Túi khí ô tô khiến cậu bé 6 tuổi thiệt mạng

Những người khác đều chỉ bị thương nhẹ khi tai nạn xảy ra, riêng cậu bé 6 tuổi chết do bị túi khí ở hàng ghế trước đập mạnh vào người.

Cậu bé Harsh Mavji Arethia (6 tuổi, sống tại Vashi, Ấn Độ) đang được bố chở đi ăn cùng hai anh họ thì tai nạn bất ngờ xảy ra. Cha và hai người anh họ đều chỉ bị thương nhẹ nhưng Harsh qua đời do tác động của túi khí hàng ghế trước bung ra.

Một chiếc SUV chạy phía trước xe Wagon R của gia đình Harsh đã đâm vào dải phân cách. Lực va chạm mạnh đến mức phần đuôi xe SUV nhấc lên không trung và đập xuống nắp ca-pô xe nhà Harsh, buộc túi khí bung ra.

Cha của cậu bé, Mavji Arethia, chủ một cửa hàng văn phòng phẩm cho biết 3 cậu bé đã xin anh đưa đi ăn một bữa thật ngon. Anh để Harsh ngồi ghế trước.

"Khoảng 23h30, chúng tôi đến gần ngã tư thì bất ngờ chiếc SUV phía trước mất kiểm soát và đâm vào dải phân cách đường. Khi đó, xe tôi ở rất gần, tôi đạp phanh nhưng đuôi xe SUV bay lên khoảng 2m rồi rơi xuống nắp ca-pô xe của tôi. Túi khí trong xe đã bung ra ngay lập tức", người cha đau khổ nói.

Cậu bé Harsh đã tử vong vì va đập với túi khí trong một tai nạn hi hữu.

Cậu bé Harsh đã tử vong vì va đập với túi khí trong một tai nạn hi hữu.

Trợ lý thanh tra Dipak Gavit của đồn cảnh sát Vashi cho biết Harsh đã bất tỉnh sau cú va chạm đột ngột với túi khí và qua đời sau đó.

Nói chi tiết về vụ tai nạn, Thanh tra cảnh sát cấp cao Sanjay Ghumal của Đồn cảnh sát Vashi cho biết: "Cậu bé ngồi ghế trước đã va đập với túi khí. Nhiều người đi qua hỗ trợ đưa nạn nhân đến bệnh viện nhưng không may cậu bé đã tử vong trong quá trình điều trị".

Theo các bác sỹ, Harsh không có dấu hiệu thương tích bên ngoài. Họ cho rằng nguyên nhân tử vong là sốc và xuất huyết do đa chấn thương.

Tài xế lái chiếc SUV gây ra tai nạn thương tâm là Vinod Pachade (40 tuổi), một bác sỹ phẫu thuật thẩm mỹ. Người này chỉ bị thương nhẹ sau vụ va chạm. Cảnh sát đã triệu tập Pachade để điều tra thêm.

Các chuyên gia cho biết mặc dù túi khí là cơ chế an toàn quan trọng, nó có thể gây chấn thương ở mặt và bụng trong một vài trường hợp. Vì vậy, trẻ em dưới 13 tuổi không nên ngồi ở phía trước.

Hoàng Hà (Nguồn: Times of India)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tui-khi-o-to-khien-cau-be-6-tuoi-thiet-mang-ar916266.html
Zalo