Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Những năm qua, hoạt động dạy và học bằng ngoại ngữ được áp dụng ở nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước, nhất là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Đây là một trong những yêu cầu đặt ra của ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) trước yêu cầu hội nhập của đất nước. Tuy nhiên, muốn dạy học bằng ngoại ngữ, giáo viên cần phải được trang bị vốn kiến thức ngoại ngữ chuyên sâu về môn học và cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho giáo viên. Trên thực tế, không phải địa phương nào cũng làm tốt hoạt động dạy, học bằng ngoại ngữ, vì nhiều lý do khác nhau.

Tại Quảng Trị, ngoài giáo viên dạy môn Tiếng Anh có rất ít giáo viên dạy tiếng Anh cho các môn học khoa học tự nhiên, xã hội. Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Quảng Trị là đơn vị tiên phong, đi đầu trong tỉnh về việc dạy tiếng Anh cho một số môn học trong trường. Hơn mười năm trước, từ năm học 2013-2014, thầy giáo Nguyễn Trí Nguyên đã tiên phong thử nghiệm dạy môn Hóa bằng tiếng Anh cho học sinh chuyên Hóa và môn Hóa cơ bản khối chuyên Anh của trường với thời lượng sử dụng 100% tiếng Anh trong tiết dạy.

Việc làm này nhận được sự ủng hộ của nhà trường, học sinh và phụ huynh. Nhằm giúp việc dạy và học được thuận lợi, từ đầu mỗi năm học, thầy giáo này hướng cho học sinh tiếp cận với tiếng Anh liên quan đến môn học của mình. Đây là một công việc khó khăn vì vừa phải dạy bằng tiếng Anh, vừa phải bảo đảm yêu cầu về chất lượng giáo dục môn học nhưng phù hợp với yêu cầu đòi hỏi hội nhập tri thức ngày càng cấp bách. Vì thế, việc dạy tiếng Anh môn tự nhiên tạo được sự hứng thú cho học sinh, khí thế học tập của các em sôi nổi hẳn lên.

Ở Tổ khoa học Tự nhiên, việc giáo viên dạy tiếng Anh cho các môn học luôn được nhà trường khuyến khích. Mục tiêu của nhà trường là phải quyết tâm sớm thực hiện dạy học hoàn toàn bằng tiếng Anh nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển.

Đổi mới này ban đầu tuy khó khăn nhưng bằng sự cố gắng của thầy và trò đã mang đến nhiều thú vị, mới mẻ trong môn học, giúp học sinh có thêm hứng thú học tập. Đến nay việc dạy tiếng Anh các môn tự nhiên ở trường đang đi vào nền nếp, tuy nhiên các môn khoa học xã hội chưa thực hiện được.

Ngoài Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có rất ít trường đủ điều kiện tổ chức giáo viên dạy tiếng Anh cho các môn khoa học tự nhiên, xã hội.

Thực tế thời gian qua không chỉ ở Quảng Trị mà trên phạm vi cả nước, việc dạy các môn học khác bằng tiếng Anh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với xu hướng hội nhập quốc tế và phát triển, nhận thức của phụ huynh, học sinh về tầm quan trọng của tiếng Anh ngày càng tăng, tạo được phong trào học tập, thực hành ngôn ngữ này rộng rãi hơn. Cùng với đó, sự phát triển của công nghệ thông tin giúp học sinh, giáo viên dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu học tập tiếng Anh phong phú. Đặc biệt, các cấp chính quyền và cơ sở giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh, vì vậy năng lực tiếng Anh được cải thiện, là cơ sở để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai.

Tiếp thu tinh thần Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó có nội dung đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, mới đây Bộ GD&ĐT vừa xây dựng, hoàn thiện dự thảo Đề án quốc gia “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đề án, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học Việt Nam. Tiếng Anh được dạy, học tại các trường học - nơi ngôn ngữ chính thức, ngôn ngữ thứ nhất là tiếng Việt. Ngôn ngữ chính, ngôn ngữ thứ hai được sử dụng là tiếng Anh. Tiếng Anh là một môn học, được sử dụng để dạy, học các môn học/chuyên ngành phù hợp khác và trong làm việc/giao tiếp hàng ngày tại trường học.

Để thực hiện đề án này, ngành GD&ĐT gặp nhiều khó khăn, thách thức. Một số khu vực vùng sâu, vùng xa còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Điều kiện kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các khóa học và tài liệu học tập chất lượng của học sinh. Sĩ số lớp học còn đông gây khó khăn cho việc tương tác trong lớp học.

Trình độ tiếng Anh của học sinh không đồng đều. Môi trường thực hành tiếng Anh còn hạn chế dẫn đến tâm lý e ngại, sợ sai trong quá trình khi giao tiếp vẫn còn phổ biến ở một số học sinh. Việc tiếp cận thông tin, cơ hội học tập ở những vùng xa trung tâm còn hạn chế. Cùng với đó là khó khăn trong việc tuyển dụng giáo viên có trình độ cao ở các vùng sâu, vùng xa. Để cải thiện tình hình, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các cấp, ngành, gia đình và nhà trường.

Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là mục tiêu quan trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đồng bộ từ nhiều phía, nhất là đối với giáo viên, lực lượng quyết định thành bại của đề án. Cơ quan chức năng, chuyên môn cần tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và tiếng Anh cho giáo viên; quan tâm tuyển dụng giáo viên có trình độ cao, giáo viên bản ngữ; khuyến khích giáo viên tham gia các chương trình trao đổi, học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước để nâng cao năng lực tiếng Anh.

Đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, áp dụng các chương trình tiếng Anh tiên tiến, phù hợp với từng cấp học. Tăng thời lượng dạy tiếng Anh, đặc biệt là các kỹ năng nghe, nói; đa dạng hóa các hình thức dạy học, hoạt động thực hành, giao tiếp. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất trường học như xây dựng phòng học tiếng Anh chuyên dụng, trang bị đầy đủ thiết bị nghe nhìn, máy tính, internet. Cung cấp tài liệu học tập phong phú, đa dạng, bao gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, phần mềm học tiếng Anh.

Bên cạnh đó, ngành GD&ĐT cần xây dựng môi trường học tập tiếng Anh tốt như tổ chức các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh, tạo cơ hội cho học sinh thực hành giao tiếp. Khuyến khích học sinh sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động hàng ngày, tăng cường giao lưu, hợp tác với các trường học, tổ chức giáo dục quốc tế.

Đặc biệt, cần có cơ chế cho phép các trường được tuyển dụng giáo viên tiếng Anh có năng lực xuất sắc. Có như vậy Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” mới được hiện thực hóa, đáp ứng tốt nhu cầu ngày càng hội nhập, phát triển của đất nước.

Tuệ Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tung-buoc-dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-2-trong-truong-hoc-192568.htm
Zalo