Tuổi trung bình khi sinh của phụ nữ Hoa và Kinh là gần 30

Tuổi trung bình khi sinh của phụ nữ Việt Nam có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc.

Thông tin trên được nêu tại hội thảo công bố Báo cáo quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2021-2024, tổ chức ngày 25-4.

Báo cáo này do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) xây dựng trên cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) và Tổ chức Y tế công cộng toàn cầu.

Báo cáo này đã đưa ra bức tranh về tình hình đăng ký khai sinh, khai tử và kết hôn trên toàn quốc cùng một số vấn đề dân số khác.

 Đại diện UNFPA phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TH

Đại diện UNFPA phát biểu tại sự kiện. Ảnh: TH

Tuổi trung bình khi sinh của phụ nữ tăng

Báo cáo chỉ ra rằng tuổi trung bình khi sinh của phụ nữ Việt Nam đang có xu hướng tăng dần. Có sự khác biệt lớn về tuổi trung bình khi sinh con của người mẹ chia theo dân tộc.

Năm 2024, phụ nữ dân tộc Hoa và dân tộc Kinh có tuổi trung bình khi sinh con cao nhất, lần lượt là 29,9 tuổi và 29,4 tuổi, cao hơn từ 6 đến 7 tuổi so với phụ nữ ở nhiều dân tộc khác như La Ha (23,2 tuổi), Cơ Lao (23,3 tuổi), La Hủ (23,7 tuổi), Hrê (23,8 tuổi), Xinh Mun (23,9 tuổi).

 Tuổi trung bình khi sinh của phụ nữ Việt Nam qua các năm.

Tuổi trung bình khi sinh của phụ nữ Việt Nam qua các năm.

Trong giai đoạn 2021-2023, tuổi trung bình khi kết hôn lần đầu của người Việt Nam cũng có xu hướng tăng, mức tăng bình quân sau 3 năm là 1,1 tuổi.

Theo kết quả tính toán từ hồ sơ đăng ký kết hôn, tuổi trung bình khi đăng ký kết hôn lần đầu giai đoạn 2021-2023 của nam giới cao hơn nữ giới khoảng gần 3 tuổi, tương ứng là 29,8 tuổi đối với nam và 27 tuổi đối với nữ.

Vấn đề kết hôn với người nước ngoài vẫn chưa phổ biến ở Việt Nam. Trong giai đoạn 2021-2023, số cuộc đăng ký kết hôn mới có yếu tố nước ngoài chỉ chiếm 1,9%. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, xu hướng kết hôn với người nước ngoài đang tăng mạnh.

Năm 2021, cả nước chỉ có hơn 2.000 cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài, chiếm khoảng 0,5% tổng số cuộc kết hôn trong cả nước.

Năm 2022, số cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài là gần 14.000 cuộc, chiếm 1,9%.

Con số này năm 2023 tăng lên 19.000 cuộc, chiếm 2,8%.

Chiếm chủ yếu trong các cuộc kết hôn có yếu tố nước ngoài là trường hợp phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài, khoảng 89,1%. Số trường hợp nam giới Việt Nam kết hôn với người nước ngoài chỉ chiếm 10,5%.

Trường hợp người nước ngoài thường trú ở Việt Nam đăng ký kết hôn với người nước ngoài khác có số lượng và tỉ trọng không đáng kể.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao

Cũng theo báo cáo, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong đăng ký khai sinh. Tỉ lệ khai sinh đúng hạn (trong vòng 60 ngày tính từ lúc sinh) tăng đều qua từng năm và đạt 84,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, tình trạng đăng ký khai sinh muộn vẫn còn phổ biến ở một số nhóm dân tộc thiểu số, lên tới 56%.

Tỉ lệ khai tử đúng hạn (trong vòng 15 ngày sau khi mất) đạt 69,3% vào năm 2024. Tình trạng khai tử muộn vẫn phổ biến ở các vùng dân tộc thiểu số, có dân tộc lên tới gần 80%.

Tổng tỉ suất sinh đang giảm và thấp hơn mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ.

Trong khi đó, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn còn tồn tại và kéo dài trong nhiều năm, vượt xa mức cân bằng là 104-106 bé trai/100 bé gái. Tình trạng này diễn ra phổ biến ở các tỉnh khu vực phía Bắc (điển hình là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Giang).

 Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam vẫn ở mức cao.

Mất cân bằng giới tính khi sinh tại Việt Nam vẫn ở mức cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Trưởng ban Thống kê dân số và lao động, trong giai đoạn 2021-2024, tỉ số giới tính khi sinh ở nước ta ở mức 109,8 bé trai/100 bé gái. Riêng năm 2024, tỉ số này 110,7 bé trai/100 bé gái.

"Thậm chí, có địa phương ghi nhận tỉ số giới tính khi sinh ở mức gần 120 trẻ trai/100 trẻ gái", bà Mai nói.

Đối với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, tỉ số giới tính khi sinh ở mức từ 105-108 bé trai/100 bé gái.

Về tử vong, tuổi chết trung bình của dân số Việt Nam giai đoạn 2021-2024 là 69,5 tuổi và có sự chênh lệch lớn về giới. Cụ thể, tuổi chết trung bình ở nam giới là 64,6 tuổi và nữ giới là 75,6 tuổi.

Phần lớn các ca tử vong năm 2024 là do bệnh tật hoặc tuổi già (chiếm 95,2% tổng số ca được ghi nhận).

Lần đầu tiên, chúng ta có thể sử dụng dữ liệu hộ tịch hoàn chỉnh và cập nhật để thực hiện phân tích thống kê sinh, tử và kết hôn trên phạm vi cả nước. Đây là một dấu mốc rất quan trọng.

Kết quả báo cáo cũng cho thấy vẫn còn sự chênh lệch giữa các nhóm dân tộc và vùng miền trong công tác đăng ký hộ tịch. Tuy vậy, các kết quả phân tích cũng đồng thời khẳng định rằng đầu tư của Chính phủ vào chuyển đổi số trong hệ thống đăng ký hộ tịch đang mang lại hiệu quả.

Trong thời gian tới, nâng cao tính kịp thời và độ chính xác của dữ liệu sẽ là yếu tố then chốt để mọi người đều được phản ánh trong hệ thống dữ liệu, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Thống kê

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tuoi-trung-binh-khi-sinh-cua-phu-nu-hoa-va-kinh-la-gan-30-post846508.html
Zalo