Từ vụ ngai vua triều Nguyễn bị xâm hại: Xử lý người có dấu hiệu loạn thần ra sao?
Ngoài việc bị xử lý trách nhiệm liên quan đến hành vi liên quan, người có dấu hiệu loạn thần vẫn phải bồi thường thiệt hại.
Vừa qua, Công an TP Huế đã tạm giữ hình sự Hồ Văn Phương Tâm (SN 1983) để điều tra hành vi "Cố ý làm hư hỏng tài sản" là ngai vua triều Nguyễn tại điện Thái Hòa- Đại nội Huế.
Trước đó, trưa 24-5, Tâm mua vé vào cổng Đại nội Huế. Sau đó, đối tượng này vào khu vực điện Thái Hòa, nơi đặt ngai vua triều Nguyễn - Bảo vật quốc gia được công nhận vào năm 2015.
Tại đây, Tâm leo qua hàng rào bảo vệ trong điện rồi ngồi lên ngai vua, dùng tay bẻ gãy phần tựa tay bên trái của ngai vua và đập phá làm phần tựa tay gãy ra thành nhiều mảnh vỡ. Sau đó, Tâm bị bảo vệ khống chế, bắt giữ.
Liên quan đến vấn đề này, việc xử lý người có dấu hiệu loạn thần được pháp luật quy định ra sao? Báo Người Lao Động trích đăng ý kiến luật sư Mai Thanh Bình, (Công ty Luật TNHH Mai Thanh Bình).

Hồ Văn Phương Tâm tại công an
Theo đó, nếu một người đang trong tình trạng loạn thần (mất khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi do bệnh tâm thần hoặc bệnh khác được xác định bằng giám định pháp y tâm thần) mà có hành vi phá hoại tài sản (phá ngai vàng), thì người này không phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).
Tuy nhiên, có thể áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo Điều 49 Bộ luật Hình sự nếu hành vi của họ nguy hiểm cho xã hội và cần ngăn chặn. Về trách nhiệm dân sự, họ vẫn phải bồi thường thiệt hại.
Việc bồi thường sẽ được thực hiện từ tài sản của người gây thiệt hại, hoặc do người giám hộ/người đại diện theo pháp luật của họ thực hiện, tùy thuộc vào việc người đó đã bị tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự hay chưa và lỗi của người giám hộ/đại diện theo quy định tại Điều 586 Bộ luật Dân sự 2015.
Ngược lại, trường hợp người thực hiện hành vi phá hoại tài sản ("phá ngai vàng") mà không trong tình trạng loạn thần hoặc mất năng lực kiểm soát hành vi do sử dụng rượu bia, ma túy hoặc chất kích thích trái phép, thì người này vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Người thực hiện hành vi sẽ bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự cụ thể, người đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, người phạm tội gây thiệt hại tài sản là bảo vật quốc gia có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Quy trình áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh là một thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự, áp dụng đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng do bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Quy trình này được quy định chủ yếu trong điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017):
Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh quy định tại Điều 21 của Bộ Luật này, Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.