Từ vụ lòng se điếu 40m xôn xao mạng xã hội, luật sư cảnh báo: Đừng vì vài giây viral mà 'ngó lơ' pháp luật

Vụ việc quảng cáo bộ lòng se điếu dài 40 mét gây xôn xao mạng xã hội không chỉ đặt ra câu hỏi về đạo đức kinh doanh, mà còn gióng lên hồi chuông cảnh báo về trách nhiệm pháp lý trong môi trường số. Luật sư Đường Nam Khánh - Đoàn Luật sư Hà Nội đã có những chia sẻ thẳng thắn với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của giới trẻ trong việc tiếp nhận và lan truyền thông tin.

Thưa luật sư, hành vi quảng cáo có phần "nói quá", sai sự thật về bộ lòng se điếu dài 40m gần đây trong khi thực tế không đúng có vi phạm pháp luật về quảng cáo không? Nếu có thì mức xử phạt ra sao, đặc biệt trong bối cảnh giới trẻ hiện nay dễ bị thu hút bởi trào lưu ẩm thực trên mạng xã hội?

Luật sư Đường Nam Khánh: Về vụ việc bộ lòng se điếu dài 40 mét lan truyền gần đây trên mạng xã hội, tôi cho rằng đây là một hình thức quảng cáo không đúng sự thật, thậm chí có thể gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về khả năng cung cấp sản phẩm.

Theo quy định hiện hành, cụ thể là Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gây hiểu nhầm như vậy sẽ bị xử phạt hành chính. Mức phạt áp dụng cho hành vi này là từ 60 triệu đến 80 triệu đồng.

Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố,...

- Trích Khoản 5, Điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo -

Trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh và người trẻ dễ bị thu hút bởi các nội dung "viral", việc đưa ra thông tin không chính xác để câu view là rất đáng lo ngại và cần được xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng."

Trong trường hợp sản phẩm được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội nhưng không rõ nguồn gốc, liệu người kinh doanh có thể bị truy cứu trách nhiệm về an toàn thực phẩm hay không? Giới trẻ, nhất là sinh viên, nên làm gì để tự bảo vệ mình khi mua đồ ăn qua internet, mạng xã hội?

Luật sư Đường Nam Khánh: Trong trường hợp sản phẩm được lan truyền nhưng không rõ nguồn gốc, người kinh doanh chắc chắn sẽ bị truy cứu trách nhiệm liên quan đến an toàn thực phẩm. Những đơn vị kinh doanh thực phẩm đã đăng ký kinh doanh bắt buộc phải có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu đã có giấy phép nhưng vẫn vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, họ có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí bị thu hồi giấy phép hoạt động. Còn trong trường hợp cơ sở chưa có giấy chứng nhận mà vẫn kinh doanh thực phẩm thì rõ ràng là không đủ điều kiện để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng – điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.

Luật sư Đường Nam Khánh - Đoàn Luật sư Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Luật sư Đường Nam Khánh - Đoàn Luật sư Hà Nội. (Ảnh: NVCC)

Đối với giới trẻ, đặc biệt là sinh viên – những người thường xuyên mua đồ ăn online vì sự tiện lợi và xu hướng – việc tự bảo vệ mình là vô cùng quan trọng. Trước hết, các bạn nên ưu tiên lựa chọn những cơ sở kinh doanh có thông tin rõ ràng, minh bạch, được đánh giá tốt và có giấy phép hoạt động hợp pháp. Đừng mua hàng từ những tài khoản ẩn danh, không có địa chỉ cụ thể hoặc chỉ hoạt động nhất thời để chạy theo trào lưu. Thứ hai, nên kiểm tra kỹ nguồn gốc nguyên liệu, cách chế biến, đóng gói và phản hồi từ người tiêu dùng khác trước khi quyết định mua. Nếu cảm thấy có dấu hiệu nghi ngờ – như hình ảnh không thực tế, mô tả mập mờ, đánh giá bất thường – thì tốt nhất là không nên đặt hàng. Cuối cùng, hãy giữ tâm thế tỉnh táo, đừng vì tò mò hay áp lực xu hướng mà đánh đổi sức khỏe của mình. Ăn uống là chuyện lâu dài và trực tiếp liên quan đến an toàn, nên mỗi quyết định tiêu dùng – dù là một suất ăn – cũng cần sự cân nhắc kỹ càng.

Nhiều bạn trẻ hiện nay đang làm công việc "food reviewer", chia sẻ và quảng bá món ăn trên các nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube… Nếu họ vô tình tiếp tay quảng bá cho sản phẩm sai lệch hoặc không an toàn như trong vụ việc này, liệu họ có phải chịu trách nhiệm pháp lý không?

Luật sư Đường Nam Khánh: Với các bạn trẻ hiện đang làm food review trên TikTok, YouTube hay các nền tảng mạng xã hội khác, nếu họ vô tình chia sẻ hoặc quảng bá sản phẩm sai lệch, không đảm bảo an toàn như trong vụ việc này thì về nguyên tắc, họ sẽ không phải chịu trách nhiệm pháp lý. Tuy nhiên, nếu hành vi mang tính cố ý – tức là họ biết rõ sản phẩm đó có vấn đề nhưng vẫn quảng bá vì mục đích cá nhân, quảng cáo thuê hoặc trục lợi – thì chắc chắn sẽ bị xem xét trách nhiệm, có thể là dân sự hoặc hành chính tùy mức độ. Vì vậy, lời khuyên cho các bạn trẻ là hãy cẩn trọng trong việc lan truyền thông tin, đặc biệt với những nội dung liên quan đến sức khỏe và tiêu dùng, để không vô tình tiếp tay cho các hành vi sai phạm.

Luật sư có thể chia sẻ một số quy định pháp luật hiện hành liên quan đến việc kinh doanh thực phẩm qua mạng xã hội? Sinh viên khởi nghiệp hoặc làm thêm trong lĩnh vực F&B nên lưu ý gì để tránh vi phạm pháp luật?

Luật sư Đường Nam Khánh: Kinh doanh thực phẩm qua mạng xã hội được điều chỉnh bởi một số văn bản quy phạm pháp luật như: Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Nghị định 15/2018/NĐ-CP, Nghị định 98/2020/NĐ-CP, và Luật An toàn thực phẩm. Mặc dù hình thức này thường là bán hàng cá nhân, chưa đăng ký kinh doanh hay chưa có giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng nếu đã kinh doanh thực phẩm – kể cả qua mạng xã hội – thì đều phải tuân thủ theo những quy định pháp luật nêu trên. Kể cả là sản phẩm 'nhà làm', miễn là đem ra kinh doanh thì vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý như các cơ sở thông thường.

Ông Ngô Quyền Thế khoe bộ lòng se điếu trên mạng xã hội. (Ảnh: Mạng xã hội)

Ông Ngô Quyền Thế khoe bộ lòng se điếu trên mạng xã hội. (Ảnh: Mạng xã hội)

Luật sư có lời khuyên nào dành cho sinh viên – những người dễ bị ảnh hưởng bởi trào lưu mạng – để trở thành người tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm hơn trước các nội dung quảng cáo “giật gân” trên Internet?

Vào tháng 10/2024, ông Ngô Quyền Thế, chủ quán "Lòng Chát" tại Hà Nội, đã đăng tải một video trên mạng xã hội, khoe bộ lòng se điếu dài 40m, nặng 5,8kg, được cho là lấy từ một con lợn cái nặng hơn 100kg. Video này nhanh chóng lan truyền và gây tranh cãi về tính xác thực của thông tin.

Ngày 8/5/2025, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm quận Cầu Giấy đã kiểm tra đột xuất cơ sở "Lòng Chát". Tại buổi làm việc, ông Thế thừa nhận đã "nói hơi quá" về độ dài bộ lòng, thực tế chỉ khoảng 25-27m. Ông giải thích rằng do ước lượng sải chân không chính xác nên đã dẫn đến con số 40m .

Ngoài ra, ông Thế cũng chưa xuất trình được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc bộ lòng mua từ một năm trước. Hiện cơ sở này chỉ xuất trình được hợp đồng nhập thực phẩm của cá nhân ở huyện Thường Tín nhưng chưa có hồ sơ của cơ sở giết mổ cung cấp thực phẩm cho cá nhân này .

Luật sư Đường Nam Khánh: Về lời khuyên dành cho các bạn sinh viên – những người rất dễ bị ảnh hưởng bởi các trào lưu mạng – tôi muốn nhấn mạnh một điều: hãy trở thành người tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm. Trước hết, các bạn nên tránh hùa theo những thông tin quảng cáo chưa được kiểm chứng. Khi thấy một nội dung đang 'hot', việc hùa theo chia sẻ, bình luận, hay thậm chí là mua thử vì tò mò sẽ vô tình tiếp tay cho việc lan truyền thông tin sai lệch. Điều đó khiến người bán cảm thấy chiến lược quảng cáo của họ hiệu quả và tiếp tục bất chấp để làm các nội dung giật gân, gây hiểu lầm. Thứ hai, các bạn cần phải có sự chọn lọc và phân tích khi tiếp nhận thông tin quảng cáo. Đừng tin và làm theo tất cả những gì mình thấy trên mạng, đặc biệt là trong lĩnh vực liên quan đến sức khỏe, tiêu dùng và thực phẩm. Nếu mình quảng bá rộng rãi một sản phẩm không đảm bảo chất lượng, trong một số trường hợp có thể dẫn đến hậu quả pháp lý, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và trách nhiệm cá nhân. Việc thận trọng trong tiếp nhận và lan tỏa thông tin cũng là một phần trong ý thức bảo vệ bản thân, cộng đồng và góp phần giữ gìn hình ảnh tiêu dùng văn minh, có trách nhiệm – điều rất quan trọng trong thời đại truyền thông số và cả trong hành trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Đừng vì vài giây viral mà "ngó lơ" pháp luật.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/tu-vu-long-se-dieu-40m-xon-xao-mang-xa-hoi-luat-su-canh-bao-dung-vi-vai-giay-viral-ma-ngo-lo-phap-luat-post1741695.tpo
Zalo