Từ vụ cháy ở Bắc Từ Liêm: Biến tướng karaoke sang hình thức 'quán hát cho nhau nghe' tiềm ẩn nhiều rủi ro

Thời gian qua, một số cơ sở kinh doanh có biểu hiện 'lách luật', chuyển hát karaoke sang hình thức 'hát cho nhau nghe' hay kinh doanh ăn uống kết hợp biểu diễn nghệ thuật, không bán vé,… nhưng không đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Điều này khiến cho cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc quản lý cũng như tiềm ẩn những rủi ro rất đáng lo ngại.

Hiện trường vụ cháy quán cà phê ở quận Bắc Từ Liêm

Hiện trường vụ cháy quán cà phê ở quận Bắc Từ Liêm

Khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối tượng đốt quán cà phê ở quận Bắc Từ Liêm

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố (CATP) Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án giết người, khởi tố bị can đối với C.V.H (SN 1973, trú tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, có 2 tiền án về tội “Cướp tài sản” và “Trộm cắp tài sản”) để điều tra, xử lý hành vi đốt quán café làm nhiều người tử vong tại quận Bắc Từ Liêm vào đêm ngày 18/12/2024.

Theo cơ quan chức năng, hồi 23h03 ngày 18/12/2024, Tổng đài 114 - Trung tâm Thông tin chỉ huy CATP Hà Nội tiếp nhận tin báo cháy quán café tại số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, có nhiều người mắc kẹt bên trong. Ngay lập tức, CATP đã điều động lực lượng Cảnh sát PCCC CATP và Công an các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ đến hiện trường phối hợp chính quyền, người dân địa phương tổ chức chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Trước tính chất nghiêm trọng của vụ việc, đồng chí Trung tướng Nguyễn Hải Trung - Giám đốc CATP cùng các đồng chí trong Ban Giám đốc và các Phòng nghiệp vụ CATP trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo lực lượng chức năng triển khai các biện pháp cứu, chữa và điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Đồng chí Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài đến hiện trường chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các Sở, ngành liên quan nhanh chóng khắc phục hậu quả vụ cháy.

Đến 23h40 cùng ngày, đám cháy được khống chế. Lực lượng chức năng đã hướng dẫn, hỗ trợ, đưa 7 người ra ngoài (trong đó 5 người sức khỏe ổn định, 2 người được đưa đi bệnh viện cấp cứu) và phát hiện 11 người đã tử vong.

Qua xác minh ban đầu, lực lượng Công an nhận định nghi vấn quán cà phê bị đốt và đã khẩn trương truy tìm, bắt giữ đối tượng gây án. Đến khoảng 0h00 ngày 19/12/2024, CATP đã bắt giữ được đối tượng nghi vấn là C.V.H. Tại cơ quan Công an, C.V.H bước đầu khai nhận, H đến quán uống bia rồi phát sinh mâu thuẫn với nhân viên quán nên đã mua xăng đổ vào khu vực tầng 1 quán cà phê (nơi có nhiều xe máy) rồi châm lửa đốt; khi thấy ngọn lửa bùng lên, H bỏ đi.

Hiện Giám đốc CATP tiếp tục chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP nhanh chóng điều tra, làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích gây án của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định và xác minh, làm rõ danh tính các nạn nhân. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp các Sở, ban, ngành TP tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình các nạn nhân và khẩn trương khắc phục hậu quả vụ cháy.

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy và Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy

Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Thành ủy và Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc CATP trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác chữa cháy và khắc phục hậu quả vụ cháy

Biến tướng "quán hát cho nhau nghe" không đảm bảo các yêu cầu phòng cháy chữa cháy

Thời gian qua, công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke được TP Hà Nội đặc biệt chú trọng, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke bị cho dừng hoạt động do không đảm bảo các yêu cầu về PCCC. Tuy nhiên, một số cơ sở lại có biểu hiện “lách luật”, chuyển sang hình thức “hát cho nhau nghe” hay kinh doanh ăn uống kết hợp biểu diễn nghệ thuật, không bán vé,… Điều này khiến cho cơ quan quản lý gặp khó khăn trong việc quản lý cũng như tiềm ẩn những rủi ro rất đáng lo ngại.

Theo thống kê đến cuối tháng 2/2024, trên địa bàn huyện Thạch Thất có 132 cơ sở kinh doanh karaoke và dịch vụ hát cho nhau nghe, trong đó có 21 cơ sở kinh doanh karaoke và 111 cơ sở kinh doanh dịch vụ “hát cho nhau nghe”.

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến giữa Sở VH&TT Hà Nội với 30 quận, huyện, thị xã về Quyết định phân cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP Hà Nội diễn ra vào tháng 4/2024, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện Thạch Thất có 23 xã, thị trấn với nhiều cơ quan, DN, khu công nghệ cao. Nhu cầu giải trí, kinh doanh dịch vụ văn hóa ngày càng tăng cao. Trên địa bàn huyện không có loại hình kinh doanh vũ trường, quán bar, không có nhà hàng biểu diễn nghệ thuật sử dụng nhạc mạnh. Đặc thù của hoạt động kinh doanh karaoke ở khu vực nông thôn là tỷ lệ hộ gia đình tự kinh doanh chiếm hơn 90%, mỗi cơ sở kinh doanh thường có 2 - 3 phòng hát.

Trên địa bàn huyện có nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ "hát cho nhau nghe", đây là một hình thức “lách luật” của các cơ sở kinh doanh karaoke nhằm tránh sự quản lý của các cơ quan Nhà nước cấp huyện, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý cho các cơ quản chức năng. Trong quá trình kiểm tra, đối với các cơ sở kinh doanh không đủ điểu kiện, huyện đều có biên bản, quyết định tạm đình chỉ, các cơ sở cố tình hoạt động đều có quyết định xử phạt.

Theo UBND quận Đống Đa, thời điểm trước đây trên địa bàn quận có khoảng 60 cơ sở karaoke và đến 1/7/2024 chỉ còn 18 cơ sở. Trong đó, có 7 cơ sở đủ điều kiện hoạt động trở lại, được thẩm duyệt về PCCC và các điều kiện về an ninh, trật tự; 11 cơ sở đang tạm dừng.

Tại quận Hà Đông, thực hiện Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, tính đến tháng 7/2024, UBND quận đã cấp 3 giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke cho 3 DN trên địa bàn với tổng số 66 phòng.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Phạm Văn Chiến, hiện nay, công tác quản lý hoạt động karaoke trên địa bàn quận đã dần đi vào nề nếp. Tuy nhiên, các cơ sở kinh doanh karaoke cũ trước đây lại lách luật, biến tướng thành cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phục vụ khách hát không tính tiền. Thêm vào đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ cà phê ca nhạc, cà phê hát cho nhau nghe lại nở rộ trong khi các chế tài quản lý còn nhiều hạn chế. Trong năm 2023 và 2024, UBND quận Hà Đông đã ban hành 5 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa hoạt động quá giờ quy định và 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke để khách sử dụng trái phép chất ma túy, phạt tiền 68,3 triệu đồng.

Theo thượng tá Nguyễn Chí Cường - Phó Trưởng phòng PA03 (Công an TP Hà Nội), thời gian trước, lực lượng chức năng xử lý rất mạnh các cơ sở kinh doanh karaoke về PCCC. Có thời điểm, lực lượng công an đã cắm chốt 24/24 giờ nhưng việc này rất tốn nguồn nhân lực. Khi lực lượng chức năng không có mặt, các cơ sở karaoke lại tiếp tục hoạt động. Thậm chí, dù lực lượng chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương công khai địa chỉ cơ sở không đủ điều kiện PCCC nhưng vẫn xảy ra thực trạng người dân vẫn vào hát, vui chơi giải trí tại những cơ sở này.

Đồng chí Nguyễn Chí Cường cho biết thêm, có tình trạng các cơ sở karaoke liên hệ, tạo lập nhóm trên mạng để thông tin, thông báo cho nhau về việc lực lượng chức năng đang triển khai kiểm tra ở địa bàn nào; bố trí hệ thống camera giám chặt chẽ, lực lượng bảo vệ, gồm cả lực lượng tại chỗ và xe ôm để làm tai mắt. khi lực lượng chức năng xuất hiện, các cơ sở này lập tức đóng cửa. Nhiều cơ sở đóng kín cửa trước, người vào cần mật mã, nhưng cửa ngách lại mở, thang đi lên phòng hát bé, tối, nguy cơ mất an toàn PCCC rất lớn.

Trước tình hình trên, huyện Thạch Thất đề nghị Sở VH&TT mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về công tác quản lý 2 loại hình kinh doanh dịch vụ karaoke và "hát cho nhau nghe"; đề nghị các sở, ngành tham mưu UBND TP ban hành quy chế quản lý, chế tài xử lý đối với các cơ sở kinh doanh karaoke dưới hình thức dịch vụ "hát cho nhau nghe" nhằm bảo đảm hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa của các tổ chức, cá nhân tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của Nhân dân.

Tại hội nghị tập huấn công tác quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời, tuyên truyền cổ động trực quan, dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn TP Hà Nội do Sở VH&TT Hà Nội tổ chức ngày 3/7, đại diện một số quận, huyện đề xuất sửa đổi Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ, bổ sung quy định về thời hạn hiệu lực của giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke. Đồng thời đề nghị TP có hướng dẫn cụ thể quy định, quản lý đối với loại hình “hát cho nhau nghe”; cơ sở có tính chất “hoạt động ghi âm và xuất bản âm nhạc” (một số người gọi là Karaoke box)...

Để thống nhất trong công tác quản lý, tại hội nghị vừa qua, các quận, huyện đề nghị Sở VH&TT phối hợp với các đơn vị liên quan có hướng dẫn cụ thể trong việc kiểm tra, xử lý cơ sở karaoke trá hình chuyển sang loại hình kinh doanh nhà hàng, quán cà phê…

Theo lãnh đạo Sở VH&TT Hà Nội, Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND ngày 19/02/2024 về phân cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn TP Hà Nội được ban hành là sự chỉ đạo kỹ lưỡng, thận trọng của TP Hà Nội, dự thảo đã được xin ý kiến các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền liên quan và 30 quận, huyện, thị xã.

Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh đưa ra một số giải pháp như, liệt kê danh sách 46 cơ sở karaoke đủ điều kiện PCCC để gửi về quận, huyện. Cơ sở nào không trong sách hoạt động là không đúng quy định. Đối với những hoạt động karaoe lách luật, không thu tiền, có thể xử lý theo hướng vi phạm các quy định về an ninh trật tự.

Tại Quyết định số 14/2024/QĐ-UBND đã quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã. Sở VH&TT đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát lại danh sách cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn, có thể công khai các hộ kinh doanh đủ điều kiện trên hệ thống Cổng Thông tin điện tử của quận, huyện, các nền tảng quản lý, xuống thôn, xóm, tổ dân phố… Các cơ sở kinh doanh karaoke phải tuyệt đối bảo đảm các điều kiện về an toàn phòng cháy, chữa cháy.

Đối với dịch vụ kinh doanh “hát cho nhau nghe”, Sở VH&TT giao cho Phòng Quản lý nghệ thuật phối hợp với phòng Quản lý văn hóa sẽ có hướng dẫn gửi xuống các quận, huyện, thị xã; tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp giải đáp thắc mắc về vấn đề này.

Tháng 3/2024, tại cuộc họp nghe báo cáo rà soát dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường có tính chất nhạy cảm, cần quản lý chặt chẽ, do đây là địa điểm tập trung đông người, hầu hết là người trẻ, có sử dụng đồ uống, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy, chất gây nghiện, phát sinh tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… cũng như các nội dung về văn hóa, thuần phong, mỹ tục.

Về lâu dài, Phó Thủ tướng cho biết, việc cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường phải theo quy hoạch, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ; không gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu dân cư... Những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã được cấp phép phải khắc phục triệt để, tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn, kỹ thuật phòng, chống cháy nổ.

UBND TP Hà Nội vừa có công văn 4277/UBND-NC về việc chỉ đạo giải quyết, khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê tại số 258 Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Theo đó, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương đặc biệt là Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20/9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy; Nghị quyết số 26/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của Hội đồng Nhân dân Thành phố; Công điện số 04/CĐ-UBND ngày 24/5/2024 của Chủ tịch UBND Thành phố.

Tập trung tham mưu triển khai có hiệu quả: Quyết định số 4702/QĐ-UBND ngày 06/9/2024, Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 17/12/2024 của UBND Thành phố thực hiện Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm 2 an toàn PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 33/2024/NQ-HĐND về quy định áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với một số các công trình vi phạm về PCCC. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy,nổ gây ra.

An Nhiên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/tu-vu-chay-o-bac-tu-liem-bien-tuong-karaoke-sang-hinh-thuc-quan-hat-cho-nhau-nghe-tiem-an-nhieu-rui-ro-404591.html
Zalo