Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông?

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Đây là bước tiến mới trong thanh toán giao thông đường bộ.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Vậy làm thế nào để chung tay xây dựng một hệ sinh thái giao thông văn minh, ứng dụng các công nghệ hiện đại phục vụ người dân, đáp ứng xu hướng thanh toán điện tử trong giao thông là bài toán được đặt ra tại hội thảo với chủ đề “Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông” do Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí điện tử Vietimes tổ chức chiều nay (30/9).

Theo ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam, từ ngày 1/10/2024 khi nghị định có hiệu lực đến ngày 1/10/2025, chủ phương tiện phải thực chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông kết nối phương tiện thanh toán.

Từ ngày 1/10/2024 đến 1/7/2026 thực hiện duy trì hình thức thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán giao thông đường bộ và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ triển khai kết nối hệ thống điều hành và trung tâm dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông qua tài khoản giao thông. Sau đó, từ ngày 1/7/2026 chính thức vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin về Nghị định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác Quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin về Nghị định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/10/2024. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thanh toán, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, trên thế giới có hai xu hướng: thu phí giao thông theo cơ chế độc lập (closed-loop) và thu phí giao thông theo cơ chế liên thông (account - based/open-loop).

Theo đó, xu hướng thu phí giao thông theo cơ chế độc lập đã được triển khai từ nhiều năm nay như mua vé bằng tiền mặt, mua vé bằng thẻ từ trên xe buýt, tại sân ga tàu điện metro. Song, trên thế giới đa phần đã chuyển sang thu phí giao thông theo cơ chế liên thông.

Tại Việt Nam, theo đại diện NAPAS, còn nhiều khó khăn trong phát triển thẻ vé như các phương tiện chưa liên thông; không tối ưu được nguồn lực xã hội; chưa có tiêu chuẩn thẻ vé chung; người dân phải mua vé bằng tiền mặt hoặc có nhiều thẻ; để nạp tiền, người dân phải nạp tại quầy thanh toán.

Trong khi đó, “khi phát triển phương tiện giao thông công cộng, nếu không tối ưu hóa hình thức thẻ vé, hạn chế việc người dùng phải xếp hàng chờ đợi thẻ vé thì khó có thể thu hút người dân sử dụng phương tiện công cộng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Theo ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung hoàn thành khuôn khổ pháp lỹ cũng như phát triển hạ tầng, dịch vụ.

Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Trung Anh, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Về phát triển hạ tầng, Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng; tiếp tục hoàn thiện, phát triển hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (ACH); tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số; đảm bảo an ninh, an toàn bảo mật…

Đối với phát triển dịch dịch vụ, Ngân hàng Nhà nước sẽ đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số hóa; đẩy mạnh các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên Mobile: QR Code, mã hóa thông tin thẻ (tokenization), thanh toán di động (mobile payment), thanh toán không tiếp xúc (contactless), ví điện tử…

Hiện Ngân hàng Nhà nước khuyến khích hợp tác giữa ngân hàng với công nghệ tài chính (fintech); phát triển thanh toán điện tử trong lĩnh vực công; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa; phát triển dịch vụ thẻ, chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.

Theo Nghị định về Thanh toán điện tử giao thông đường bộ, về mô hình triển khai thanh toán điện tử, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ để chia sẻ cho các nhà cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực không do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.

Đối với lĩnh vực Bộ Giao thông Vận tải quản lý sẽ giữ nguyên phương thức triển khai như hiện nay; trong đó, tài khoản thu phí bằng tài khoản giao thông cộng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, nhà cung cấp dịch vụ thu phí bằng nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ.

Đối với cơ sở dữ liệu thanh toán điện tử giao thông đường bộ sẽ bao gồm thông tin tài khoản giao thông và Thông tin giao dịch thanh toán điện tử giao thông đường bộ.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tuong-lai-nao-cho-thanh-toan-dien-tu-trong-giao-thong/348778.html
Zalo