Từ vụ nam sinh Hà Nội bị bạn đánh tại lớp học: Cách nào giảm bạo lực?
Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip chia sẻ cảnh một học sinh tại Hà Nội bị bạn đánh dã man ngay trong lớp học khiến nhiều người bức xúc.
Nam sinh Hà Nội bị bạn đánh tới tấp ngay trong lớp học
Vụ việc xảy ra tại Trường THCS-THPT Hoàng Diệu (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Trong clip, nam sinh này ngồi trên ghế ở giữa lớp học vừa bị bạn đánh, đấm, đá vào mặt, vào bụng vừa bị chửi: "Mày ngu à? Biết bố bị đuổi học không? Muốn chơi như thế không?".
Điều đáng nói, xung quanh có nhiều học sinh khác cổ vũ cho bạn nam kia đánh bạn. Một số học sinh còn lấy điện thoại ra quay lại và một trong số đó đã xúi giục "Vả mặt luôn"; "Hay quá, 1 like"...
Ngay sau khi đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thúy Lan - Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Hoàng Diệu xác nhận vụ việc xảy ra tại trường và cho biết các em trong clip là học sinh lớp 10. "Khi clip xuất hiện trên mạng xã hội, nhà trường đã phối hợp cùng cơ quan công an mời các bên liên quan lên làm việc và xử lý. Hai gia đình đã gặp nhau và hòa giải. Hiện, sức khỏe nạn nhân bình thường nhưng để giải quyết tận gốc vấn đề nhà trường đang tạm đình chỉ nam sinh đánh bạn để các em có thêm thời gian suy nghĩ lại về hành động của mình".
Về phía Sở GD&ĐT Hà Nội, đơn vị này cho biết đã nhận được thông tin phản ánh và yêu cầu nhà trường báo cáo sự việc. Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng có yêu cầu cơ sở giáo dục cần chấn chỉnh các hành động bạo lực học đường.
Cách nào ngăn học sinh có hành vi bạo lực học đường?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn (Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội), khi có các vụ việc bạo lực học đường xảy ra, các trường học thường xử lý mang tính sự vụ, khi đó nhà trường mới mời cơ quan công an và các cơ quan hữu quan. "Nếu chúng ta chú trọng đến đúng với những sức khỏe tinh thần qua các hoạt động đa dạng để giúp các em sống nhân ái hay có những hoạt động thể chất giúp học sinh giải phóng năng lượng và gắn kết thì kết quả sẽ khác nhiều".
Để giúp học sinh giảm bớt hành vi bạo lực học đường, chuyên gia tâm lý Nguyễn Đình Sơn cho rằng, việc đầu tiên các trường cần trang bị cho các em được trách nhiệm hành vi dân sự từ những bộ quy ước cho hành vi chuẩn đạo đức, hành vi vi phạm luật. Nếu các trường đã có thì không phải đăng trên trang mạng mà cần biến nó thành những giờ học trải nghiệm giúp học sinh hóa thân qua hoạt động câu lạc bộ, hoạt động xã hội và hoạt động sự kiện của nhà trường.
Bước tiếp theo là tổ chức các hoạt động gắn kết học sinh trong trường với nhau. Có lẽ các trường thiếu các hoạt động thể thao, hoạt động câu lạc bộ theo các chuyên đề mà các nước phát triển họ tập trung giải tỏa giúp học sinh sau những giờ học căng thẳng. Những hoạt động xã hội mang tính cộng đồng cần tổ chức thường xuyên cho học sinh vì việc này sẽ tạo ra những nét nhân văn, tương ái.
Qua nhiều vụ bạo lực học đường đã xảy ra, PGS.TS. Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để đảm bảo môi trường học đường an toàn cho con trẻ, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng. "Nhà trường cần đánh giá hành vi, nguy cơ bạo lực học đường bằng cách quan sát, khảo sát diện rộng, định kỳ về các nhóm đối tượng có khả năng gây nên bạo lực học đường. Chẳng hạn việc hỗ trợ nạn nhân như thế nào, sơ cứu, kết nối như thế nào. Hỗ trợ cả thủ phạm gây ra bạo lực học đường. Từ đó, có biện pháp giáo dục để các em có kiến thức, thấu hiểu, có sự thông cảm... Đồng thời, cần giáo dục cho các bên, giao nhiệm vụ để cha mẹ có thể nhận diện sớm".