Tưới tiết kiệm: Bớt sức, tốt cây
Việc áp dụng hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã góp phần quan trọng vào việc giảm sức lao động, sử dụng hiệu quả nguồn nước và góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn và người dân kiểm tra mô hình tưới tiết kiệm nước có sự hỗ trợ của Nhà nước
Trồng đào cảnh được gần 20 năm, nhưng chưa bao giờ, chị Lương Thị Đua, thôn Nà Pán, xã Vũ Sơn (huyện Bắc Sơn) lại thấy việc chăm sóc cây đào lại nhẹ nhàng như hiện nay. Chị Đua chia sẻ: Hiện nhà tôi có 3 mẫu đất trồng đào với khoảng 3.000 cây đào cảnh các loại. Chăm sóc cây đào có nhiều công đoạn, nhưng khâu tưới cho cây là vất vả nhất, phải thực hiện thường xuyên từ khi mới trồng cho đến khi thu hoạch xong. Trước đây, để tưới nước cho cây, gia đình tôi phải kéo hệ thống đường ống dài, chằng chịt để tưới. Thời gian tưới cây đào mỗi ngày mất hơn 4 tiếng.
Năm 2024, được sự tuyên truyền, hỗ trợ của Nhà nước, gia đình tôi đã đối ứng thêm kinh phí để lắp đặt hệ thống tưới phun tự động. Giờ đây, thay vì vất vả như trước, chỉ cần bật công tắc, hệ thống tưới tự động vận hành cung cấp đầy đủ nước tưới cho cây. Hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm không chỉ giúp tiết giảm rất nhiều thời gian cho gia đình mà qua kiểm tra thực tế, lượng nước tưới cho cây chỉ bằng 50% so với trước đây mà cây trồng vẫn đảm bảo sinh trưởng và phát triển tốt.

Bà Hoàng Thị Thu Thủy, Trưởng Phòng Quản lý Tài nguyên nước, Sở Nông nghiệp và Môi trường
“Thực hiện Nghị quyết 09 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Tuy nhiên số lượng mô hình đã hỗ trợ còn ít. Thời gian tới, phòng chuyên môn tiếp tục tham mưu, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung tuyên truyền để đưa chính sách hỗ trợ đến người dân; tập trung rà soát, cập nhật, điều chỉnh các hướng dẫn cho phù hợp với quy định và điều kiện của tỉnh để dễ thực hiện, dễ áp dụng; thực hiện các nội dung liên quan đến trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ thẩm định đối với các mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước.”
Nhận thấy hiệu quả từ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, gia đình ông Quách Dương Duy, thôn Chục Quan, xã Yên Vượng (huyện Hữu Lũng) đã chủ động tìm hiểu, đầu tư. Ông Duy chia sẻ: Gia đình tôi bắt đầu trồng na từ khoảng năm 1992, đến nay gia đình có khoảng 800 cây. Trước đây, việc tưới cho cây rất vất vả do vườn rộng, đường dẫn nước xa, mất nhiều thời gian. Hơn nữa việc tưới trực tiếp bằng đường ống to gây lãng phí nước, đất bị chai cứng ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.
Năm 2024, sau khi tìm hiểu mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở nhiều nơi cũng như trên các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình ông Duy đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới phun phủ gốc. Để tiết kiệm chi phí, gia đình đặt mua thiết bị và tự tìm hiểu lắp đặt. Đến nay, hệ thống tưới tiết kiệm vận hành trơn tru. Không chỉ tưới nước, hệ thống tưới tiên tiến tự động của gia đình ông Duy còn tích hợp tính năng châm phân tự động. Ông Duy cho biết: Việc lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm không chỉ tiết giảm thời gian chăm sóc cây na mà còn giải quyết vấn đề chai đất, đặc biệt là lượng nước tưới giảm đến trên 40%.
Cùng với 2 mô hình kể trên, trong những năm qua, nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã triển khai lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm. Hiện trên địa bàn tỉnh có 3 hình thức tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng gồm: tưới phun, tưới nhỏ giọt bình thường và tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Hằng năm, Sở phối hợp với UBND các huyện, thành phố tuyên truyền về chính sách tưới tiên tiến, tiết kiệm nước theo Nghị quyết 09 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh. Đồng thời các cấp, ngành liên quan lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân phát triển mở rộng diện tích cây ăn quả cũng như xây dựng, nhân rộng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm.

Ông Phạm Bá Hạnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bắc Sơn
“Hiện trên địa bàn huyện có 31 mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, trong đó các mô hình này chủ yếu có sự hỗ trợ của Nhà nước. Các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cây trồng. Trên thực tế, nhu cầu để triển khai mô hình tưới tiết kiệm nước của người dân còn cao, nhất là các hộ trồng cây ăn quả có múi, cây đào cảnh…Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực nên nhiều hộ dân vẫn chưa áp dụng được mô hình tưới tiết kiệm. Thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các trường hợp có nhu cầu tiếp cận các chính sách hỗ trợ, từ đó giúp người dân xây dựng các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước hiệu quả.”
Qua tổng hợp từ các huyện, thành phố, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 650 mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước với diện tích tưới gần 740 ha (trong đó chủ yếu người dân chủ động lắp đặt). Trong đó mô hình tưới tiết kiệm nước chủ yếu được áp dụng cho vườn ươm giống cây lâm nghiệp, rau, củ, cây ăn quả có múi, cây na, hồng…
So với hình thức tưới thông thường, tưới tiết kiệm giúp tiết kiệm 30-50% lượng nước; hạn chế sự bốc hơi và thất thoát nước, giúp giữ độ ẩm đất, không gây úng cục bộ như tưới tràn; giảm thất thoát phân bón; giảm công lao động. Ngoài ra hình thức tưới này còn điều chỉnh được theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, giúp bộ rễ khỏe, giảm tỉ lệ sâu bệnh hại. Bên cạnh đó, hệ thống tưới tiết kiệm nước không tạo thành dòng chảy nên tránh xói mòn đất, giúp cây phát triển tốt trong thời tiết khắc nghiệt và thiếu nước. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Điển hình như năm 2024, năng suất na đạt 103,25 tạ/ha (tăng gần 4 tạ/ha so với năm 2021); sản lượng cây có múi năm 2024 đạt gần 17.000 tấn, tăng hơn 1.100 tấn so với năm 2021...
Mặc dù thấy rõ được những hiệu quả từ mô hình tưới tiết kiệm mang lại, song trên thực tế, số diện tích cây trồng được tưới tiết kiệm vẫn còn ít. Nguyên nhân là do thông tin về tưới tiết kiệm, công tác chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn cho người dân còn hạn chế. Bên cạnh đó chi phí đầu tư ban đầu cho mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước còn cao...
Việc triển khai mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã phát huy hiệu quả, nhất là đối với những vùng khó khăn về nguồn nước hoặc vào những thời điểm thời tiết khô hạn kéo dài. Chính vì vậy bên cạnh sự chủ động của người dân, các cấp, ngành liên quan tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ để mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ngày càng được nhân rộng. Từ đó góp phần vào việc sử dụng nguồn nước tưới hợp lý, hiệu quả, bớt sức lao động của người dân cũng như nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn.