Từ vụ FLC, cần 'làm sạch' thị trường chứng khoán
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa công bố kết luận điều tra, làm rõ hàng loạt hành vi vi phạm liên quan tới lĩnh vực đầu tư, chứng khoán tại Tập đoàn FLC.
Thu lợi bất chính 723 tỷ đồng
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, cùng 20 đồng phạm về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo hồ sơ vụ án, Trịnh Văn Quyết là người sáng lập Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Chứng khoán BOS và nhiều doanh nghiệp khác, trong đó có 5 công ty đăng ký niêm yết cổ phiếu gồm Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (mã ROS); Công ty cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Stone FLC (mã AMD); Công ty cổ phần Nông dược (mã HAI); Công ty cổ phần Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (mã GAB) và Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (mã ART).
Cụ thể, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế liên hệ với 45 người thân, họ hàng để làm các thủ tục thành lập, đứng tên 20 doanh nghiệp và mở 500 tài khoản chứng khoán, nhằm thực hiện hành vi thao túng chứng khoán, "thổi giá" cổ phiếu.
Cùng với đó, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Thúy Nga và Hương Trần Kiều Dung, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, để cấp khống hạn mức mua chứng khoán cho nhóm tài khoản do Huế quản lý và sử dụng.
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, hiện chưa có các quy định hướng dẫn làm cơ sở pháp lý trong việc xác định thiệt hại cho các nhà đầu tư tham gia mua bán các mã cổ phiếu bị thao túng để có căn cứ xác định thiệt hại. Vì vậy, đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để đánh giá, chọn một số mã cố phiếu, trái phiếu, vụ việc nổi cộm, tập trung phối hợp kiểm tra, xử lý, đồng thời thu thập thông tin về các vụ việc tương tự tại các công ty niêm yết, công ty chứng khoán khác để xử lý.
Thủ đoạn của các bị cáo là “bơm hạn mức” vào các tài khoản thiếu tiền để đặt lệnh mua cổ phiếu, sau đó Huế theo chỉ đạo của Quyết, dùng các tài khoản này liên tục mua bán cùng loại chứng khoán; mua bán với khối lượng lớn chi phối thị trường vào thời điểm mở cửa và đóng cửa giao dịch; đặt lệnh mua, bán cổ phiếu, sau đó hủy lệnh…
Kết quả điều tra xác định, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, Trịnh Thị Thúy Nga đã chỉ đạo nhân viên cấp hạn mức khống cho các tài khoản do Huế quản lý, sử dụng tại Công tư cổ phần Chứng khoán BOS, với tổng số tiền lên tới hơn 170.000 tỷ đồng.
Huế đã sử dụng 79/141 tài khoản đặt 15.128 lệnh mua với khối lượng gần 3 tỷ cổ phiếu của 5 mã trên, tương đương gần 47.000 tỷ đồng. Sau khi đặt mua, Huế liên tục thực hiện các hành vi hủy lệnh, khớp chéo giữa các tài khoản với nhau hoặc mua vào số lượng lớn cổ phiếu cùng một mã để thực hiện hành vi thao túng.
Sau khi tạo cung cầu giả, khi giá cổ phiếu tăng, Quyết đã chỉ đạo Huế bán ra thị trường, thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng, trong đó cổ phiếu HAI từ tháng 6/2017 đến tháng 2/2018 thu lợi gần 239 tỷ đồng, còn cổ phiếu FLC từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2022 thu lợi 397 tỷ đồng.
Số tiền thu được, Quyết sử dụng mua cổ phần Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways), FLC Travel, Công ty cổ phần Nông dược, chuyển vào các tài khoản chứng khoán và trả nợ, chi tiêu cá nhân.
Tăng vốn điều lệ ảo, lên sàn trái quy định
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của Trịnh Văn Quyết thông qua việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.
Theo đó, từ mức vốn điều lệ ban đầu là 1,5 tỷ đồng và nhiều năm gần như không hoạt động, tháng 4/2014, Quyết đã chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế cùng cấp dưới lập các hợp đồng góp vốn khống, nhằm tăng vốn điều lệ “ảo” cho doanh nghiệp này.
Thủ đoạn của các bị cáo là sử dụng các hợp đồng, chứng từ như ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền mặt, giấy rút tiền mặt được ký khống bởi một số cổ đông của Công ty FLC Faros để Huế làm thủ tục nộp tiền vào, sau đó rút tiền ra bằng các hình thức như tạm ứng, trả trước, đầu tư, ủy thác đầu tư cho các cá nhân và tổ chức liên quan, sau đó lại nộp lại... quay vòng nhiều lần.
Kết quả là, Công ty FLC Faros đã 5 lần tăng vốn điều lệ khống, từ 1,5 tỷ đồng, lên 4.300 tỷ đồng, tương ứng với 430 triệu cổ phần. Tuy nhiên, trên thực tế, các cổ đông chỉ góp vào 1.197 tỷ đồng để sử dụng cho các hoạt động tổng thầu, thi công dự án.
Để che giấu việc rút vốn, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo giám đốc các công ty con lập 115 hợp đồng ủy thác đầu tư, cho vay vốn, hợp tác kinh doanh khống. Khi đến thời điểm hết hạn hợp đồng, phải thu hồi các khoản tiền này thì Quyết lại che giấu bằng cách ký các hợp đồng mua cổ phần của các công ty khác thuộc nhóm FLC.
Thêm vào đó, sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Công ty FLC Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nhưng Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý nhà nước và được chấp thuận.
Sau khi lên sàn, với 430 triệu cổ phiếu mã ROS, có tổng giá trị cổ phiếu là 4.300 tỷ đồng. Quyết tiếp tục chỉ đạo Huế sử dụng 40 tài khoản chứng khoán để mua, bán hơn 391 triệu cổ phiếu, thu về 4.800 tỷ đồng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra xác định, Trịnh Văn Quyết và Trịnh Thị Minh Huế đã chiếm đoạt số tiền của các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS hơn 3.600 tỷ đồng.
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã tiến hành kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản và tạm dừng giao dịch đối với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng của các bị can.
Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã thu giữ hơn 190 tỷ đồng, trong đó có gần 187,6 tỷ đồng của Trịnh Văn Quyết từ việc chuyển nhượng cổ phần BAV; kê biên 3 thửa đất và tài sản gắn liền với đất có diện tích gần 1.200 m2 tại Khu đô thị mới Mỹ Đình 2 (quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội).
Hai em gái của Trịnh Văn Quyết cũng bị kê biên nhiều tài sản, trong đó Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên 4 thửa đất với diện tích gần 700 m2 tại Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính và Khu đô thị mới Mỹ Đình 2; còn Trịnh Thị Thúy Nga bị kê biên khối bất động sản gồm nhà đất có tổng diện tích hơn 350 m2.
Cùng với đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước rà soát, ngăn chặn giao dịch đối với tài khoản đứng tên Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và 46 cá nhân khác đã cho Trịnh Thị Minh Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.
Liên quan tới 500 tài khoản chứng khoán, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước phong tỏa. Trong đó, Trịnh Thị Minh Huế là người trực tiếp quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán này, với tổng số dư hiện tại hơn 7,6 tỷ đồng; hơn 243 triệu cổ phiếu GAB, FLC và ART.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng yêu cầu ngăn chặn giao dịch đối với hơn 215 triệu cổ phiếu FLC, 218 triệu cổ phần tại Công ty FLCHomes; 1.045 triệu cổ phần tại FLC Holding và hàng chục triệu cổ phần, cổ phiếu tại nhiều doanh nghiệp khác.
Xử lý mã cổ phiếu, công ty chứng khoán có dấu hiệu bất thường
Qua công tác điều tra vụ án trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra nhận thấy một số sơ hở, thiếu sót trong các quy định của pháp luật về hoạt động chứng khoán, để các đối tượng lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội như: mở tài khoản chứng khoán dễ dàng, không kiểm soát; kiểm soát vốn vay theo hình thức hợp tác đầu tư còn nhiều sơ hở, các đối tượng đã lợi dụng công ty chứng khoán và công ty thứ ba để lách luật nhằm có nguồn tiền để mua bán, thao túng.
Cũng theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, tội phạm thao túng chứng khoán rất tinh vi, có tính tổ chức, phức tạp, nhưng Bộ luật Hình sự hiện quy định mức hình phạt còn thấp, không đảm bảo răn đe, phòng ngừa.
Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, phát hành chủ động công bố thông tin theo quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Chứng khoán nhà nước tăng cường giám sát thị trường, đặc biệt là giao dịch của các mã có dấu hiệu biến động giá mạnh. Kịp thời phát hiện các mã cổ phiếu được lôi kéo, hô hào thông qua các hội nhóm trên mạng xã hội...
Cùng với đó, tăng cường thanh tra, giám sát các doanh nghiệp đăng ký công ty đại chúng, làm thủ tục đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán; các đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, cung cấp các đợt chào bán trái phiếu doanh nghiệp... để kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa sai phạm; nhất là các doanh nghiệp có dấu hiệu không có tài sản đảm bảo hoặc đảm bảo bằng dự án, cổ phiếu.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng kiến nghị xem xét xử lý vi phạm hành chính về hành vi cho mượn tài khoản chứng khoán, dẫn đến hành vi thao túng đối với cá nhân, pháp nhân. Ngăn chặn tình trạng tăng vốn ảo, đưa ra quy định về kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp.