Việt Nam nhằm ngăn chặn hoạt động IUU, đảm bảo sự phát triển lĩnh vực thủy sản một cách bền vững vì lợi ích chung.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Malaysia về chủ đề này, Vụ trưởng Vụ Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia, ông Adnan Hussain, cho biết Malaysia hợp tác với các nước láng giềng để quản lý nguồn lợi thủy sản. Ông đánh giá Việt Nam và Malaysia có mối quan hệ tốt cả ở cấp độ song phương và khu vực trong lĩnh vực thủy sản. Hai nước đã hợp tác trong các lĩnh vực khác các nền tảng đa phương, cụ thể là Nhóm công tác nghề cá ASEAN (ASWGFi), Trung tâm Phát triển thủy sản Đông Nam Á (SEAFDEC), Mạng lưới Nuôi trồng thủy sản ở châu Á - Thái Bình Dương (NACA) và Kế hoạch Hành động khu vực nhằm thúc đẩy trách nhiệm các hoạt động đánh bắt cá bao gồm chống lại IUU trong khu vực.

Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, cho biết Việt Nam và các nước thành viên EU cũng triển khai nhiều chương trình hợp tác về nuôi, công nghệ giống, thức ăn, vaccine trong thủy sản, xử lý môi trường nuôi, công nghệ nuôi biển, bảo tồn và phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải phù hợp với cam kết giảm phát thải. EU không chỉ là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn mà còn là khu vực có nhiều nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực phát triển các nhà máy thức ăn, công nghệ chế biến, cung cấp nguyên phụ liệu, các loại thành phần vi lượng trong sản xuất thức ăn thủy sản cho Việt Nam…

Trong bối cảnh ngành đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ngày càng được công nhận và đánh giá cao vì những đóng góp thiết yếu cho an ninh lương thực cũng như sinh kế của hàng trăm triệu người, phát triển bền vững ngành thủy sản là trách nhiệm chung của cộng đồng quốc tế. Hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phối hợp thực thi pháp luật và hỗ trợ lẫn nhau trong việc chống IUU, bảo vệ môi trường biển và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bên cạnh những nỗ lực của các chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp, mỗi cá nhân cũng phải nâng cao nhận thức và hành động vì một tương lai xanh cho nghề cá. Phải làm sao để khi nhắc tới đại dương, con người sẽ nghĩ tới sự rộng lớn và bao la, nghĩ tới một nguồn sống phong phú, thay vì ô nhiễm hay đánh bắt không bền vững.

Hằng Linh - Đỗ Quyên - Khánh Vân - Thanh Tú - Hương Giang - Phương Thịnh (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tuong-lai-xanh-cho-nghe-ca-bai-3-chung-tay-vi-nguon-song-phong-phu-20241113103658953.htm
Zalo