Tương lai nào cho U17 Việt Nam?
Không thể giành vé dự World Cup nhưng U17 Việt Nam đã thể hiện màn trình diễn rất ấn tượng ở giải U17 châu Á 2025.

Từ tiềm năng tới thành công là cả chặng đường dài của U17 Việt Nam. Ảnh: INT
Đây là lứa cầu thủ tiềm năng của bóng đá Việt Nam nhưng đường tới thành công vẫn còn quá xa…
Giọt nước mắt trước cánh cửa lịch sử
Vòng chung kết U17 World Cup 2025 có tổng cộng 48 đội tham dự nên ngoài chủ nhà Qatar, bóng đá châu Á được trao 8 suất. Đây là cơ hội không thể tốt hơn để U17 Việt Nam lần đầu tiên góp mặt ở sân chơi lớn nhất thế giới. U17 Việt Nam đã ở rất gần cột mốc lịch sử đó khi xuất sắc cầm hòa Australia và Nhật Bản ở 2 lượt trận mở màn.
Ở lượt trận cuối cùng, nếu đánh bại UAE, U17 Việt Nam không chỉ giành vé dự World Cup, mà còn vươn lên dẫn đầu bảng B. Thầy trò huấn luyện viên Cristiano Roland với tinh thần chiến đấu mạnh mẽ đã dẫn trước UAE tới phút 86. Nhưng tiếc thay, bàn thua ở phút 87 đã phá hỏng tất cả. Thay vì giành vé dự World Cup, U17 Việt Nam bị loại với vị trí cuối bảng B.
Ranh giới giữa thành công và thất bại quá mong manh! Đó là bi kịch thường thấy trong bóng đá. Sau tiếng còi kết thúc trận đấu, rất nhiều cầu thủ trẻ đã lau nước mắt trong nghẹn ngào như thể chưa chấp nhận cái kết nghiệt ngã tại sân King Fahd. Huấn luyện viên Cristiano Roland cũng cay đắng khẳng định U17 Việt Nam xứng đáng nhận được nhiều hơn thế.
Các cầu thủ trẻ khó tránh khỏi cảm giác tiếc nuối và hụt hẫng khi vấp ngã ở cánh cửa lịch sử. Nhưng nhìn đi nhìn lại, đây là giải đấu rất thành công của U17 Việt Nam. Trước khi giải đấu diễn ra, chẳng nhiều người hy vọng thầy trò Cristiano Roland sẽ làm được điều gì đó khi rơi vào bảng đấu có sự góp mặt của 3 đội bóng đến từ những nền bóng đá hàng đầu châu lục là Nhật Bản, Australia và UAE.
Nhưng thực tế, trong cả 3 trận vòng bảng, U17 Việt Nam đều giành kết quả hòa với tỉ số 1-1. Ngoài ý chí chiến đấu rất kiên cường, các cầu thủ trẻ dưới tay huấn luyện viên Cristiano Roland còn thể hiện lối chơi rất tự tin, sẵn sàng cầm bóng chơi tấn công trước những đối thủ hơn hẳn về thể hình, thể lực và kỹ chiến thuật.
Sự tự tin và tinh thần chiến đấu của U17 Việt Nam thể hiện rõ ở bàn gỡ hòa 1-1 vào phút bù giờ thứ 6 ở trận đấu với Nhật Bản. Hay trước đó, các cầu thủ trẻ của Việt Nam cũng đưa trận đấu trở về vạch xuất phát sau khi để Australia dẫn trước. Nói như ông thầy người Brazil Roland, đây là những trải nghiệm rất bổ ích để lứa cầu thủ trẻ của U17 Việt Nam tiếp tục trưởng thành.
Trên trang cá nhân, huấn luyện viên Cristiano Roland chia sẻ: “Thật buồn khi không đạt được mục tiêu sau 3 trận đấu xuất sắc trước Australia, Nhật Bản và UAE. Tuy nhiên, nỗi buồn này không dập tắt sự rực rỡ của những gì họ đã chinh phục. Là một người lãnh đạo của đội, trái tim tôi tràn ngập niềm tự hào cho những chiến binh trẻ tuổi này! Sự kiên cường, cống hiến và sự tập trung mà họ thể hiện trong suốt cuộc hành trình này thật đáng ngưỡng mộ. Họ đã chiến đấu không mệt mỏi, với niềm đam mê và quyết tâm, vì ước mơ đưa Việt Nam đến giải vô địch thế giới U17”.

Huấn luyện viên Cristiano Roland đã mang tới sự khác biệt cho U17 Việt Nam. Ảnh: INT.
Dấu ấn của thầy ngoại
Dù về đích cuối bảng B ở giải U17 châu Á 2025 nhưng U17 Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu. Ít nhất, thầy trò huấn luyện viên Cristiano Roland không thua trong cả 3 trận vòng bảng, đã chơi ngang ngửa ở nhiều thời điểm với các nền bóng đá phát triển hơn. Thành công của U17 Việt Nam ở giải năm nay in đậm dấu ấn của chiến lược gia sinh năm 1976 này.
Huấn luyện viên Cristiano Roland từng khoác áo Câu lạc bộ Hà Nội, 2 lần đăng quang V-League trong giai đoạn 2009 - 2013. Sau khi giải nghệ, ông đã theo nghiệp huấn luyện viên. Trong giai đoạn tham dự các khóa học, nhà cầm quân người Brazil đã làm công tác đào tạo các lứa trẻ từ U9 tới U19 ở Bồ Đào Nha và Luxembourg.
Tại Việt Nam, ông Roland từng làm trợ lí huấn luyện viên ở Bình Dương năm 2021. Sau đó, ông dẫn dắt đội U15 Hà Nội và U17 Hà Nội, đội bóng đã giành chức vô địch U17 Quốc gia - Cúp Thái Sơn Nam năm 2024.
Ở giải U16 Đông Nam Á 2024, U16 Việt Nam vượt qua vòng bảng nhưng thi đấu không thành công. Sau khi để thua Thái Lan 1-2 ở bán kết, U16 Việt Nam đã để thua Indonesia 0-5 ở trận tranh hạng 3. Sau giải đấu, huấn luyện viên Trần Minh Chiến đã nhận trách nhiệm và từ chức.
Huấn luyện viên Cristiano Roland đã được lựa chọn như một phương án chiến lược. Tiếp quản tập thể non nớt cả về kỹ chiến thuật, ông Roland đã tạo nên cuộc cách mạng về tư duy chơi bóng. Chiến lược gia sinh năm 1976 uốn nắn học trò về cả tư duy vị trí, cự ly đội hình, tạo nên các mảng miếng, bài vở phòng ngự và tấn công rõ ràng.
U17 Việt Nam tại giải châu lục đã tự tin cầm bóng triển khai lối chơi, kiểm soát thế trận và cuốn đối thủ theo ý mình. Như trận gặp U17 UAE, U17 Việt Nam đã cầm bóng tới 71%, tấn công áp đảo trong nửa đầu hiệp 1, hay các học trò của ông Roland lì lợm và khó chịu đến mức, U17 Nhật Bản hay U17 Úc bung sức cũng không thể đánh bại.
Tính cả 3 trận hòa tại vòng chung kết châu Á, U17 Việt Nam đã bất bại 10 trận dưới bàn tay huấn luyện của ông Roland. Đây là chuỗi bất bại dài nhất mà bóng đá trẻ Việt Nam từng chứng kiến.
Thực tế, trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng thay da đổi thịt khi sử dụng huấn luyện ngoại ở các lứa trẻ. Điển hình nhất là thành công của huấn luyện viên Guillaume Graechen với lứa U19 HAGL và U19 Việt Nam. Sau này, rất nhiều cầu thủ đã vang danh, trở thành trụ cột của đội tuyển Việt Nam. Hay sau đó, ngay cả ông Troussier cũng gây ấn tượng nhất định với lứa U20 Việt Nam.
Việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam lựa chọn chuyên gia ngoại cho lứa trẻ mang đến những dấu ấn cũng là gợi ý trong công tác đào tạo trẻ. Những huấn luyện viên ngoại có kinh nghiệm và nền tảng kiến thức chuyên sâu, có tính thực tiễn sẽ giúp ích rất nhiều cho bóng đá trẻ Việt Nam. Có thể thấy rõ, tư duy chơi bóng của các cầu thủ trẻ Việt Nam đã thay đổi rất nhiều nhìn từ giải U17 châu Á.

U17 Việt Nam gây ấn tượng mạnh ở giải U17 châu Á 2025. Ảnh: INT.
Lối đi nào cho U17 Việt Nam?
U17 Việt Nam đã thể hiện màn trình diễn tốt ở giải châu Á cả về kết quả và lối chơi. Sau giải đấu, huấn luyện viên Cristiano Roland khẳng định lứa U17 này sẽ là tương lai của bóng đá Việt Nam. Ông thậm chí còn tin chắc rằng nhiều cầu thủ sẽ bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới. Đây cũng là tia sáng hy vọng dành cho bóng đá Việt Nam.
“Những cơ hội lớn hơn đang chờ đợi phía trước, và tôi tin nhiều người trong số các em sẽ còn tiến xa hơn nữa trong màu áo đội tuyển quốc gia”, huấn luyện viên Cristiano Roland nói trong ngày chia tay các học trò sau khi kết thúc nhiệm vụ tại Vòng chung kết U17 châu Á 2025.
Người hâm mộ bóng đá nước nhà rất ấn tượng với màn trình diễn xuất sắc của thủ thành Xuân Tín. Ở hàng thủ, trung vệ đội trưởng Lê Huy Việt Anh cũng cho thấy sự trưởng thành hơn rất nhiều so với tuổi 17. Trong khi đó, Nguyễn Lực lại mang dáng dấp ông chủ tuyến giữa trong tương lai.
Trên hàng công, Duy Khang đã ghi 2/3 bàn thắng của U17 Việt Nam ở giải U17 châu Á, là điểm sáng hi vọng. Ngoài ra, phải kể tới một số cái tên nổi bật khác như Gia Bảo, Hồng Phong, Văn Bách, Văn Khánh hay Việt Long…
So với giải U16 Đông Nam Á 2024, các cầu thủ trẻ của Việt Nam đã trưởng thành trông thấy. Nhưng giải U17 châu Á 2025 rốt cuộc cũng chỉ là 1 sân chơi để rèn giũa và trải nghiệm, không phải thước đo để đánh giá tiềm năng hay sức mạnh của các nền bóng đá. Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng nhiều lần gây tiếng vang ở các giải trẻ nhưng sau đó mất hút.
Tiêu biểu nhất chính là chiến tích vào bán kết giải U16 châu Á năm 2000. Đó là giải đấu mà U16 Việt Nam đã trình làng lứa thế hệ rất tiềm năng như Văn Quyến, Ánh Cường, Như Thuật, Lâm Tấn, Minh Đức hay Đức Anh… Nhưng cuối cùng, họ đã không thể phát triển như sự kì vọng vì nhiều lí do khác nhau.
Vậy mới nói giải trẻ vẫn chỉ là giải trẻ! Từ giải trẻ tới đội tuyển quốc gia là cả một chặng đường dài với nhiều thách thức. Tiềm năng chỉ là bước khởi đầu của một chuỗi công đoạn. Mỗi quốc gia, mỗi nền bóng đá đều có một phương thức riêng để đi tới thành công. Nhưng điểm chung là sự trải nghiệm cả về chuyên môn và áp lực tâm lý.
Trong khi đó, các cầu thủ trẻ của Việt Nam có quá ít sân chơi để rèn giũa năng lực. Tính trung bình, mỗi cầu thủ từ lứa U15 tới U19 của Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 10 trận/năm, kém xa các cầu thủ trẻ của Thái Lan và Indonesia chứ chưa nói tới các nền bóng đá mạnh ở châu Á như Nhật Bản, Australia hay Hàn Quốc.
Bóng đá Việt Nam từng gây tiếng vang dưới thời huấn luyện viên Park Hang Seo bởi nòng cốt của đội tuyển trước đó đã được trải nghiệm dạn dày ở các giải U20 World Cup 2017 hay U23 châu Á 2018. Hầu hết các cầu thủ của Việt Nam khi ấy đều tốt về chuyên môn, giỏi về sức ép tâm lý. Họ tự tin thể hiện mình, biết phát huy điểm mạnh để trở thành một tập thể mạnh.
Đây là vấn đề không mới của bóng đá Việt Nam. Nhưng qua nhiều năm, đó vẫn là nỗi trăn trở như một bài toán không lời giải. Thay vì trông chờ vào một vài lò đào tạo trẻ, bóng đá Việt Nam cần một chiến lược lâu dài với sự đầu tư có tính toán để “nhà không phải xây từ nóc”.
Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nêu quan điểm: Lứa U17 và U20 rất quan trọng, bởi đây là cửa ngõ để cầu thủ bước từ ngưỡng trẻ lên chuyên nghiệp. Chúng ta cần kế hoạch tổng thể và đồng bộ để phát triển các lứa này. Phải có chiến lược để cầu thủ được tập huấn và thi đấu quốc tế, rồi liên kết chặt chẽ với các câu lạc bộ, lò đào tạo để tìm ra cách đào tạo, phát triển cầu thủ tương đồng. Đó là cách làm ở những nền bóng đá phát triển.