Từng bước đẩy lùi tội phạm, tệ nạn ma túy ở khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, BĐBP Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau, từng bước đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trên khu vực biên giới. Một số xã, bản từng được xác định là trọng điểm, phức tạp đã được chuyển hóa rõ nét, trở thành địa bàn 'sạch' về tệ nạn, tội phạm ma túy. Nhờ đó, người dân có cuộc sống bình yên, chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, cùng BĐBP bảo vệ biên giới.

Tổ công tác của Đồn Biên phòng Quang Chiểu tuyên truyền pháp luật cho nhân dân địa bàn. Ảnh: Hải Chuyền
“Sức nóng” từ hai bên biên giới
Khu vực biên giới tiếp giáp giữa tỉnh Thanh Hóa với tỉnh Hủa Phăn (Lào) được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy xuyên quốc gia. Một số đường dây tội phạm có sự tham gia, móc nối của các đối tượng người Việt Nam và Lào để buôn bán, vận chuyển ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào vào Việt Nam và đi các nước khác tiêu thụ. Qua công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa BĐBP Thanh Hóa với các lực lượng chức năng của Lào cho thấy, trên khu vực biên giới tỉnh Hủa Phăn còn tồn tại 5 tụ điểm phức tạp về tệ nạn, tội phạm ma túy, trong đó có địa bàn bản Pa Noóc Seo, huyện Sầm Tớ (đối diện với địa bàn Đồn Biên phòng Bát Mọt quản lý); bản Lân Thoong, huyện Viêng Xay (đối diện với địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo quản lý)... Cùng với đó, hoạt động trồng và tái trồng cây thuốc phiện tại một số bản làng biên giới của Lào tiếp giáp với tỉnh Thanh Hóa vẫn còn diễn ra. Từ tháng 1/2024 đến nay, các lực lượng chức năng của tỉnh Hủa Phăn đã triệt xóa trên 2,5ha cây thuốc phiện.
Còn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, một số đối tượng đã móc nối mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới về tập kết, tiêu thụ, tập trung tại các xã: Quang Chiểu, Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Tam Chung và thị trấn Mường Lát (huyện Mường Lát); Mường Mìn, Na Mèo (huyện Quan Sơn). Những đối tượng trong các đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia hoạt động rất tinh vi, manh động, liều lĩnh. Chúng lợi dụng sự am hiểu về địa hình, đường sá đi lại, quan hệ thân tộc hai bên biên giới để lén lút vận chuyển ma túy vào địa bàn Việt Nam. Tội phạm sử dụng mạng xã hội, chức năng định vị vệ tinh trên điện thoại di động để thống nhất và di chuyển đến địa điểm giao nhận “hàng”; thuê người vận chuyển, ký gửi ma túy qua xe khách nhằm đối phó với lực lượng chức năng. Các đối tượng trong đường dây, tổ chức tội phạm sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả khi bị phát hiện, vây bắt.
Cùng với hoạt động của tội phạm, tệ nạn ma túy trên khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Qua khảo sát, điều tra, tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn biên giới của tỉnh có 119 người nghiện ma túy, 20 người nghi nghiện ma túy, 59 người sử dụng ma túy và 217 người nhiễm HIV/AIDS. Tình trạng người nghiện ma túy tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy và thực hiện các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật khác đang có chiều hướng gia tăng.
Từng bước làm “sạch” ma túy trên địa bàn
Trước tình hình thực tế, BĐBP Thanh Hóa đã đề ra nhiều chủ trương, thực hiện các giải pháp từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy trên khu vực biên giới. Trước hết, đơn vị tập trung đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Trong năm 2024, các đơn vị của BĐBP Thanh Hóa đã trực tiếp phối hợp, hỗ trợ lực lượng chức năng tỉnh Hủa Phăn in ấn tài liệu, tổ chức tuyên truyền được 38 buổi với 2.469 lượt người tham gia.
Trên khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa, các đồn Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng tổ chức họp dân tuyên truyền được 1.277 buổi với 38.742 lượt người tham gia; tuyên truyền cá biệt 6 lần với 29 đối tượng có nghi vấn liên quan đến tội phạm ma túy. Thông qua công tác tuyên truyền, đã có 4.859 hộ dân và đại diện trường học ký cam kết thực hiện “5 không”: Không sử dụng ma túy; không trồng cây có chứa chất ma túy; không mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; không lôi kéo, xúi giục người khác sử dụng ma túy và vi phạm pháp luật; không tiếp tay, che giấu tội phạm và tệ nạn ma túy.
Bằng nhiều hình thức tuyên truyền thiết thực, phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trên khu vực biên giới, công tác này đã giúp người dân phấn khởi, ủng hộ, tích cực báo tin, tố giác tội phạm. Qua đó, các lực lượng đã tiếp nhận hàng trăm tin liên quan đến hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, phục vụ hiệu quả công tác điều tra, xác minh, đấu tranh, triệt xóa.
Cùng với đó, BĐBP và các lực lượng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục gặp gỡ cán bộ, đảng viên, người có uy tín để tranh thủ sự ủng hộ trong việc cảm hóa, giáo dục người vi phạm từ bỏ ý định phạm tội, tự nguyện ra kiểm điểm trước nhân dân. Qua đó, đã giáo dục 28 đối tượng có biểu hiện liên quan đến tội phạm ma túy và đưa ra kiểm điểm trước dân. Các đối tượng được cảm hóa, giáo dục đã nhận thấy lỗi lầm, hành vi vi phạm do mình gây ra; một số đối tượng đã có sự chuyển biến tích cực. Công tác giáo dục, kiểm điểm người vi phạm được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đã tác động mạnh mẽ làm phân hóa, cô lập và răn đe hoạt động của các đối tượng khác.
Cùng với công tác phòng ngừa, BĐBP Thanh Hóa đã phối hợp với các lực lượng đấu tranh, triệt xóa các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy. Trong năm 2024, các đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 58 vụ/83 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, trong đó, BĐBP Thanh Hóa trực tiếp phát hiện, bắt giữ, khởi tố 21 vụ/23 đối tượng; thu giữ trên 4,1kg heroin, hơn 13kg ma túy các loại, hơn 25.000 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu súng quân dụng, 100 viên đạn và nhiều tang vật liên quan.
Bằng các biện pháp khác nhau, các đồn Biên phòng đã chủ động phối hợp với lực lượng Công an và chính quyền các xã biên giới thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội, gắn với xây dựng mô hình “Địa bàn không có tội phạm và tệ nạn ma túy”. Đến tháng 5/2024, trên khu vực biên giới tỉnh Thanh Hóa có xã Yên Khương (huyện Lang Chánh) và bản Tung, xã Trung Lý (huyện Mường Lát) được chính quyền địa phương công nhận là "địa bàn không có tội phạm và tệ nạn ma túy”. Cùng với đó, nhiều bản làng biên giới khác từng là địa bàn phức tạp về ma túy cũng đang có những chuyển biến tích cực. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân ngày càng bình yên, chung sức cùng BĐBP bảo vệ biên giới.