Tương lai của diễn viên gốc Á trên 'bản đồ' điện ảnh thế giới: Xán lạn hơn nhưng vẫn còn rào cản
Từ chiến thắng của Dương Tử Quỳnh tại Oscar 2023, người ta quan tâm nhiều hơn đến cơ hội tỏa sáng dành cho diễn viên gốc Á trong nền phim ảnh thế giới.
Giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất mà Dương Tử Quỳnh vừa giành được tại Oscar lần thứ 95 năm 2023 vừa qua mở ra hi vọng cho vị trí của nữ giới nói chung, nữ diễn viên gốc Á nói riêng trên "bản đồ" điện ảnh thế giới. Tuy nhiên, có rất nhiều rào cản đòi hỏi các "bóng hồng" gốc Á phải vượt qua, để thành công trong công cuộc khẳng định tài năng, đam mê của bản thân, lẫn mang hào quang về cho điện ảnh nước nhà.
'Hiện tượng' Everything Everywhere All at Once: Định mệnh vốn không gọi tên Dương Tử Quỳnh
Vừa qua, giới mộ điệu vỡ òa trước chiến thắng đi vào lịch sử của Dương Tử Quỳnh tại Oscar lần thứ 95 năm 2023. Qua vai chính trong phim Everything Everywhere All at Once, “đả nữ” Dương Tử Quỳnh đã trở thành diễn viên gốc Á đầu tiên giành chiến thắng ở hạng mục Nữ chính xuất sắc tại giải thưởng điện ảnh danh giá nhất hành tinh.
Ít ai biết, Dương Tử Quỳnh không phải cái tên đầu tiên được chọn để đóng chính trong Everything Everywhere All at Once, mà trước đó, cô chỉ được mời đóng vai phụ, bên cạnh nam chính Thành Long. Tuy nhiên, Thành Long đã từ chối kịch bản này vì lý do lịch trình bận rộn. Chính vì thế, kịch bản từ nam chủ đã chuyển sang nữ chủ, Dương Tử Quỳnh đóng vai nữ chính, Quan Kế Huy đảm nhiệm vai người chồng bên cạnh cô.
Câu chuyện của Dương Tử Quỳnh lập tức thu hút sự chú ý của khán giả khi được chia sẻ. Theo đó, nhiều người “sởn da gà” và cho rằng định mệnh như muốn sắp đặt cho Dương Tử Quỳnh đóng chính rồi lên ngôi Ảnh hậu Oscar với bộ phim này. Trước đó, nhiều lời tiên đoán về việc có một diễn viên gốc Trung Quốc sẽ đạt đến thời kỷ đỉnh cao sự nghiệp sau vài năm nữa, và cái tên đó có lẽ là Dương Tử Quỳnh.
Bên cạnh đó, câu hỏi đặt ra là: “Nếu vai chính đó không thuộc về Dương Tử Quỳnh thì sao? Ngôi vị Nữ chính xuất sắc Oscar đầu tiên dành cho diễn viên gốc Á sẽ gác lại?”. Bên dưới phần bình luận, khán giả đưa ra nhiều ý kiến về chủ đề này và cho rằng, nếu không phải Dương Tử Quỳnh thì phim khó mà thành công được, kể cả khi Thành Long nhận đóng chính. Bởi điểm cộng của phim bên cạnh cốt truyện, kỹ xảo thì diễn xuất của “đả nữ” gốc Á cũng đóng vai trò rất quan trọng.
Với đam mê diễn xuất cùng sự nỗ lực được tích góp sau trên dưới 40 năm đóng phim Dương Tử Quỳnh đã đạt được thành quả xứng đáng với cô. Chiến thắng của Dương Tử Quỳnh cho giải Nữ diễn viên chính xuất sắc không đơn thuần là một danh hiệu, nó còn là nguồn động viên lớn, là “lá cờ đầu” cho các thế hệ diễn viên phấn đấu. Có thể, trong tương lai, nhiều diễn viên gốc Á sẽ nối gót Dương Tử Quỳnh để chinh phục ngôi vị Ảnh hậu Oscar lần nữa. Bởi châu Á là vùng đất sản sinh ra nhiều gương mặt diễn viên ưu tú không kém.
Dàn bóng hồng gốc Á 'rủ' nhau oanh tạc Oscar, Cannes và hơn thế nữa
Trước Dương Tử Quỳnh, “hội chị em” châu Á cũng chứng minh đẳng cấp không phải dạng vừa khi chiến thắng tại LHP Cannes, LHP Berlin, LHP Quốc tế Venice hay Giải thưởng Quả Cầu Vàng danh giá như: Trương Mạn Ngọc, Youn Yuh Jung, Jeon Do Yeon,...
Điểm chung của các nữ diễn viên gốc Á từng làm nên lịch sử tại LHP quốc tế chính là sự dấn thân trong từng vai diễn, đặc biệt là không bao giờ bỏ cuộc trong hành trình thoát khỏi vùng an toàn của bản thân, tạo nên các giá trị mới.
Với Dương Tử Quỳnh, thời gian đầu tham gia đóng phim, cô chỉ được giao cho các vai diễn nhỏ, không có chiều sâu, chủ yếu để khai thác lợi thế về ngoại hình của mình. Không muốn mãi bị gán mác “bình hoa di động”, Dương Tử Quỳnh chủ động thử sức với các vai diễn khó, kết hợp yếu tố võ thuật, đó cũng là những bước đệm đầu tiên cho sự nghiệp “đả nữ” hàng đầu châu Á. Trước siêu phẩm Everything Everywhere All at Once, cô từng gây chú ý khi xuất hiện trong nhiều dự án truyền hình như: Câu Chuyện Cảnh Sát, Ngọa Hổ Tàng Long, Hồi Ức Của Một Geisha, Tomorrow Never Dies, Crazy Rich Asians, Star Trek: Discovery,...
Đặc biệt, cô từng từ chối lời đề nghị dùng diễn viên đóng thế của Thành Long để tự mình thực hiện các phân cảnh khó trong phim Câu Chuyện Cảnh Sát. Chính sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đi lên từ vai phụ, miệt mài đóng phim ở độ tuổi U70 đã giúp Dương Tử Quỳnh đạt đến thành công như hiện tại.
Ngoài Dương Tử Quỳnh, “bà ngoại quốc dân” Youn Yuh Jung từng mang về niềm tự hào cho cả châu Á và Hàn Quốc khi đạt Nữ phụ xuất sắc ở Oscar (nhờ phim Minari, 2020). Với chiến thắng này, Youn Yuh Jung đã lập nên kỳ tích cho điện ảnh Hàn Quốc sau 102 năm qua. Đồng thời, bà cũng là đại diện thứ 2 của châu Á giành giải Nữ phụ Oscar, sau diễn viên quá cố Miyoshi Umeki (Nhật Bản).
Điện ảnh châu Á cũng có một Trương Mạn Ngọc - diễn viên đầu tiên giành đồng thời cả 2 giải Ảnh hậu tại LHP Berlin (1992) và LHP Cannes (2004). Dù không còn xuất hiện trên màn ảnh nhỏ, song sự nghiệp của cô khiến công chúng không khỏi ngưỡng mộ. “Bỏ túi” trên dưới 70 bộ phim, ngồi “ghế nóng” tại các LHP bậc nhất thế giới - Venice, Cannes, Berlin,... là những mốc son trong sự nghiệp Trương Mạn Ngọc.
Còn “nữ hoàng cảnh nóng” Jeon Do Yeon - diễn viên gốc Hàn đầu tiên nhận Ảnh hậu Cannes cũng có sự nghiệp bùng nổ không kém. Năm 2007, cô mang về niềm tự hào cho quốc gia khi thắng cúp Nữ diễn viên xuất sắc nhất Cannes với vai diễn người mẹ loạn trí vì mất con trong Secret Sunshine, đóng cùng Song Kang Ho.
Mới đây, cô được bình chọn là diễn viên tiêu biểu nhất của điện ảnh Hàn thế kỷ 21, vị trí thứ 2 thuộc về Kim Hye Soo và Son Ye Jin. Hoạt động nghệ thuật trong thời gian dài, đạt được những thành tựu lớn, nhưng đam mê đóng phim và chinh phục những nhân vật khác nhau vẫn chảy trong máy Jeon Do Yeon. Vừa qua, cô đã trở lại với truyền hình qua phim Khóa Học Yêu Cấp Tốc và nhanh chóng lập được thành tích khả quan.
Ngoài ra, còn rất nhiều nữ diễn viên gốc Á khác cũng được biết đến như bảo chứng về diễn xuất, sáng cửa kế thừa tiền bối đi trước, oanh tạc các LHP lớn nhỏ trên thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa ước mơ ghi tên vào “bản đồ” điện ảnh thế giới, tiệm cận hơn với thị trường Hollywood khắc nghiệt, các diễn viên nữ gốc Á phải vượt qua nhiều rào cản lớn.
Tương lai phụ nữ gốc Á với điện ảnh sẽ như thế nào?
Trong những năm trở lại đây, ngôi sao gốc Á tham gia phim của ông lớn Hollywood ngày càng nhiều, song họ chỉ được giao cho những vai nhỏ, có trường hợp còn khiến fan bất bình vì nghi vấn lợi dụng danh tiếng. Nói đâu xa, trường hợp của Dương Tử Quỳnh, nhờ lợi thế ngoại hình, ban đầu cô chỉ được các đoàn làm phim giao cho vai đơn giản, nó khiến cô bức bối và cho rằng mình không khác gì “bình hoa di động”. Cô nỗ lực đóng phim không ngừng nghỉ, nhận cả các vai diễn lớn nhỏ, rồi mới bén duyên với vai nữ chính trong Everything Everywhere All at Once.
Bên cạnh đó, còn có nhiều ngôi sao khác tham gia đóng phim Hollywood nhưng lại không có nhiều đất diễn, có thể kể đến như: Phạm Băng Băng, Lý Băng Băng, Jun Ji Hyun, Cảnh Điềm,... Đặc biệt, trường hợp của “tam đại Ảnh hậu” trẻ nhất Hàn Quốc - Son Ye Jin khiến khán giả cảm thấy khó hiểu.
Trước đó, cô được mời đóng chính trong phim Hollywood - Cross cùng nam chính Avatar - Sam Worthington, nhưng đã nhiều năm trôi qua, dự án bị “đắp chiếu” không rõ nguyên nhân. Điều này khiến người hâm mộ của cô cảm thấy giận dữ và liên tục gửi thư đến nhà sản xuất nhưng chưa nhận được lời giải thích nào thỏa đáng.
Như vậy, chúng ta thấy được, có quá ít cơ hội dành cho các ngôi sao gốc Á trong hành trình “xuất ngoại”, cộng tác với ê-kíp Hollywood. Một vai nhỏ đã khó giành được, huống hồ chi vai chính như Dương Tử Quỳnh. Thực tế, Everything Everywhere All at Once ngay từ đầu cũng không nhắm vào cô, mà câu chuyện chính lại xoay quanh nam chính Thành Long, Dương Tử Quỳnh lại tiếp tục đóng vai thứ chính, lại tiếp tục tìm thêm cơ hội cho mình tại Hollywood - điều này khó như “mò kim đáy bể”.
Ngoài việc ít cơ hội dành cho các ngôi sao gốc Á tỏa sáng, một kịch bản hay, đủ sức để giúp họ phô diễn hết tài năng cũng khó lòng mà kiếm được. Mà kịch bản lại là “xương sống” của một dự án, làm sao để viết được một kịch bản hay, sâu sắc, không hời hợt nhưng vẫn đảm bảo tính thương mại là một bài toán rất khó cho các nhà làm phim. Chính vì thế, cơ hội đã hiếm, kịch bản hay lại càng hiếm hơn. Đặc biệt, các kịch bản phim phần lớn là mang tính “nam chủ”, lấy nam giới làm trung tâm câu chuyện, phụ nữ chỉ đóng vai trò hỗ trợ.
Một lý do nữa khiến nữ diễn viên gốc Á khó chinh phục được thị trường nước ngoài đó chính là rào cản về ngôn ngữ, khó khăn này thường gặp phải ở cả phái nam lẫn phái nữ. Chúng ta biết được Thang Duy có khả năng nói tiếng Anh, tiếng Hàn trôi chảy dù cô là người Trung Quốc. Tuy nhiên, những ngôn ngữ đó là do cô dành hết tâm trí để học, thậm chí còn thường xuyên dùng sai từ.
Một trường hợp khác là Ảnh hậu Cannes - Jeon Do Yeon, người ta trông đợi ở cô một dự án điện ảnh tầm cỡ Hollywood, đòi hỏi phải nói tiếng Anh trôi chảy, nhưng điều đó rất khó. Bởi trong một cuộc phỏng vấn, cô từng tiết lộ mình thật sự không giỏi ngoại ngữ, cho nên khó có thể “xuất ngoại”.
Ngoài ra, còn nhiều rào cản khiến các diễn viên gốc Á chưa tiếp cận và tỏa sáng tại nước ngoài có thể kể đến như: Hạn chế về hình thể, lệch múi giờ, ràng buộc về gia đình, chăm sóc con cái,... tệ hơn là phân biệt chủng tộc, giới tính. Nếu vượt qua các khó khăn chủ quan lẫn khách quan kèm theo việc nắm bắt được các cơ hội “xuất ngoại”, tăng cường đầu tư kịch bản nữ chủ, thì tương lai của phụ nữ châu Á đối với điện ảnh sẽ còn xán lạn hơn nhiều.