Ngày mùng 4 Tết, người dân làng Đồng Kỵ (nay là phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) cùng du khách thập phương nô nức mở lễ hội rước pháo, cầu mong một năm làm ăn phát tài, gặp nhiều may mắn.
Tâm điểm của lễ hội rước pháo Đồng Kỵ là cặp pháo gỗ khổng lồ, còn được người dân tôn kính gọi là "ông pháo". Mỗi "ông pháo" nặng xấp xỉ một tấn.
Pháo được rước từ nhà truyền thống ra đình làng Đồng Kỵ.
Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, Từ Sơn) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia từ năm 2016.
Lễ hội được tổ chức theo nghi thức truyền thống, gồm 2 phần: Phần lễ và phần hội. Phần lễ rước với sự tham gia của hơn 1.000 người gồm các đội múa lân, đoàn đại nhạc, tiểu nhạc, đồ thờ, cờ lọng, chiêng trống, kiệu pháo tràng, pháo Nhất, pháo Nhị....
Hai quả pháo trong lễ rước được làm tượng trưng bằng gỗ và sơn son thếp vàng, trong đó pháo Nhất dài 6m, pháo Nhì dài 5,8m, với đường kính hơn 1m.
Thân pháo được chạm khắc hình Long-Lân-Quy-Phụng với mong muốn năm mới mưa thuận gió hòa.
Lễ rước pháo Đồng Kỵ thu hút nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài.
Mỗi quả pháo được thanh niên trong làng thay nhau khiêng từ nhà văn hóa của làng Đồng Kỵ đến sân đình để làm lễ.
Lễ hội gắn liền với sự tích về đức thánh Thiên Cương ra quân đánh giặc Xích Quỷ. Theo dân gian truyền lại, thời vua Hùng có ông Cương Công, con trai ông Kinh Bắc quận vương, có công dẹp giặc Xích Quỷ, được vua phong là Thiên Cương. Trên đường dẹp giặc, Thiên Cương đã về Đồng Kỵ tuyển quân chọn tướng.
Nét độc đáo trong lễ hội này là nghi thức Dô ông đám.
Các thanh niên tuổi từ 18 trở lên ở các dòng họ trong phường Đồng Kỵ tham gia đỡ 4 ông quan đám biểu diễn ở sân đình.
Bốn ông quan đám được các thanh niên cởi trần, mặc quần đùi tung hô trên cao. Ở dưới, các thanh niên chen lấn, xô đẩy chạy vòng quanh, vị quan đám nào được giữ đứng lâu nhất sẽ là người chiến thắng.
Đây là nghi thức nhắc lại sự tích Thánh Thiên Cương kén tướng tiên phong đi dẹp giặc.
Phần hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi như bóng chuyền hơi, cờ tướng, thi sinh vật cảnh, hát quan họ trên thuyền, hát tuồng, chầu văn...
Quan đám được kênh trên tay các thanh niên trai tráng trong làng, vừa đi diễu họ vừa hò reo tạo nên bầu không khí náo nhiệt, tái hiện lại cảnh xuất quân khi xưa.
Nghi lễ "Dô ông đám" là một cách đề cao tinh thần thượng võ, là dịp các thanh niên phô bày sức khỏe và vẻ đẹp cơ bắp. Tục này còn mang ý nghĩa quân sĩ công kênh các vị tướng trước hàng quân trong ngày chiến thắng mở hội ăn mừng.
Hội rước pháo Đồng Kỵ là một trong 15 di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2016.