Tuần lễ cấp cao APEC 2024: Bận rộn ở Lima
Lima, thủ đô của Peru trở thành tâm điểm chú ý quốc tế khi đăng cai Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024.
Dưới sự chủ trì của Tổng thống Dina Boluarte, sự kiện năm nay với chủ đề “Trao quyền - Bao trùm - Tăng trưởng” đánh dấu lần thứ ba Peru đảm nhận vai trò chủ nhà của diễn đàn kinh tế quan trọng này, sau các năm 2008 và 2016.
Chương trình dày đặc
Tuần lễ cấp cao APEC 2024 gồm chuỗi các sự kiện đặc biệt quan trọng. Bắt đầu với cuộc họp của Hội đồng Tư vấn doanh nghiệp APEC từ 10-12/11, tiếp theo là Hội nghị các quan chức cấp cao từ 11-12/11. Ngày 13/11 diễn ra Hội nghị về doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng phiên đối thoại với đại diện của người dân địa phương. Hội nghị cấp Bộ trưởng APEC diễn ra vào ngày 14/11, song song với Hội nghị doanh nghiệp kéo dài đến 15/11. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC từ 15-16/11.
Chương trình nghị sự của APEC 2024 tập trung vào ba nội dung chính. Một là, thúc đẩy thương mại và đầu tư theo hướng bao trùm, nhằm tạo môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và minh bạch hơn. Hai là, tập trung vào chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, với mục tiêu tạo điều kiện cho các đối tượng dễ bị tổn thương tham gia vào nền kinh tế chính thức. Ba là, đẩy mạnh tăng trưởng bền vững, đặc biệt chú trọng vào chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh lương thực.
Bên cạnh các phiên họp chính thức, APEC 2024 còn là diễn đàn quan trọng cho các cuộc gặp cấp cao bên lề như cuộc gặp đầu tiên giữa tân Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cuộc gặp ba bên giữa lãnh đạo Mỹ - Nhật - Hàn. Peru và Trung Quốc cũng dự kiến ký kết thỏa thuận tự do thương mại, được kỳ vọng sẽ giúp kim ngạch hai nước tăng 50% trong những năm tiếp theo.
Thách thức gia tăng
APEC 2024 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt nhiều thách thức phức tạp. Đáng lo ngại nhất là làn sóng bảo hộ mậu dịch đang có xu hướng gia tăng. Tuyên bố về kế hoạch áp thuế 10-20% lên hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ của Tổng thống mới đắc cử Donald Trump đã tạo ra lo ngại sâu sắc về tương lai của tự do thương mại. Động thái này không chỉ có nguy cơ gây xáo trộn chuỗi cung ứng mà còn đe dọa làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương đã được xây dựng và vun đắp qua nhiều thập kỷ.
Bên cạnh đó, tình hình địa chính trị căng thẳng đang tạo ra những rào cản mới trong hợp tác quốc tế. Điều này không chỉ làm suy giảm hiệu quả của các nỗ lực hợp tác đa phương mà còn dẫn đến nguy cơ phân mảnh trong hệ thống thương mại toàn cầu. Những thách thức này đòi hỏi APEC phải có những giải pháp sáng tạo và hiệu quả để duy trì đà phát triển của khu vực.
Cam kết mạnh mẽ
Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, APEC 2024 vẫn mở ra những cơ hội đáng kể cho hợp tác khu vực. Với vai trò là động lực tăng trưởng toàn cầu khi nắm giữ 62% GDP, 48% thương mại quốc tế và 38% dân số thế giới, APEC đang đặt mục tiêu xây dựng một cộng đồng mở, năng động, kiên cường và hòa bình vào năm 2040. Điều này tạo cơ hội cho APEC đi đầu trong việc thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực. Các nền kinh tế thành viên APEC đã nỗ lực thúc đẩy hợp tác khu vực thông qua nhiều sáng kiến quan trọng như các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tiếp tục giảm rào cản thương mại (thuế quan trong khu vực đã giảm từ 17% xuống còn 5%), thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như kinh tế số và kinh tế xanh, đồng thời tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và các bên liên quan.
Là chủ nhà của APEC 2024, Peru đã tổ chức hơn 270 cuộc họp với thành tựu nổi bật nhất là việc khôi phục được sự đồng thuận trong Diễn đàn sau hai năm gián đoạn do tình hình quốc tế phức tạp. Đến nay, APEC 2024 đã thông qua được 15 đồng thuận gồm 10 tuyên bố cấp bộ trưởng và năm văn kiện kỹ thuật - chính trị quan trọng, hướng tới phát triển bền vững của khu vực. Với Tuần lễ cấp cao đang diễn ra, APEC 2024 kỳ vọng sẽ đạt thêm nhiều kết quả quan trọng trong, bao gồm bốn tuyên bố cấp bộ trưởng bổ sung.
Đáng chú ý, sự tham gia tích cực của 19/21 lãnh đạo các nền kinh tế thành viên, hơn 5.000 đại biểu, 1.300 giám đốc điều hành và 2.500 phóng viên tại Lima thể hiện cam kết mạnh mẽ của các bên trong việc thúc đẩy hợp tác khu vực. Con số này càng trở nên ý nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, khi xu hướng bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới.
Nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập APEC, Peru cũng triển khai sáng kiến “Công dân APEC” nhằm tăng cường sự tham gia của xã hội dân sự vào các hoạt động của Diễn đàn. Sáng kiến này không chỉ tạo cơ hội cho các chuyên gia, quan chức, học giả và lãnh đạo chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với giới trẻ mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của APEC trong phát triển khu vực.
Thành công của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC sẽ phụ thuộc vào khả năng các bên vượt qua những thách thức về địa chính trị và kinh tế toàn cầu, duy trì được tinh thần hợp tác đa phương và tự do hóa thương mại trong khu vực. Với những nỗ lực và cam kết mạnh mẽ từ các nền kinh tế thành viên, APEC 2024 được kỳ vọng sẽ mở ra một chương mới trong hợp tác khu vực, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững cho châu Á - Thái Bình Dương.