Tuổi già và những... âu lo

Bước vào tuổi già, những tưởng được nghỉ ngơi, quây quần bên cháu con thì nhiều người cao tuổi phải đối mặt với không ít âu lo. Từ chuyện chăm sóc sức khỏe, tài chính, rồi cả nỗi cô đơn...

Vì những hoàn cảnh khác nhau, nhiều người cao tuổi lựa chọn đăng ký nuôi dưỡng tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa.

Vì những hoàn cảnh khác nhau, nhiều người cao tuổi lựa chọn đăng ký nuôi dưỡng tự nguyện tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa.

1. Ông Thược là người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn. Người làng tôi vẫn nói với nhau, dường như cả cuộc đời ông chưa được một ngày thảnh thơi. Vợ ông quanh năm ốm yếu, người con trai duy nhất lại có vấn đề về sức khỏe tâm thần, thành thử suốt bao nhiêu năm qua, kinh tế của cả gia đình một mình ông gánh. Ở tuổi 70, người ta thì đã nghỉ ngơi, còn ông Thược thì vẫn mỗi ngày cặm cụi với mấy sào ruộng, lúc nông nhàn ai thuê gì làm đó. Thực tình, người làng vì thương ông mới thuê, chứ ông thì chân chậm, mắt cũng bắt đầu mờ, đâu còn nhiều sức khỏe nữa để mà làm việc.

Có lẽ, cuộc đời đã quen với vất vả, nên chẳng mấy khi người ta thấy ông thở than, kêu khổ. Có điều, ông cũng không giấu âu lo. Ông lo một ngày mình bị bệnh, lo không thể đi làm, lo nếu chẳng may ông “đi trước” thì biết ai sẽ lo cho bà và người con trai...?!

Bà Én cũng là một hoàn cảnh nhiều khó khăn. Chồng bà mất sớm, hai người con trai bươn chải làm ăn trong Nam, ngoài Bắc. Thành thử, nhiều năm qua bà vẫn sống một mình. Không có lương hưu, hằng ngày để có tiền đong gạo, mua thức ăn, ngoài ruộng đồng, bà Én còn lên đồi kiếm củi, đóng thành từng bó để bán. Cho đến một ngày, bà Én bị đột quỵ. May có người hàng xóm phát hiện kịp thời, đưa bà đến viện. Sau hơn nửa năm điều trị, toàn bộ số tiền tiết kiệm còm cõi suốt bao năm của bà Én đã không còn. Và dù không phải nằm liệt một chỗ nhưng bà chỉ có thể đi lại tập tễnh với chiếc gậy chống đỡ.

Trong câu chuyện tâm tình với người xung quanh, bà Én chẳng giấu được sự âu lo về những tháng ngày sắp tới của mình. Không tiền bạc tích lũy, sức khỏe yếu, các con cũng nhiều khó khăn... Rồi đây, mọi thứ sẽ ra sao?!

Tất nhiên, với những hoàn cảnh như ông Thược, bà Én thì người xung quanh chẳng ai trách họ tại sao những năm tháng còn khỏe không có tích lũy. Bởi ai cũng hiểu, cuộc sống mưu sinh thường ngày với họ cũng thật nhiều nhọc nhằn. Để rồi, tuổi già ập đến, bệnh tật xảy ra, họ - những người cao tuổi vẫn phải loay hoay xoay xở cuộc sống của mình.

Nhắc đến câu chuyện về những người cao tuổi, tôi nhớ đến đôi vợ chồng ông Đình, bà Tiệc ở xã Xuân Giang (Thọ Xuân). Đôi vợ chồng già sống ở làng quê yên bình có một chuyện tình thật đẹp. Để đến nay, sau hơn 60 năm nghĩa vợ chồng, ông bà vẫn dành cho nhau sự trân quý, thương yêu người bạn đời. Thậm chí, khi vui, lúc buồn, ông bà còn đàn hát cho nhau nghe.

Tuy nhiên, cũng như nhiều người già khác, ông Đình, bà Tiệc không có lương hưu. Ngoài số tiền trợ cấp xã hội dành cho người cao tuổi thì hằng ngày, ở tuổi gần 90, ông bà vẫn cần mẫn đan lát thủ công để có thêm chi phí trang trải cuộc sống. Ông bà chia sẻ: “Làm để có thêm đồng ra, đồng vào nhưng làm việc cũng là để thấy mình là người có ích cho xã hội”.

Và ở tuổi “gần đất xa trời”, ăn uống chẳng được bao nhiêu nên nỗi âu lo của ông bà không phải chuyện cơm áo gạo tiền mỗi ngày, mà là chuyện ốm đau, bệnh tật, sợ phải đi viện...

2. Có thời gian dài làm công tác xã hội, gắn bó với người cao tuổi, chị Đỗ Thị Liên, Tổ trưởng tổ công tác xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa) chia sẻ: Trong số những người cao tuổi đang sống và được chăm sóc tại Trung tâm Bảo trợ xã hội số 2 Thanh Hóa, bên cạnh những người là đối tượng bảo trợ xã hội thì cũng có nhiều trường hợp người cao tuổi vào trung tâm theo diện đăng ký nuôi dưỡng tự nguyện. Có người vì con cái ở xa, dù không thiếu thốn về kinh tế nhưng lại không tiện chăm sóc; lại có người vì sống với con cháu không hợp... Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau. Khi bước vào tuổi già, hẳn ai cũng muốn được sống vui sống khỏe sống có ích, được quây quần, nhàn nhã bên cháu con, được con cháu lắng nghe, thấu hiểu. Tuy nhiên, khi người ta già đi, cùng với sức khỏe suy giảm thì người cao tuổi phải đối mặt với nhiều vấn đề như ốm đau; thay đổi tính nết, lo lắng sẽ trở thành gánh nặng cho con. Chưa kể, nhiều người có tuổi thường hay suy nghĩ, chỉ vài câu nói tưởng vô ý của con cái cũng khiến các cụ có thể... mất ngủ. Vì vậy, đối với người cao tuổi, ngoài chuyện kính trọng, yêu thương thì cũng rất cần ở con cái, người chăm sóc sự cảm thông, thấu hiểu.

Dù đã ở tuổi “gần đất xa trời”, ông Đình, bà Tiệc vẫn cần mẫn làm việc mỗi ngày.

Khi về già, người cao tuổi thường phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Các bệnh thường gặp như: Tim mạch; cơ xương khớp; tiểu đường; rối loạn chức năng hệ tiết niệu; rối loạn thị lực; bệnh tiêu hóa; suy giảm trí nhớ, sa sút trí tuệ; lo âu, trầm cảm... ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của người cao tuổi.

Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có khoảng gần 600.000 người cao tuổi, trong đó có 489.000 người là hội viên hội người cao tuổi. Tỷ lệ người cao tuổi tại Thanh Hóa là trên 13%, cao hơn trung bình cả nước. Ông Đỗ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh, cho biết: “Khi người ta già đi cũng là lúc phải đối mặt với nhiều vấn đề. Có người trước đó đã cẩn thận “chuẩn bị” cho mình một tương lai về già khá chu toàn, song cũng có những người bước vào tuổi già một cách “bị động”, nhiều khó khăn. Và trong rất nhiều vấn đề của người cao tuổi hiện nay, có lẽ câu chuyện về tài chính vẫn là điều quan trọng. Nếu người cao tuổi không có tài chính, con cái lại thiếu sự quan tâm, chăm sóc cần thiết, đúng mức thì cuộc sống thực sự rất khó khăn, nhiều muộn phiền. Hiện nay, dù Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm đến đối tượng là người cao tuổi với những chính sách thiết thực. Tuy nhiên, câu chuyện chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi, trách nhiệm quan trọng nhất, vẫn là ở mỗi gia đình”.

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/tuoi-gia-va-nhung-au-lo-33282.htm
Zalo