Tuổi của mặt trăng có thể lớn hơn ước tính hiện tại
Một nghiên cứu mới được công bố vào thứ tư ngày 18/12 cho thấy tuổi của mặt trăng lớn hơn từ 80 triệu đến 180 triệu năm so với con số xác định hiện tại.
Nghiên cứu trên được công bố trên tạp chí Nature ngày 18/12, nội dung nghiên cứu cho biết các mẫu đá được thu thập từ bề mặt mặt trăng trước giờ không được diễn giải chính xác, và tuổi thật của mặt trăng có thể lớn hơn rất nhiều con số đang được xác định hiện tại.
Cụ thể, ba nhà nghiên cứu đến từ Mỹ, Pháp và Đức lập luận rằng 4,35 tỉ năm trước, mặt trăng từng di chuyển gần quanh trái đất theo quỹ đạo trái đất tầm cao. Các nhà nghiên cứu cho biết: Trong thời gian này, lực thủy triều mạnh của trái đất nhanh chóng làm nóng mặt trăng, khiến nó giải phóng một lượng lớn mắc-ma ra bề mặt. Họ lập luận hầu hết các mẫu đá lấy từ bề mặt mặt trăng phản ánh sự nguội đi của mắc-ma này chứ không phản ánh sự hình thành thực sự của mặt trăng.
Theo lí giải của các nhà nghiên cứu, cách đây khoảng 4,5 tỉ năm, ngay sau khi trái đất hình thành, nó va chạm với một thiên thể có kích thước bằng sao Hỏa có tên là Theia. Vụ va chạm làm bắn một lượng lớn đá nóng sáng từ lớp vỏ và lớp manti của hai thiên thể vào không gian, và một số tàn dư từ vụ va chạm này hình thành nên mặt trăng.
Trước đây, các mẫu đá được các phi hành gia thực hiện sứ mệnh lên mặt trăng Apollo đầu tiên và một loạt các sứ mệnh không người lái khác mang về cho thấy bề mặt của mặt trăng đã nguội đi cách đây 4,35 tỉ năm. Đây được cho là tuổi của mặt trăng.
Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các tinh thể khoáng vật zircon trong đá từ mặt trăng có tuổi còn lớn hơn con số trên, khiến dấy lên nghi ngờ về số tuổi của mặt trăng đang được xác định hiện tại.
Trong nghiên cứu của mình, Francis Nimmo, Thorsten Kleine và Alessandro Morbidelli cho rằng mặt trăng có tuổi đời từ 4,43 đến 4,53 tỉ năm. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng lời giải thích này phù hợp hơn với các mô hình động lực học về sự hình thành hành tinh trong hệ mặt trời.