Tuổi trẻ thời nào cũng khó khăn trong chuyện lựa chọn con đường

Gen Z thuộc nhóm người sinh từ năm 1995 đến năm 2012. Rất nhiều GenZ đang ở thời điểm bước vào thị trường lao động với vô vàn câu hỏi cần trả lời như: Nên học nghề gì? Nghề nào sẽ có cơ hội trong xã hội đầy biến động?...

Generation Z hay Gen Z thuộc nhóm người sinh từ năm 1995 đến năm 2012 (có ý kiến khác lại cho rằng thuộc những người sinh từ năm 1997 đến năm 2015). Một cách đơn giản, Gen Z thuộc thế hệ trẻ, lưc lượng chủ lực bước vào thế kỉ 21.

Nhắc về Gen Z, người ta sử dụng khái niệm “bông tuyết” với ý chỉ sự mong manh, dễ bị tổn thương và thiếu động lực trước các thách thức, đặc biệt trong chọn nghề hướng nghiệp tương lai. Nhưng cũng có luồng ý kiến khác cho rằng tuổi trẻ hôm nay đã tự tin hơn, nhiều thông tin hơn cùng sự hỗ trợ mọi mặt của công nghệ sẽ dễ dàng hơn trong việc định hình tương lai bản thân, xử lí và vượt qua các thách thức.

Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn mà người trẻ gặp phải trước ngưỡng cửa chọn nghề hướng nghiệp.

Ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn mà người trẻ gặp phải trước ngưỡng cửa chọn nghề hướng nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế lại không dễ dàng và thuận lợi như vậy khi Gen Z được bao bọc kĩ càng hơn, được bù đắp nhiều hơn. Phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn ông Trần Sĩ Chương, chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển doanh nghiệp, tác giả cuốn sách “Trò chuyện cùng Gen Z”.

Phóng viên: Khi gặp ông, câu đầu tiên tôi rất muốn hỏi, đó là, giữa ông và thế hệ Gen Z có một khoảng cách khá lớn về thời gian, không gian. Điều này đồng nghĩa đã có những thay đổi lớn về bối cảnh xã hội, về sự xoay chuyển của tâm tư, suy nghĩ, lựa chọn, định hướng nghề nghiệp. Và rõ ràng có nhiều nghề đã biến mất, nhiều nghề mới thay thế và nhiều nghề thậm chí còn chưa xuất hiện. Cuốn sách “Trò chuyện cùng GenZ” lấy căn cứ nào để không bị lạc hậu với thời cuộc và còn có tính dự báo giúp người trẻ, thưa ông?

Ông Trần Sĩ Chương: Vâng, tất cả các thế hệ trẻ ở bất cứ thời đại nào đều có những trăn trở, hoang mang của tuổi mới lớn. Điều đó bất biến. Nhưng sẽ có những vấn đề cụ thể của từng thế hệ. Ví dụ như cha anh mình thì đó là chiến tranh, họ cũng có những khó khăn ghê gớm, cũng phải vượt khó lắm chứ? Còn thế hệ bây giờ vấn đề lại ở công nghệ đang thay đổi toàn thế giới có thể kể như: quan hệ giữa con người với con người, con người và xã hội, nước này và nước khác. Chưa kể những thay đổi về bản chất của nền kinh tế thế giới. Khi đứng trước những thay đổi dồn dập thì việc choáng ngợp với người trẻ là đương nhiên.

Tôi may mắn khi thời điểm trở về nước, 30 năm về trước khi được mời về học viện Ngoại giao nói chuyện về “Triển vọng bang giao Việt- Mỹ”. Ở vai trò chuyên gia Kinh tế phát triển, tôi theo dõi sát sao những vấn đề xã hội, kinh tế của đất nước. Trong đó đặc biệt quan tâm tới câu chuyện việc làm bởi đây là yếu tố quyết định “sức khỏe” của một đất nước.

Hơn 20 năm qua tôi cùng hợp tác xây dựng một công ty về nhân sự nhằm nghiên cứu thị trường nhân sự và tư vấn cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam làm sao sử dụng nhân lực hiệu quả nhất. Cũng nhờ đó mà biết được các vấn đề của thế hệ đi sau. 5 năm gần đây tôi đi nói chuyện với thanh niên nhằm hiểu hơn về thế hệ này. Và cuốn sách “Trò chuyện cùng GenZ” chắt lọc từ các cuộc nói chuyện nhằm cô đọng về những giá trị bất biến mà thế hệ này có thể dùng như cái phao để sóng dập cỡ nào, các bạn bám vào phao cũng sẽ không bị chìm.

Phóng viên: Tức là dù xưa hay nay, trước kia hay bây giờ vẫn có “những sợi dây giá trị xuyên suốt, bất biến”, tôi xin phép dùng từ của ông để nói về câu chuyện lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai của tất cả người trẻ. Và những giá trị bất biến theo ông sẽ gồm những gì, thưa ông?

Ông Trần Sĩ Chương: Thì ưu tiên trước nhất là phải tồn tại rồi từ đó mới phát triển, phát triển cá nhân, phát triển đất nước. Thứ hai là dù tự động hóa hay AI có thay đổi công việc như thế nào, cuối cùng giá trị của mỗi cá nhân con người trong xã hội cũng được khẳng định bởi những cá nhân con người khác trong xã hội.

Điều kiện bất biến ở đây anh phải biết quan tâm tới những người xung quanh, phải biết xây dựng năng lực, cái khả năng sống và sống tốt, không phải chăm chăm vào cái máy mà quên đi cuộc sống thực tại. Cái sự quan tâm ở đây thể hiện ngay từ những điều nhỏ nhặt, gần gũi như trở thành người anh, người chị, người đồng nghiệp tốt. Mình cứ cư xử tốt với những người thân xung quanh mới hi vọng thành công dân toàn cầu tốt. Máy móc nó phát triển vượt trội hằng ngày hằng tuần, mình không thể nào vượt quá nó được. Giá trị bất biến của mình nằm ở việc sống tốt với những người xung quanh và có khả năng thích nghi với thay đổi. Và để làm được điều này trước hết cần sự bình tâm, không được hoảng loạn để trước mỗi tình huống mình mới có được giải pháp.

Phóng viên: Chúng ta kì vọng và tin tưởng vào một thế hệ trẻ chủ động hơn, sáng tạo hơn và lại mạnh mẽ hơn khi có sự hỗ trợ của công nghệ. Điều này không sai nhưng cũng có một thực tế khác đang hiển hiện trong thế hệ GenZ. Đó là điều kiện sống của các bạn tốt hơn, các bạn được bố mẹ bao bọc, chỉ dẫn, thậm chí quyết định hộ nhiều việc hơn. Việc tự định hướng tương lai, cụ thể như chọn nghề hướng nghiệp hình như phần đông các bạn vẫn khó có thể chủ động. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Trần Sĩ Chương: Chính xác! Đây là vấn đề của thế hệ. Tôi về nước hồi năm 90, có làm việc với thế hệ 7X và tôi viết một bài báo nhan đề “Thế hệ 7X là thế hệ vàng của Việt Nam” vì mấy em lớn lên phải chịu khổ. Tuy nhiên các em có may mắn ở thời điểm ra trường, bước vào đời thì đất nước đổi mới, đầu tư nước ngoài vào, nhiều thông tin, nhiều cơ hội việc làm...và vì họ biết cực nên ý chí vượt khó kinh khủng lắm. Các em 8X, 9X may mắn hơn khi điều kiện kinh tế khá giả hơn, bố mẹ lo đầy đủ hơn nhưng lại không có cơ hội nhiều như thế hệ trước. Tôi nghe nhiều cụm từ “thế hệ vượt sướng”. Nếu các em không biết nỗ lực thì sẽ bị đào thải.

Bằng cấp không quá quan trọng trong thế giới này

Phóng viên: Trong cuốn sách của mình, ở phần đầu ông đề cập tới việc xây dựng nội lực cho chính mình. Hiện nay các bạn trẻ nỗ lực học nhiều, học giỏi hơn. Điều này có phải chính là việc xây dựng “nội lực” hay còn những yếu tố nào khác để bước vào đời, bước vào thị trường lao động, thưa ông?

Ông Trần Sĩ Chương: Không, nội lực không phải ở thành tích. Nó nằm ở khả năng tự học. Bằng cấp sẽ không còn quá quan trọng nữa trong thế giới này. Như ông Bill Gate không cần người có bằng cấp bởi cá nhân ông cũng không có bằng đại học mà cần người làm được việc. Thái độ và tư duy, khả năng thích nghi với thay đổi và biết tự học làm yếu tố quyết định thành công cho người trẻ.

Phóng viên: Ở độ tuổi 15-18 như ông quan sát các bạn trẻ ở các quốc gia khác đã được trang bị hay đã có khả năng lựa chọn con đường đi cho tương lai bản thân chưa? Sở dĩ tôi hỏi câu này vì tham gia tìm hiểu công tác hướng nghiệp ở Việt Nam thì phần lớn đến thời điểm này ngoài học kiến thức nhà trường, hầu hết các bạn trẻ vẫn không thực sự biết năng lực, sở trường của bản thân gồm những gì để chọn ngành nghề phù hợp?

Ông Trần Sĩ Chương: Đó là vấn đề của phụ huynh. Tôi chỉ đưa ra một hình ảnh sẽ thấy ngay vấn đề của tuổi trẻ. Tôi mới ở Nha Trang, xuống biển nhìn thấy hai cảnh: Cặp vợ chồng người nước ngoài có đứa con mới tập đi, vẫn còn mặc tã. Đứa trẻ được thả bò trên bãi cát. Cát nóng nó la khóc, bố mẹ để yên, cát dính đầy người cũng để yên. Thằng bé nó phải tự bò ra chỗ cát mát. Đó là cách dạy nó xử lí vấn đề từ nhỏ.

Trong khi đó một gia đình người Việt có hai đứa khoảng 4,5 tuổi nhưng cha mẹ không cho làm bất cứ việc gì, che dù cho khỏi nắng, không được xuống nước... Vậy thì cứ nhìn hai hình ảnh đó, con mình làm sao mà cạnh tranh được với đứa trẻ đang bò kia khi mà nó phải tự xoay xở, tự giải quyết vấn đề. Đó là những kĩ năng cần thiết của thế giới trong tương lai trong khi con mình thì bao bọc.

Cá nhân tôi cũng vậy, không đến nỗi bao bọc như bây giờ nhưng khi qua Mỹ tôi ngã ngửa khi đến việc nấu chín quả trứng cũng không biết. Nhưng mình bị đẩy vào môi trường tự học nên khả năng sinh tồn mạnh mẽ hơn. Ý tôi không phải nói các em bây giờ không có khả năng sinh tồn nhưng khả năng tự học, tự chủ mà không tốt thì rất khó tự chủ cuộc đời và rất khổ khi 30,40 mà không biết tự lo cho mình.

Phóng viên: Và chính sự bao bọc như trong cuốn: “ Trò chuyện cùng GenZ” ông thừa nhận chính mình đã mất 7 năm để làm lại khi nhận thấy không phù hợp làm kĩ sư như truyền thống gia đình. Vậy với những bạn trẻ nhận thấy mình chọn sai ngay ở trường nghề hoặc đại học thì theo ông bạn ấy nên dừng để thay đổi ngay hay cứ đi nốt chặng đường ngắn còn lại rồi tính tiếp?

Ông Trần Sĩ Chương: Cũng tùy vào hoàn cảnh gia đình. Tôi may mắn hồi đó phải lo cho gia đình 10 người. Sau 4,5 năm thì mấy đứa em cũng tự lập được thì tôi mới có cơ hội bỏ đi tìm lại chính mình. Nhưng đơn giản với tôi là làm không tốt, không giỏi thì mình không chịu được. Đi tìm chính mình, biết mình là ai, muốn gì thì mới trở thành con người có giá trị cho xã hội.

Phóng viên: Những người trẻ hãy sẵn sàng để làm lại, chọn lại. Nếu không nhầm thì đó là chia sẻ của ông qua nhiều bài viết trong cuốn “Trò chuyện cùng GenZ”. Vậy thì trước đó, khi còn đi học, câu hỏi đặt ra là các bạn nên tập trung làm những gì để thay đổi khi cần thiết và kể cả khi làm đúng nghề thì vẫn phải thay đổi liên tục?

Ông Trần Sĩ Chương: Chắc chắn là như vậy. Vì ngay cả bây giờ mình hỏi các công ty lớn là hai năm, năm năm nữa các anh sẽ cần gì thì bản thân họ cũng không biết. Sự sinh tồn của một công ty bây giờ tùy vào khả năng thích nghi. Ví dụ như Nokia trước kia là công ty khổng lồ ở tầm thế giới, qua đêm biến mất. Sony hồi xưa kinh khủng trong làm ti vi, một ngày Samsung ở đâu lù lù đi ra. Mình đừng ngạc nhiên nếu một ngày Apple biến mất khỏi trái đất. Trí tuệ như thế, tiền của như thế họ còn chưa biết tương lai đi về đâu thì làm sao mình tiên lượng được vài năm tới họ sẽ thuê mình làm gì. Mình không biết và mình phải sẵn sàng cho tương lai đó bằng việc chuẩn bị năng lực để ứng phó với bất kì hoàn cảnh nào, thích nghi với cuộc sống. Tại sao ngày xưa một bà mẹ chồng hi sinh trong chiến trường, một mình nuôi 5,7 người con được? Phải tin vào năng lực thích nghi của dân tộc mình rất tốt trước những khó khăn của lịch sử. Bởi vậy tôi tin rằng thế giới đang cho mình một vận hội chưa từng có trong lịch sử.

"Chúng tôi chia sẻ cùng tác giả Trần Sĩ Chương một mối quan tâm đặc biệt với giới trẻ bởi vẫn nói họ là tương lai của đất nước nhưng cũng cần đặt câu hỏi liệu đó có phải là một khẩu hiệu không? Nếu không phải khẩu hiệu thì cần phải làm gì, cần phải hành động gì?

Và cuốn sách này ra đời như một hành động của chúng tôi, như một thông điệp mạnh mẽ gửi đến xã hội nói chung và các bạn trẻ nói riêng cùng kinh nghiệm của những người đi trước. Tất cả được đúc kết trong cuốn sách "Trò chuyện cùng Gen Z", giúp các bạn rút ngắn hành trình, tìm được bản thân mình, biết giá trị của mình ở đâu, đóng góp cho sự phát triển của xã hội như thế nào? - Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Xuất bản Khoa học và Giáo dục Thời Đại (TIMES).

Đừng quên giá trị của mình đặt ở đâu

Phóng viên: Thưa ông! Trong một bài viết và phần đầu cuộc trò chuyện ông nhắc tới thế hệ 7X với “khát vọng có được cơ hội để được làm gì đó”. Nhưng sang 9X, các bạn sẽ đặt điều kiện về mức lương “chừng này chừng kia”. Đặt được giá cho bản thân tôi nghĩ cũng là điều nên với người trẻ?

Ông Trần Sĩ Chương: Đúng chứ! Nhưng quan trọng theo tôi các bạn trẻ chưa biết thực sự giá trị của mình là gì. Giá trị của mình không phải do mình định mà do người khác định. Ví dụ mình có bằng tiến sĩ và cho rằng lương sẽ phải bao nhiêu. Chưa hẳn đâu nhé. Là vì mình phải làm ra được cái gì người ta mới “thối” lại cho mình một ít. Giả sử tôi trả cho cái bằng tiến sĩ đó 200 triệu/tháng. Nhưng chỉ trong vài tháng anh không đem lại cái lợi 600 triệu/tháng là nghỉ việc ngay. Thành thử tôi muốn quay lại câu chuyện phải biết quan tâm đến người khác, tạo giá trị cho người khác, bắt buộc họ phải trả mình xứng đáng.

Phóng viên: Nhưng cũng có một xu hướng xuất hiện trong các bạn trẻ những năm trở lại đây khi bản thân các bạn tốt nghiệp ở những trường, khối ngành top đầu hoặc những du học sinh tại chỗ, du học sinh trở về thường đặt bản thân quá cao với những yêu cầu về mức lương, về chế độ làm việc. Không ít ý kiến cho rằng đây là biểu hiện của ảo tưởng bản thân. Có cách nào để định vị được giá trị bản thân trong thị trường lao động không, thưa ông?

Ông Trần Sĩ Chương: Họ quên giá trị mình được đặt ở đâu. Thí dụ tôi thuê một anh ở Stanford hay Harvard về để phát triển một dự án ở Việt Nam. Giá trị gần như zero với tôi. Lí do, tôi thà thuê một em tốt nghiệp Kinh tế quốc dân hay đại học Ngoại thương làm phân tích tốt và hay nữa các em đi vào các đơn vị hành chính công làm giấy tờ, giải quyết các công việc khác nhau hay hơn một em ở Mỹ về chỉ biết nói tiếng Anh tốt. Trong khi tiếng Anh tốt bây giờ không phải là giá trị cao nữa. Thành thử mình phải biết đặt giá trị đúng người đúng chỗ.

Phóng viên: Vậy thì ông có chia sẻ gì với thế hệ trẻ như việc phải chuẩn bị những gì cho một thế giới bất định?

Ông Trần Sĩ Chương: Thứ nhất các bạn hãy bình tĩnh, đừng trầm cảm, đừng tìm ai chữa lành vì các bạn không phải khó khăn đặc biệt gì đâu. Các thế hệ trước cũng có những vấn đề của họ. Thứ 2 học những gì, làm những gì để hiểu chính mình hơn. Bởi hầu hết chúng ta đều ngộ nhận đã hiểu mình. Đây được xem như điều nguy hiểm nhất. Biết mình là ai mới biết mình muốn cái gì. Không biết bản thân sẽ dễ chạy theo trend. Bạn thích cái này thì mình cũng tưởng mình thích. Té ra không phải là mình. Đừng vấp như tôi, tận 25, 26 tuổi mới giật mình cái này không phải là mình và mất thêm nhiều năm để tìm được mình. Nhiều bạn chấp nhận để cứ đeo theo đó mà làm. Bạn thử nghĩ xem mình làm một chuyện không thích chỉ để sống nó khổ biết chừng nào.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn chuyên gia Kinh tế và Chiến lược phát triển doanh nghiệp Trần Sĩ Chương đã giành thời gian cho thính giả Chương trình Hành trang trẻ của VOV2!

-Ông Trần Sĩ Chương sinh ra ở Gia Hội, Huế; Lớn lên và tốt nghiệp Trường Trung học Võ Tánh (nay là Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng, Thành phố Nha Trang).

- Ông đỗ hạng ưu cả hai kỳ thi “Tú tài” với điểm Toán tuyệt đối nên được nhận Học bổng Quốc gia du học tại Mỹ từ năm 1973. Đã tốt nghiệp Trường Kỹ sư (Khoa Điện và Máy tính), Đại học University of California, Berkeley (1977); Trường Kinh tế và Chính trị học Luân Đôn (London School of Economics and Political Science, LSE, 1981); Trường Ngoại giao cấp cao (SAIS, 1986), Đại học Johns Hopkins, nơi ông đã được trao giải thưởng tốt nghiệp William Foster cho “thành tích lãnh đạo và học tập xuất sắc”.

- Ông từng là Kỹ sư Điện cho các công trình điện nguyên tử, năng lượng tái tạo (mặt trời và điện gió) tại bang California; và Kỹ sư thăm dò dầu khí (được đào tạo chuyên nghiệp bởi Công ty Exxon) tại Alaska, Hoa Kỳ.

- Sau khi được đào tạo sau đại học trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, chính trị và ngoại giao, ông đã công tác tại Quốc Hội Hoa Kỳ với chức vụ Trợ lý nghị sĩ cho các vấn đề ngoại giao và ngoại thương, đồng thời là Cố vấn cấp cao cho Ủy ban Ngân hàng, chuyên trách lĩnh vực kinh tế và chính sách tiền tệ.

-Sau đó ông là chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế tại các nước Đông Á trong vai trò Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Quốc tế James Riedel Associates tại Washington, D.C.

-Từ năm 1996, ông bắt đầu tham gia chương trình tiên phong nghiên cứu các chính sách phát triển thành phần kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Ông là đồng tác giả với GS. James Riedel từ Đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ báo cáo nghiên cứu đầu tiên (1997), bảo trợ bởi Ngân hàng Thế giới/IFC, JBIC (Nhật Bản) và VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam), đánh giá thành phần kinh tế tư nhân mới nổi ở Việt Nam và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển, đặc biệt cho các công ty vừa và nhỏ (SME).

-Từ năm 1997, ông bắt đầu tham gia thường xuyên vào “Nhóm Thứ Sáu” với các chuyên viên kinh tế trong và ngoài nước. Sau đó, ông xuất bản cuốn sách Nói chuyện làm ăn (Nhà xuất bản Trẻ, 2007), là một cuốn tạp bút ghi lại phần lớn những mẩu chuyện ông đã trao đổi trong “Nhóm Thứ Sáu” về các vấn đề liên quan đến phát triển đất nước thời bấy giờ.

-Ông từng “khởi nghiệp”, sáng lập và điều hành trên 10 doanh nghiệp tại Hoa Kỳ và Việt Nam trong các lĩnh vực tư vấn kinh tế tài chính, xây dựng, dịch vụ tài chính bất động sản, đầu tư bất động sản, y tế, giáo dục và năng lượng.

-Hiện nay ông là lãnh đạo (Sr. Partner) đại diện công ty 3Horizons (Anh Quốc) tư vấn các vấn đề tái cấu trúc chiến lược doanh nghiệp và hệ thống kế thừa tại khu vực Á Châu. Ông cũng tham gia một số chương trình hỗ trợ các công ty trẻ khởi nghiệp và là cố vấn cho Đại học Huế (Khoa Quốc tế, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, và Đại học Nghệ thuật), và Khoa Quản trị Kinh doanh thuộc Đại học Nha Trang.

Ý Dịu/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tuoi-tre-thoi-nao-cung-kho-khan-trong-chuyen-lua-chon-con-duong-post1128990.vov
Zalo