Tuồng hay phải diễn sân khấu đẹp
Chất lượng của một nền bóng đá, giải vô địch quốc gia trước hết được đánh giá từ chất lượng mặt sân, 'sân khấu' để các cầu thủ thi thố tài năng hàng tuần. Tuy nhiên, sau 1/4 thế kỷ bóng đá Việt Nam lên chuyên nghiệp, đây vẫn là nỗi xấu hổ khi 'quan trên nhắm xuống người ta trông vào'.

Sân vận động quốc gia mà như thế này đây.
Sau đợt FIFA Days tháng 3 trở lại với vòng 16, V.League bước vào giai đoạn nước rút với 10 vòng đấu cuối cùng quyết định. Tuy nhiên, một vấn đề lại nổi lên, đó là chất lượng sân bãi của giải đấu đỉnh cao, mặc dù các câu lạc bộ (CLB) đã có gần một tháng để sửa sang.
Ngay từ trước vòng 13, ngày 13-2, VPF có công văn cảnh báo 2 CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Bình Định vì để sân thi đấu xuống cấp nghiêm trọng, khiến huấn luyện viên (HLV) đội khách lẫn HLV đội chủ nhà đều lên tiếng than phiền. HLV Polking của CAHN mỉa mai: “Giờ tôi biết vì sao CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh bất bại trên sân nhà”.
Hai sân tích cực khắc phục và kịp đủ điều kiện tổ chức trận đấu trên sân nhà ở vòng 15. Nhưng lần thứ 2 trong vòng 2 tuần, HLV người Brasil lại phàn nàn về chất lượng mặt sân V.League, lần này là sân Vinh.
“Mặt sân không bảo đảm chất lượng thi đấu, mấp mô khiến bóng lăn lập bập, 2 đội phải đá bóng dài. Đây có phải là cách tốt để bóng đá Việt Nam phát triển?” - ông Polking bày tỏ.
Nhưng đỉnh điểm là sân vận động quốc gia Mỹ Đình, nơi CLB Thể Công-Viettel (TCVT) mùa này phải thuê làm sân nhà sau khi phải “nhường” sân Hàng Đẫy cho 2 đội thủ đô gắn tên với Hà Nội. Do cho thuê tổ chức nhiều sự kiện ngoài bóng đá, mặt sân quốc gia loang lổ, cỏ úa, mấp mô như sân… huyện. Ở trận tứ kết Cúp Quốc gia giữa TCVT - HAGL, trung vệ Lý Đức của HAGL bị chấn thương nặng. VPF có công văn hỏa tốc yêu cầu CLB TCVT phối hợp với đơn vị quản lý sân tạm ngưng toàn bộ các hoạt động, thực hiện việc bồi trám cỏ, duy tu, bảo dưỡng. Sau khi kiểm tra, VPF đồng ý sân Mỹ Đình tổ chức trận đấu giữa TCVT và Quảng Nam ở vòng 17 V.League. Tuy nhiên, mặt sân không tốt (quá cứng) lại là một phần nguyên nhân khiến thêm một cầu thủ nữa của đội khách chấn thương nặng. Cựu tuyển thủ U.23 Vũ Tiến Long của Quảng Nam không va chạm với ai, tiếp đất bị đứt dây chằng, phải lên bàn mổ và nghỉ 8 tháng.
HLV Văn Sỹ Sơn của CLB Quảng Nam chỉ trích gay gắt: “Mặt sân quá xấu, quá chắp vá, cỏ dày 3-4cm. Không bao giờ một đội V.League lại đá trên sân bóng kiểu này được. Thậm chí, tôi đã nghĩ nên xin thua vì rất sợ cầu thủ dính chấn thương”.
Ngay HLV Đức Thắng của đội “chủ nhà” TCVT cũng thừa nhận: “Mặt sân Mỹ Đình hôm nay (sau khi khắc phục - PV) còn mấp mô hơn, trận trước cỏ úa nhiều thôi”.
Như vậy, chỉ trong một tuần, sân Mỹ Đình đã khiến 2 trung vệ phải sớm chia tay với mùa giải.
Nhiều lý do được viện dẫn như việc duy tu bảo dưỡng, chăm sóc mặt sân không thường xuyên, không tốt, cộng với cho thuê tổ chức nhiều sự kiện, trong đó có cả giải học sinh phong trào. Và tất cả được quy về nguyên nhân kinh phí. Tuy nhiên, là bộ mặt, dẫu gì cũng “phương diện quốc gia, quan trên nhắm xuống người ta trông vào”, không thể để sân Mỹ Đình bị biến thành… sân huyện. Đội tuyển Việt Nam đã “quay lưng” với sân vận động quốc gia khi ở ASEAN Cup 2024 đã chọn sân Việt Trì làm sân nhà, còn ở vòng loại thứ 3 Asian Cup 2027 vừa qua thì vào Bình Dương thi đấu. Sự việc khó chấp nhận đến mức Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phải có ý kiến chỉ đạo về phương án khai thác hiệu quả, tránh lãng phí, xuống cấp sân Mỹ Đình.
Mà TCVT đâu có “đá chùa”, để thuê sân Mỹ Đình làm sân nhà phải trả mỗi trận 150-200 triệu đồng, chưa bao gồm các chi phí phụ như tiền điện (18-20 triệu đồng/trận) và các dịch vụ khác; tính cả mùa giải, tổng chi phí thuê sân có thể hơn 3,7 tỷ đồng. Trong khi kinh phí đầu tư xây dựng sân Mỹ Đình (theo thời giá 20 năm trước là 1.300 tỷ đồng (53 triệu USD, bao gồm cả Cung Thể thao dưới nước) là từ ngân sách nhà nước.
Cái sân mà biết nói năng…!