Tuân thủ quy định về IUU: Bảo vệ mình, bảo vệ nghề

Ðã có nhiều chuyển biến, nhất là ý thức của người dân, liên quan đến hoạt động chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại cần tiếp tục được khắc phục, để không chỉ gỡ được thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC), mà quan trọng hơn hết là vì mục tiêu phát triển nghề cá bền vững.

Theo khuyến nghị của EC, có 4 nhóm vấn đề lớn liên quan đến khai thác thủy sản IUU mà Việt Nam nói chung và Cà Mau nói riêng cần phải khắc phục, gồm thiết chế pháp lý; kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản; quản lý đội tàu và thực thi pháp luật ở địa phương.

Khi bị cảnh báo thẻ vàng, một container hàng thủy sản khai thác xuất sang thị trường châu Âu phải mất thêm chi phí khoảng 750 USD và mất nhiều thời gian. (Ảnh minh họa: Công nhân Công ty cổ phần Camimex Cà Mau trong giờ làm việc)

Khi bị cảnh báo thẻ vàng, một container hàng thủy sản khai thác xuất sang thị trường châu Âu phải mất thêm chi phí khoảng 750 USD và mất nhiều thời gian. (Ảnh minh họa: Công nhân Công ty cổ phần Camimex Cà Mau trong giờ làm việc)

Theo đó, về thiết chế pháp lý, hiện nay riêng trên địa bàn tỉnh có thể nói đã ban hành đầy đủ; kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản đang được tỉnh triển khai quyết liệt, đến thời điểm này những hồ sơ xuất sang châu Âu chưa có sai sót. Riêng đối với vấn đề quản lý đội tàu và xử lý vi phạm, tỉnh cũng đang triển khai quyết liệt để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tồn tại.

Với nhiều giải pháp đã được triển khai thời gian qua, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhận định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đáng ghi nhận là ý thức của ngư dân tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong chống khai thác IUU thì chúng ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều khó khăn, vướng mắc cần tiếp tục được khắc phục trong thời gian tới.

Tồn tại mà chúng ta dễ thấy nhất chính là vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong khi đây là nội dung rất quan trọng trong cảnh báo thẻ vàng mà EC đã khẳng định, nếu Việt Nam còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài thì không rút thẻ vàng.

Thiết bị giám sát hành trình được xem là giải pháp kỹ thuật quan trọng để quản lý tàu cá, nhất là tiến tới chấm dứt tình trạng tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo đó, 100% tàu cá đang hoạt động thuộc diện lắp đặt đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, tình trạng tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá hết hạn đăng kiểm, tàu mất tích, tàu sang bán chưa sang tên, tàu không rõ nguồn gốc, tàu mất kết nối, tháo thiết bị giám sát hành trình... vẫn còn xảy ra.

Cụ thể, theo thống kê, tàu cá của tỉnh mất kết nối trung bình khoảng 8%, trong đó trong bờ chiếm 6%, ngoài khơi 2%. Tùy theo con nước tỷ lệ dao động khác nhau. Dù đây chỉ là một nhóm nhỏ trong tổng số tàu cá quản lý (4.118 tàu cá) nhưng ảnh hưởng rất lớn đến nỗ lực quản lý tàu cá từ tỉnh đến huyện, xã, thị trấn, ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành thủy sản.

Hiện nay các quy định trong xử lý các trường hợp mất kết nối khá đầy đủ và kiên quyết. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất chính là việc xác định nguyên nhân mất kết nối do đâu, do con người tác động hay do các nguyên nhân khách quan để áp dụng hình thức xử lý đúng quy định. Một trong những nguyên nhân đang được đề cập nhiều nhất thời gian qua là do mất nguồn điện và lỗi do dịch vụ mạng.

Theo ông Phạm Quốc Sử, Phó giám đốc Sở Tư pháp, thành viên Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh, Sở đã nghiên cứu rất kỹ cấu trúc của thiết bị giám sát hành trình. Trong đó, nguyên nhân mất nguồn năng lượng dẫn đến mất kết nối là rất khó xảy ra, nhưng thời gian qua có nhiều trường hợp lấy lý do này làm nguyên nhân khách quan khiến thiết bị mất kết nối. Thể chế xử phạt vi phạm hành chính hiện nay không chỉ xử phạt đối với người sử dụng mà cả người cung cấp dịch vụ, nếu mất kết nối do mạng thì nhà cung cấp dịch vụ mạng phải chịu trách nhiệm. Vấn đề này Sở Tư pháp sẽ kết hợp với Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để làm rõ và có biện pháp xử lý. Ðơn vị đã kết hợp với Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện những giải pháp nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực này.

Có thể nói, thời gian qua, việc xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác IUU trên địa bàn tỉnh rất kiên quyết. Riêng trong năm nay, từ đầu năm đến hết tháng 7, tỉnh đã ban hành 171 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, với số tiền đã thu phạt 6,7 tỷ đồng. Ðồng thời, đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can trong vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép”.

Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, quyết tâm ngăn chặn chống khai thác IUU, giữ vững bình yên, an toàn ngư trường địa phương. Ảnh: Thanh Minh

Các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm tra, quyết tâm ngăn chặn chống khai thác IUU, giữ vững bình yên, an toàn ngư trường địa phương. Ảnh: Thanh Minh

Dù công tác kiểm tra, quản lý, xử lý vi phạm đã được triển khai rất quyết liệt nhưng nhìn chung vẫn còn rất khó khăn. Ðặc biệt, hiện nay toàn tỉnh vẫn còn khoảng 500 tàu cá thuộc diện “tàu 3 không” và gần 1 ngàn tàu đã xóa trên phần mềm cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase) nhưng thực tế vẫn còn hoạt động mà không đăng ký, đăng kiểm. “Nhiệm vụ chống khai thác IUU thời gian tới còn rất nhiều việc và vô cùng nặng nề. Do đó, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhất là đối với các quy định mới, để mọi người dân hiểu, cùng thực hiện đúng trong thời gian tới là vô cùng quan trọng”, ông Bằng chia sẻ.

Một trong những văn bản đặc biệt quan trọng là Nghị định 38/2024/NÐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Ông Sử cho biết, Nghị định 38/2024/NÐ-CP hiện nay có nhiều thay đổi so với các quy định trước đó. Trong đó, đáng lưy ý là quy định về thẩm quyền xử lý vi phạm. Nếu như trước đây chủ yếu thuộc thẩm quyền của tỉnh thì hiện nay chủ yếu là Chủ tịch UBND huyện. Hay như quy định về số lượng các hành vi vi phạm cũng được tăng lên nhiều so với trước đó; mức độ xử lý vi phạm cũng tăng lên, nhất là khai thác vi phạm vùng biển nước ngoài, nếu bị xử phạt thì chủ phương tiện sẽ kiệt quệ về kinh tế...

Theo quy định pháp luật thì nhiều hành vi vi phạm trong khai thác thủy sản bị xử phạt rất nặng, do đó việc triển khai thi hành các quyết định này của các cơ quan có thẩm quyền cũng là một trong những khó khăn hiện nay. Bởi nhiều đối tượng bị xử phạt không đủ khả năng kinh tế để thi hành. Ông Sử nhận định, thể chế pháp lý của chúng ta thay đổi thường xuyên, liên tục và rất nhiều nên việc tiếp cận vô cùng khó khăn. Sở Tư Pháp luôn đồng hành cùng tất cả các đơn vị, sẵn sàng hỗ trợ bằng tất cả khả năng hiện có./.

Nguyễn Phú

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tuan-thu-quy-dinh-ve-iuu-bao-ve-minh-bao-ve-nghe-a33949.html
Zalo