Từng là hung thần chiến trường, drone đang đối mặt với kẻ thù nguy hiểm nhất

Khi các hệ thống máy bay không người lái (UAS) ngày càng phổ biến và trở thành vũ khí chủ lực trong nhiều cuộc xung đột, câu hỏi đặt ra là: Liệu thời kỳ thống trị của drone có đang đi đến hồi kết?

Chuyên gia chiến lược người Mỹ Mark T. Kimmitt nhận định sự suy giảm của drone không còn là dự đoán, mà đã bắt đầu diễn ra.

Thực tế, công nghệ chống UAS, gọi tắt là C-UAS, đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, giúp phát hiện và vô hiệu hóa các thiết bị bay không người lái đang hoạt động. Sự trỗi dậy của công nghệ này phần nào lý giải cho xu hướng suy giảm hiệu quả chiến đấu tuyệt đối của drone.

"Drone swarm" (bầy drone), một nhóm lớn các máy bay không người lái hoạt động cùng nhau như một hệ thống thống nhất, phối hợp để hoàn thành một mục tiêu chung - Ảnh: Eurasian Times

"Drone swarm" (bầy drone), một nhóm lớn các máy bay không người lái hoạt động cùng nhau như một hệ thống thống nhất, phối hợp để hoàn thành một mục tiêu chung - Ảnh: Eurasian Times

UAS, UAV và drone là các thuật ngữ thường được sử dụng trong lĩnh vực hàng không không người lái, nhưng chúng có những ý nghĩa khác nhau.

UAS (Unmanned Aerial System - hệ thống hàng không không người lái)là thuật ngữ chỉ toàn bộ hệ thống bao gồm máy bay không người lái (UAV), trạm điều khiển mặt đất, hệ thống liên lạc, phần mềm điều khiển và các thiết bị hỗ trợ khác như cảm biến, camera... Đây là một khái niệm tập trung vào hệ thống tổng thể chứ không chỉ riêng chiếc máy bay, bao gồm đầy đủ các thành phần phần cứng, phần mềm và giao tiếp dữ liệu cần thiết để vận hành. Ví dụ, một hệ thống UAS có thể bao gồm một UAV, trạm điều khiển từ xa và hệ thống định vị GPS để thực hiện nhiệm vụ giám sát.

UAV (Unmanned Aerial Vehicle - phương tiện hàng không không người lái) là phần máy bay không người lái trong hệ thống UAS, tức chính là thiết bị bay không có phi công điều khiển trực tiếp trên khoang. UAV chỉ đề cập đến phương tiện bay (phần cứng), không bao gồm các hệ thống điều khiển, liên lạc hay thiết bị hỗ trợ khác; thường được điều khiển từ xa hoặc hoạt động tự động theo chương trình được lập sẵn.

Drone là thuật ngữ phổ biến thường được sử dụng để chỉ các UAV hoặc UAS trong ngôn ngữ thông thường, đặc biệt trong các ngữ cảnh dân sự hoặc thương mại. Đây là cách gọi chung, không mang tính kỹ thuật như UAV hay UAS, và có thể ám chỉ bất kỳ thiết bị bay không người lái nào từ các mẫu thương mại nhỏ như DJI Phantom đến các hệ thống quân sự phức tạp.

Drone - vũ khí biểu tượng đang bị thách thức

Từ Ukraine năm 2022 đến Gaza năm 2023, drone đã trở thành biểu tượng mới của chiến tranh hiện đại nhờ khả năng tác chiến hiệu quả, chi phí thấp và tích hợp AI để tự động hóa các nhiệm vụ trinh sát, tấn công hoặc phối hợp theo bầy đàn. Một drone giá 500 USD có thể gây thiệt hại hàng triệu USD cho đối phương.

Tuy nhiên, với các cuộc đụng độ gần đây giữa Ấn Độ - Pakistan, Iran - Israel hay chiến sự tại Ukraine, ngày càng có nhiều drone bị bắn hạ, cho thấy sự dễ tổn thương của loại vũ khí từng được coi là “bất khả chiến bại”.

Đây cũng là quy luật tất yếu của chiến tranh: vũ khí mới sinh ra luôn kéo theo công nghệ phản công. Như trong lịch sử, máy bay ném bom từng được coi là không thể ngăn chặn, nhưng sau đó radar, súng phòng không và máy bay tiêm kích đã thay đổi cục diện.

Công nghệ C-UAS - vũ khí phản công hiệu quả

Theo Eurasian Times, công nghệ chống drone hiện gồm 2 nhóm chính gồm phát hiện và ngăn chặn. Hệ thống radar và cảm biến sóng vô tuyến (RF) giúp xác định vị trí drone, kể cả trong môi trường đô thị hoặc nhiễu cao. Khi kết hợp RF và radar, người dùng có thể tạo ra một lớp phòng không đa tầng hiệu quả.

Công nghệ chống drone (C-UAS) đang phát triển mạnh, làm suy yếu ưu thế UAV và thay đổi chiến trường hiện đại - Ảnh: Eurasian Times

Công nghệ chống drone (C-UAS) đang phát triển mạnh, làm suy yếu ưu thế UAV và thay đổi chiến trường hiện đại - Ảnh: Eurasian Times

Biện pháp ngăn chặn phổ biến nhất là gây nhiễu tín hiệu điều khiển giữa drone và người vận hành. Các biện pháp này chia thành hai nhóm.

Tác động mềm (soft kill): Dùng thiết bị gây nhiễu, giả mạo tín hiệu hoặc chiếm quyền điều khiển drone khi đang bay.

Tác động cứng (hard kill): Phá hủy drone bằng đạn, lưới, tên lửa hoặc một drone khác.

Là mục tiêu thường xuyên của các cuộc tấn công bằng UAV từ Trung Đông, Israel đã phát triển một hệ thống phòng không đa lớp như Iron Dome, David’s Sling và Arrow. Trong lĩnh vực chống drone, họ đã nâng cấp hệ thống laser Iron Beam-M và phát triển Lite Beam, vũ khí laser năng lượng cao 10kW lắp trên xe thiết giáp, có thể tiêu diệt 10 mục tiêu cùng lúc trong bán kính vài cây số.

Ngoài laser, Israel còn kết hợp nhiều công nghệ khác như chiến tranh điện tử để gây nhiễu và chiếm quyền điều khiển drone; cảm biến và radar chuyên biệt nhằm tối ưu hóa khả năng phát hiện các UAV nhỏ và bay chậm; trí tuệ nhân tạo và học máy giúp tự động nhận diện mục tiêu và hỗ trợ phân tích mối đe dọa; hợp tác quốc tế với Mỹ trong phát triển và chia sẻ công nghệ chống drone; cùng với việc điều chỉnh chiến thuật liên tục dựa trên kinh nghiệm thực chiến để cập nhật các phương án đối phó hiệu quả.

Các nỗ lực toàn diện chống drone của một số quốc gia

Bộ Quốc phòng Mỹ tháng này đã công bố thành lập lực lượng liên cơ quan để đối phó với các mối đe dọa từ drone, tương tự cách Mỹ từng xử lý bom cài ven đường (IED) trong chiến tranh Afghanistan - Iraq.

Quân đội Mỹ đã bổ sung hạng mục ngân sách riêng cho C-UAS, nhằm theo kịp tốc độ phát triển công nghệ. Mục tiêu là tạo ra khả năng phản ứng linh hoạt với các mối đe dọa mới nổi.

Tại châu Á, Công ty Solar Defence - Aerospace Limited (SDAL) của Ấn Độ cũng vừa thử nghiệm thành công hệ thống chống drone giá rẻ Bhargavastra tại bãi bắn Gopalpur ngày 14.5. Hệ thống hoạt động theo mô hình “hard kill”, sử dụng rocket siêu nhỏ không dẫn đường ở lớp đầu tiên, và tên lửa dẫn đường ở lớp thứ 2 để tiêu diệt UAV từ khoảng cách 2,5km.

Bhargavastra được thiết kế để triển khai tại nhiều địa hình, bao gồm cả vùng núi cao trên 5.000m. Hệ thống có kiến trúc mở, tích hợp cả biện pháp “soft kill” như gây nhiễu và giả mạo tín hiệu, giúp tạo lớp phòng thủ tích hợp cho các lực lượng. Radar của hệ thống phát hiện mục tiêu từ 6 - 10km, trong khi cảm biến quang học - hồng ngoại hỗ trợ nhận diện chính xác vật thể nhỏ.

Trung tâm chỉ huy được tích hợp công nghệ C4I hiện đại, cho phép hoạt động hiệu quả trong chiến tranh mạng lưới (network-centric warfare).

Tất cả những phát triển nói trên cho thấy, công nghệ C-UAS đang trở thành một lĩnh vực chiến lược mới. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa rằng mối đe dọa từ drone sẽ biến mất. Bản thân drone cũng đang được cải tiến để vượt qua các hệ thống phòng thủ.

Như Mark T. Kimmitt đã chỉ ra, “giống như nhiều vũ khí kỳ diệu từng được coi là cách mạng và vô địch, thời kỳ đỉnh cao của drone đã qua”.

Tuy vậy, thị trường chống drone toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng từ 4,48 tỉ USD năm 2025 lên 14,51 tỉ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 26,5%.

Hoàng Vũ

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tung-la-hung-than-chien-truong-drone-dang-doi-mat-voi-ke-thu-nguy-hiem-nhat-235000.html
Zalo