Từ vụ Hoa hậu Thùy Tiên bị bắt: Đừng lấy danh tiếng để bán rủi ro cho cộng đồng
Hoa hậu Thùy Tiên bị khởi tố không chỉ là cú sốc cho giới giải trí, mà còn là cảnh báo rõ ràng: danh tiếng, nếu không được kiểm soát, có thể trở thành công cụ tiếp tay cho sai phạm.
Tháng 5-2025, người hâm mộ chứng kiến cú sốc chưa từng có: Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên bị khởi tố, bắt tạm giam vì liên quan đến hành vi lừa dối khách hàng trong vụ án về kẹo rau củ Kera.
Một câu chuyện tưởng chừng chỉ là “quảng cáo lố” như muôn vàn chiến dịch tiếp thị khác, nay trở thành vụ án hình sự nghiêm trọng. Vấn đề không chỉ dừng ở một viên kẹo, mà ở chỗ: Bao nhiêu giá trị ảo đã được nhào nặn từ lời nói của người nổi tiếng?
Tháng 12-2024, công chúng bắt đầu thấy hoa hậu Thùy Tiên xuất hiện dày đặc trong các clip quảng bá kẹo rau củ Kera; sản phẩm được giới thiệu là “hỗ trợ tiêu hóa, bổ sung chất xơ”. Sản phẩm được truyền thông rầm rộ bởi bộ ba Thùy Tiên - Quang Linh Vlogs - Hằng Du Mục, liên tục lặp lại những phát ngôn đánh trúng tâm lý người tiêu dùng: “Một viên bằng một đĩa rau”, “Không ăn rau cũng chẳng sao”, “Trẻ con, người lớn đều dùng được”...

Bộ ba hoa hậu Thùy Tiên - Hằng Du Mục - Quang Linh Vlogs.
Chiến dịch livestream phủ sóng khắp mạng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem, hơn 135.000 hộp kẹo được bán ra, thu về gần 18 tỉ đồng. Riêng hoa hậu Thùy Tiên, với vai trò cổ đông góp 30% vốn tại công ty chủ quản, thu về gần 7 tỉ đồng tiền hoa hồng.
Tháng 3-2025, sau nhiều lời phản ánh từ người tiêu dùng về hiệu quả mập mờ và tác dụng phụ bất thường, Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia vào cuộc kiểm nghiệm sản phẩm kẹo Kera. Kết quả khiến dư luận choáng váng:
- Sorbitol (Riêng trong ngành y dược) - chất có tác dụng nhuận tràng - chiếm 33,4g/100g sản phẩm, nhưng không được ghi trên nhãn.
- Thành phần “bột rau” – được cam kết chiếm gần 1/3 sản phẩm – thực tế chỉ chiếm chưa đến 1%.
- Về bề nổi, hàm lượng đạm, đường, chất béo có thể khớp, nhưng thực chất không phản ánh đúng giá trị dinh dưỡng được quảng cáo.
Điều đáng nói, không ai trong bộ ba nổi tiếng trên lên tiếng cảnh báo hay đính chính, mà vẫn tiếp tục sử dụng sự ảnh hưởng để thúc đẩy tiêu thụ.
Ngày 24-3, Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt bị xử phạt 125 triệu đồng. Ngay sau đó, Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục bị phạt mỗi người 70 triệu đồng vì quảng cáo sai sự thật. Đến đầu tháng 4, vụ việc chuyển sang chiều hướng nghiêm trọng: cả hai bị khởi tố, bắt tạm giam.
Hoa hậu Thùy Tiên ban đầu bị hoãn xuất cảnh, nhưng đến hôm qua (ngày 19-5), cô chính thức bị khởi tố, bắt tạm giam về tội lừa dối khách hàng. Đây không còn là một cú ngã hình ảnh, mà là cú đổ vỡ hoàn toàn sự nghiệp, uy tín và niềm tin mà công chúng từng trao gửi.
Vụ việc không chỉ là sự cố cá nhân mà là bài học lớn cho những người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội và người kinh doanh online.
Với người nổi tiếng, sức ảnh hưởng không phải là vỏ bọc pháp lý. Việc quảng bá sản phẩm sai sự thật, dù vô tình hay cố ý, vẫn có thể bị xử lý hình sự nếu gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Với người kinh doanh online, việc chọn KOL làm gương mặt đại diện không thể là biện pháp thay thế kiểm định chất lượng. Mỗi sản phẩm, nhất là thực phẩm chức năng, cần được giám sát nghiêm ngặt từ công bố thành phần, nguồn gốc đến hậu kiểm thị trường.
Người tiêu dùng cần nhận ra rằng dù có hâm mộ người nổi tiếng đến đâu, dù lời quảng cáo có cuốn hút như thế nào, thì việc đọc kỹ nhãn mác, tìm hiểu kỹ thành phần, và kiểm chứng thông tin là quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng.
Vụ hoa hậu Thùy Tiên là lời cảnh báo mạnh mẽ từ pháp luật đối với những ai lợi dụng niềm tin cộng đồng để trục lợi. Nếu danh tiếng là một món quà, thì niềm tin của công chúng là điều không thể mang ra mua bán.