Từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh
Theo Cục CSGT, Bộ Công an, từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên cả nước đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nề nếp…
Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168/2024). Sau hơn 20 ngày thực hiện, tình hình TTATGT trên cả nước đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí, giao thông đi vào nề nếp…Để hiểu rõ hơn về kết quả bước đầu và những khó khăn, vướng mắc tác động đến việc thực hiện Nghị định 168/2024, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an.
Phóng viên: Thưa đồng chí, trong những ngày qua, dư luận và người dân đang rất quan tâm về những quy định mới trong Nghị định 168, đặc biệt là việc nâng mức xử lý vi phạm hành chính các hành vi vi phạm giao thông. Đồng chí có thể cho biết hoàn cảnh để Nghị định này được "ra đời" và có hiệu lực?
Đại tá Phạm Quang Huy: Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Nghị định 168/2024).
Sau những ngày đầu thực hiện, Nghị định này đã có những tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông; đồng thời, qua đó cũng đã bộc lộ một số vướng mắc về thực trạng tổ chức giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông và quy hoạch hạ tầng.
Trong những năm qua, công tác bảo đảm TTATGT đã được Đảng, Nhà nước, Bộ Công an quan tâm, chỉ đạo thực hiện quyết liệt bằng nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng. Qua đó, công tác này đã đạt được nhiều kết quả nhất định, tình hình TTATGT có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông được kiềm chế, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn từng bước được khắc phục, bảo đảm giao thông thông suốt và tuyệt đối an toàn cho các sự kiện quan trọng của quốc gia, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực trên chưa thực sự bền vững, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông có chuyển biến nhưng chưa căn bản, số trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT còn ở mức cao.
Tôi lấy ví dụ, từ năm 2020 tới 2024, CSGT cả nước đã xử phạt hơn 17 triệu trường hợp vi phạm; số vụ, số người chết do tai nạn giao thông tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Cụ thể, từ năm 2020 đến 2024, cả nước xảy ra 96.473 vụ, làm chết 49.031 người, bị thương 67.505 người; tính trung bình mỗi năm có hơn 9.800 người chết.
Ngoài ra, giao thông hỗn hợp (ô tô và xe máy, xe thô sơ) cùng lưu thông trên đường, trong khi tổ chức giao thông, phân làn giao thông còn nhiều bất hợp lý; ùn tắc giao thông tại các thành phố, đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội vào các giờ cao điểm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, gây bức xúc trong xã hội…
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó, một trong những nguyên nhân chính là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông vẫn còn mang tính “tùy tiện” và “nhờn luật”. Do đó, việc tăng mức chế tài xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, nguy cơ tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng về người, hủy hoại kết cấu hạ tầng giao thông là điều cần thiết.
Phóng viên: Đồng chí cho biết, những tác động của Nghị định 168/2024 đến ý thức của người dân như thế nào?
Đại tá Phạm Quang Huy: Nghị định 168/2024 ban hành nâng mức xử lý vi phạm hành chính với nhiều hành vi vi phạm, đã tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, của chủ phương tiện. Các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng CAND thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT đều xác định quan điểm rằng, việc nâng mức xử lý vi phạm hành chính để răn đe giáo dục một bộ phận nhỏ người dân tham giao thông ý thức chưa tốt. Đồng thời khích lệ, động viên và bảo vệ đại đa số người tham gia giao thông, bảo vệ cái quý nhất là tính mạng, sức khỏe con người. Đã đến lúc cần phải thay đổi những thói quen xấu khi tham gia giao thông, làm méo mó hình ảnh văn minh đô thị, hình ảnh của đất nước. Đối tác nước ngoài họ đánh giá thấp hoặc lo sợ khi đi ra đường cũng làm giảm nhu cầu đầu tư nước ngoài.
Tai nạn cướp đi nhiều nhân lực quý giá của đất nước; hệ lụy làm bao nhiêu người đang cống hiến cho xã hội lại trở thành người khuyết tật khiến bao gia đình phải chăm lo, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Mỗi người tham gia giao thông chỉ cần hình thành thói quen như tuân thủ tín hiệu đèn giao thông, không vượt ẩu, không uống rượu bia thì sẽ giảm tai nạn giao thông, nâng cao chỉ số an toàn khi tham gia giao thông và luôn nhớ nhà là nơi để về…
Phóng viên: Từ khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực tới nay, tình hình TTATGT trên cả nước đã có những chuyển biến như thế nào, thưa Đại tá?
Đại tá Phạm Quang Huy: Sau 19 ngày thực hiện Nghị định 168/2024 (từ ngày 1/1 đến 19/1), lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 230.672 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, 17.902 trường hợp giấy phép lái xe bị trừ điểm.
Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là 46.828 trường hợp; 3.714 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng; 50.144 trường hợp vi phạm tốc độ; 432 trường hợp người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; 4085 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông. So với thời gian trước liền kề, việc xử phạt đã giảm 18.122 trường hợp (giảm 7,3%).
Qua tổng hợp, đánh giá kết quả xử lý các vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ cho thấy, số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt là nhóm các vi phạm dễ dẫn tới tai nạn giao thông như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, vi phạm nồng độ cồn giảm 13,5%, vi phạm tải trọng, cơi nới thành thùng xe giảm 34,5%.
Tình hình tai nạn giao thông cũng đã có chuyển biến rõ rệt, tai nạn giao thông đường bộ giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 995 vụ, làm 534 người chết, 656 người bị thương; so với thời gian trước cùng kỳ, giảm 430 vụ (giảm 30,2%), giảm 32 người chết (giảm 5,6%), giảm 522 người bị thương (giảm 44,3%); so với thời gian trước liền kề giảm 231 vụ (giảm 18,8%), giảm 100 người chết (giảm 15,7%), giảm 164 người bị thương (giảm 20%)….
Phóng viên: “Bộ mặt” giao thông đã thay đổi như thế nào sau khi thực hiện Nghị định 168/2024, thưa đồng chí?
Đại tá Phạm Quang Huy: Việc thực hiện Nghị định 168/2024 đã tác động mạnh đến ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, thay đổi được căn bản ý thức tuân thủ pháp luật, được nhiều người dân đánh giá tác động hiệu quả.
Tôi lấy ví dụ như việc quy định phải đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, và việc cấm sử dụng, đốt pháo nổ những năm trước đây, hay thời gian qua, CSGT đã xử lý vi phạm nồng độ cồn, xử lý xe quá tải, cơi nới thùng thành… Qua đó, đã hình thành thói quen chấp hành pháp luật của người dân. Nghị định 168 không chỉ tập trung vào việc xử phạt vi phạm, mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người già và trẻ em, như quy định nhường đường cho người đi bộ, quy định về việc sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em trong ô tô…Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Bên cạnh đó, việc trừ điểm trên giấy phép lái xe đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp tục điều khiển phương tiện, khi có hành vi vi phạm giao thông mà chưa bị trừ hết điểm, đảm bảo cuộc sống hằng ngày, vừa tự quản lý, ý thức về số điểm còn lại để tham gia giao thông một cách chủ động, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, xã hội. Thực tế cho thấy, từ ngày 1/1, có thể thấy rõ bộ mặt giao thông đã thay đổi nhiều theo chiều hướng tích cực, tình trạng người điều khiển phương tiện vượt đèn đỏ, đi trên vỉa hè, đi ngược chiều của đường một chiều…đã giảm rõ rệt, nhất là tại các đô thị lớn.
Người tham gia giao thông đã tự giác chấp hành đèn tín hiệu giao thông kể cả khi không có lực lượng CSGT kiểm tra, kiểm soát, đã dần thay đổi về nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng công dân, từng bước hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, tạo hình ảnh giao thông văn minh.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!