Tượng đài 'Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa'
Có dịp đến với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị), chúng tôi bị thu hút sâu sắc bởi tượng đài 'Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa'.
Nằm dưới những tán cây cổ thụ xanh mát, tượng đài được làm bằng đồng nguyên chất, cao 2,2m, thể hiện hình ảnh 3 nghệ sĩ: Người đàn ông kéo đàn phong cầm, người con gái tóc bay trong gió say sưa hát và một cô gái với dáng múa duyên dáng. Tượng đài vừa là sự tái hiện sinh động hình ảnh những nghệ sĩ trẻ trung, nhiệt huyết, không quản gian khổ, hy sinh đến với chiến trường Trị Thiên ác liệt năm nào, vừa như một nén hương trầm tri ân, tưởng nhớ công lao những chiến sĩ-nghệ sĩ của Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Thật tình cờ và cũng thật may mắn, trong chuyến công tác lần này, chúng tôi được gặp những cựu chiến binh Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên trong chuyến hành quân về nguồn, thăm lại đồng đội và chiến trường xưa. Nhờ vậy, chúng tôi được lắng nghe rõ hơn, kỹ càng hơn về ý nghĩa và quá trình xây dựng tượng đài. Ý tưởng xây dựng tượng đài xuất phát từ cựu diễn viên múa Trần Thị Huyền Minh, thành viên trẻ nhất của Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên. “Các chiến sĩ-nghệ sĩ của Đoàn đã hy sinh cả tuổi thanh xuân và xương máu, dùng tiếng hát, điệu múa của mình để khích lệ, động viên tinh thần bộ đội và nhân dân chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Do đó, tôi ấp ủ tâm nguyện xây dựng một tượng đài để tưởng nhớ, tri ân công lao của các đồng đội và cũng là để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ sau này”, chị Huyền Minh bộc bạch. Được sự ủng hộ của đồng đội, chị Huyền Minh đã bắt đầu hành trình hiện thực hóa ý tưởng, trở thành nhà tài trợ chính và tổ chức xây dựng, hoàn thành công trình vào ngày 3-7-2011.
Dưới chân tượng đài “Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa”, những ca khúc ngày xưa rực lửa Trường Sơn, đẫm trăng, đẫm sương Trường Sơn được biểu diễn lại bởi chính những “con chim sơn ca của núi rừng Trường Sơn”. Cũng bài ca, điệu múa ấy, các chiến sĩ văn công tuổi mười tám, đôi mươi năm xưa, nay chân đã rung, dáng người đã đậm, đã cứng, nhưng nét múa vẫn mềm mại; giọng không còn trong nhưng vẫn âm vang cả núi rừng. Họ hát, múa, rồi ôm lấy nhau mừng mừng tủi tủi... khiến ai nấy đều rưng rưng xúc động.
Đại tá Đỗ Hoài Năng, Trưởng ban liên lạc Hội Cựu chiến binh Đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên cho hay: “Tượng đài “Những nghệ sĩ mặc áo lính trên tuyến lửa” không chỉ là nơi tri ân, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những chiến sĩ văn công, những người đã viết nên trang sử hào hùng của văn hóa-nghệ thuật Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến mà còn là biểu tượng của tinh thần “Ở đâu có đồng bào, chiến sĩ, ở đó có tiếng hát của văn công”. Đây cũng là lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa gửi tới thế hệ trẻ: Hãy luôn trân trọng, tự hào, biết ơn những hy sinh của cha ông để ra sức xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.