Tuổi trẻ vùng biên nuôi khát vọng đổi thay

Vừa phát huy tinh thần thanh niên khởi nghiệp, những đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện biên giới Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cũng trở thành những lá cờ đầu trong phong trào phát triển kinh tế ngay trên quê hương với nhiều ý tưởng khởi nghiệp độc đáo, đa dạng, mang lại nhiều thành công.

Các hoạt động trong "Tháng Thanh niên" và các phong trào, mô hình thiết thực... đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Bùi Cường

Các hoạt động trong "Tháng Thanh niên" và các phong trào, mô hình thiết thực... đã tạo sức lan tỏa rộng khắp, tạo điều kiện cho thanh niên phát huy vai trò xung kích trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Bùi Cường

Khởi nghiệp ở vùng biên

Sau thời gian “tham quan học tập” chốn thị thành, nhiều thanh niên địa phương vùng biên giới huyện Nam Giang đã bắt đầu vận dụng để làm kinh tế, phát triển địa phương, xây nên những vùng biên bừng sáng. Tiền của từ chăn nuôi trang trại, trồng trọt, từ những ý tưởng khởi nghiệp đến sự liên kết làm kinh tế của thanh niên đều nhờ những chính sách của Nhà nước.

Những mô hình nổi bật của thanh niên đồng bào DTTS như nuôi và úm gà của gia đình anh Bờ Nướch Amen (thôn Bến Giằng, xã Cà Dy) với 140 con nuôi theo cách úm trong chuồng kín; chăn nuôi heo cỏ thả vườn của thanh niên Đinh Văn Tiếu (thôn Pà Zá, xã Cà Dy) với thức ăn tự nhiên: Bắp, thân chuối, cám..., có chuồng trại và khoanh vùng thả trong vườn, thường xuyên phun khử trùng chuồng trại.

Cũng như thế, anh Arất Bước, một trong những thanh niên điển hình làm kinh tế giỏi tại thôn Mực (thị trấn Thạnh Mỹ) kể, trước đây, vợ chồng anh và 3 con nhỏ sống chung với bố mẹ và các anh chị em trong ngôi nhà nhỏ, cuộc sống rất khó khăn. Khi có chủ trương xây dựng làng thanh niên lập nghiệp Thạnh Mỹ, anh đã làm đơn xin vào làng. Lên đây định cư, anh Arất Bước được hỗ trợ tiền làm nhà, cấp vốn làm ăn, được hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, cuộc sống của vợ chồng Arất Bước khấm khá hơn trước. Mô hình chăn nuôi gà, heo đen và cây ăn quả của gia đình anh Arất Bước mang lại hiệu quả cao.

Anh Arất Bước cho biết: “Trước đây, ở làng dưới rất khó khăn, khi lên đây có mấy anh ở Tỉnh đoàn hỗ trợ nguồn vốn, con giống, gia đình tôi làm ăn khấm khá hơn. Tôi mong muốn mở rộng thêm diện tích để phát triển mô hình, mang lại thu nhập cao hơn".

Tương tự, anh Alăng Khái, Bí thư Đoàn Thanh niên xã La Êê cũng là gương điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở Nam Giang. Anh Khái chia sẻ, sau 2 năm thử nghiệm mô hình chăn nuôi heo đen kết hợp trồng cây ăn quả đã cho thấy hiệu quả rõ nét với đàn heo gần 30 con sinh trưởng tốt. Qua các đợt xuất bán heo thịt và heo giống, anh Khái thu về hàng chục triệu đồng, tiếp tục mở rộng quy mô trang trại theo hướng kết hợp “3 cây, 3 con”.

Xuất thân từ gia đình nghèo khó, vợ chồng chị Blúp Duyên vay 20 triệu đồng vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mua 2 con bò trị giá 10 triệu đồng, 3 con heo giống trị giá 1,5 triệu đồng, 50 con gà trị giá 2,5 triệu đồng, số tiền còn lại đầu tư vào mua giống đậu, bắp, lúa có năng suất cao trồng trên rẫy và khai hoang thêm ruộng lúa nước, phát rẫy trồng chuối, sắn, keo lá tràm, cây cao su... Đến nay, chị đã trồng được 2ha cây keo gần đến thời kỳ thu hoạch, 450 gốc cây cao su 2 năm tuổi, 200 cây chuối, 1.000 gốc sắn. Đặc biệt, chị khai hoang được 3 sào ruộng lúa nước. Mỗi năm gia đình chị thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt hơn 60 triệu đồng.

Sau thời gian trồng và chăm sóc, nhiều vườn cây lòn bon của cộng đồng tại xã Tà Pơơ đã cho thu hoạch, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình thanh niên miền núi. Từng là một trong số hộ thanh niên khó khăn, Blúp Yêu (một thanh niên địa phương) cho biết, sau thời gian nhận quản lý, chăm sóc vườn lòn bon từ người thân, mỗi năm, vợ chồng anh có thêm thu nhập 40-45 triệu đồng từ việc thu hoạch cây bản địa này.

Từ sự khuyến khích của địa phương, anh Blúp Yêu mở rộng diện tích trồng lòn bon, đồng thời xen ghép thêm các loại cây ăn quả khác, xem đó như “của để dành”. Sau các đợt thu hoạch lòn bon và mô hình sinh kế dưới tán rừng, cuộc sống của gia đình anh Blúp Yêu dần ổn định, từng bước vươn lên thoát nghèo. Toàn xã Tà Pơơ có khoảng 70% gia đình trồng cây lòn bon bản địa với hơn 15ha, chủ yếu ở thôn Vinh và Pà Tôíh. Trong đó, có hơn 120 hộ thanh niên trực tiếp tham gia chăm sóc, thu hoạch, đây là một nguồn lợi kinh tế đáng kể.

Những mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế cho thanh niên đồng bào DTTS ở Nam Giang đang mang lại hiệu quả. Ảnh: Bùi Cường

Những mô hình hỗ trợ phát triển sinh kế cho thanh niên đồng bào DTTS ở Nam Giang đang mang lại hiệu quả. Ảnh: Bùi Cường

Êm đềm vùng biên viễn

Thoát dần tư duy “cho gì nhận nấy”, khi những dự án, chương trình hỗ trợ sinh kế bắt đầu triển khai, thanh niên đồng bào DTTS đã mạnh dạn đề xuất từng loại cây giống, vật nuôi phù hợp, đảm bảo với quá trình sinh trưởng tại địa phương. Khi đường sá mở ra, chỉ vài năm, những ngôi nhà mới đã được dựng lên, hình thành các khu tái định cư. Và điện lưới quốc gia cũng được kéo về chỉ trong một thời gian ngắn, giúp các bản làng giáp biên bừng sáng giữa rừng. Thanh niên đồng bào DTTS ở biên giới bắt đầu chuyển hướng làm ăn mới, bằng cách mở các điểm thu mua nông sản kết hợp bán buôn tạp hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của bản làng. Bây giờ, đi qua các ngả đường trên vùng biên giới Nam Giang, đã thấy nhiều ngôi nhà mới với mẫu thiết kế khá bắt mắt, đẹp không khác gì ở phố. Phía sau những ngôi nhà mới, ngó lên là thấy rừng keo xanh thẳm bạt ngàn.

Chừng chưa đầy chục năm đổi hướng sinh kế, ở đây, người nào cũng có trong tay ít nhất vài ba hécta keo, tích cóp cho việc xây dựng nhà. Bao nỗi lo ngày cũ cứ thế dần xa trong cuộc sống hiện tại của người dân. Bận bịu với công việc, chuyện tụ tập uống rượu cũng đã dần được hạn chế. Đi khắp làng, hiếm thấy thanh niên đồng bào túm tụm say sưa như ngày trước. Nếu so sánh cuộc sống bây giờ với khoảng mươi năm về trước thì đúng thật một trời, một vực. Là bởi những bản làng giáp biên giới này bây giờ đã hiện hữu như một vùng đất mới giữa rừng, đủ đầy điện - đường - trường - trạm, xa rồi một thuở gian truân.

Anh Bùi Thế Anh, Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, thông qua các mô hình hỗ trợ sinh kế, bao gồm hỗ trợ giống cây keo, cam, heo cỏ địa phương, gà thả vườn..., các tổ chức Đoàn trực thuộc cam kết tìm kiếm nguồn lực từ xã hội hóa nhằm giúp đỡ các gia đình thanh niên khó khăn tham gia các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn vay thanh niên phát triển kinh tế. Lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện biên giới Nam Giang đã hình thành 12 mô hình phát triển kinh tế; xây dựng chuyên trang giới thiệu và quảng bá sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên; kết nối sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên tham gia các hội chợ do huyện, tỉnh tổ chức.

Hiện nay, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Nam Giang đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thanh niên, nhất là thanh niên trong vùng đồng bào DTTS ra sức phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.

Minh Ngọc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tuoi-tre-vung-bien-nuoi-khat-vong-doi-thay-post488157.html
Zalo