Từ vụ bé gái 9 tuổi bị khống chế, bắt cóc: Cha mẹ cần trang bị cho con kỹ năng tự vệ
Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ bé gái (9 tuổi, ở phường Phượng Mao, thị xã Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh) bị đối tượng Phan Văn Tuấn (SN 1983, xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng) khống chế làm con tin.

Đối tượng Phan Văn Tuấn dùng dao khống chế bé T.
Vào khoảng 4h sáng ngày 27/3/2025, Tuấn đột nhập vào nhà anh H. và dùng dao kề vào cổ cháu T., sau đó ép cháu T. đi lên tầng 2 căn nhà. Sau đó, Tuấn yêu cầu gia đình cung cấp tiền, xe máy để bỏ trốn.
Đến khoảng 8h sáng cùng ngày, khi đối tượng chuẩn bị lên xe máy bỏ trốn thì bị lực lượng chức năng ập vào bắt giữ, giải cứu thành công cháu T.
Đáng chú ý, trước khi thực hiện bắt cóc bé T., Tuấn đã cầm 2 con dao tới Trạm Y tế phường Cổ Thành (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương) để gây rối và bị công an phường vây bắt. Quá trình bỏ trốn, Tuấn khống chế một người đàn ông, yêu cầu chở xe máy tới thị xã Quế Võ (tỉnh Bắc Ninh). Sau đó, Tuấn còn cướp 1 xe máy, di chuyển đến khu vực nhà bé T.
Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết, đối tượng Tuấn đã có 1 tiền án về tội "tàng trữ trái phép chất ma túy" và 2 tiền án về tội "bắt giữ người trái pháp luật". Kiểm tra đối tượng tại thời điểm gây án, Công an xác định Tuấn dương tính với ma túy.
Nguyên tắc "vàng" khi bị khống chế
Theo dõi vụ việc trên, Thượng tá Trịnh Kim Vân, nguyên điều tra viên cao cấp Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hà Nội, đánh giá cao sự bình tĩnh của gia đình, của cháu bé khi giải quyết tình huống nguy hiểm.
"Khi bị khống chế bằng hung khí thì yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo được tính mạng. Trong trường hợp nêu trên, gia đình đã làm rất tốt việc đó, khi đáp ứng tất cả các yêu sách của đối tượng, còn cháu bé thì nghe theo lời của đối tượng, không phản kháng", ông Vân nhận định.
Bên cạnh đó, cần phải giữ bình tĩnh, tuyệt đối không được hô hoán, hay xông vào tấn công đối tượng để giành lại con (chỉ hành động khi nắm chắc 100% chiến thắng). Nếu không đối tượng sẽ bị kích động, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cháu bé.

Đối tượng Phan Văn Tuấn đã bị bắt
Việc trình báo cơ quan chức năng cũng cần phải kín đáo, nên lựa chọn thời điểm đối tượng lơ đãng để báo tin.
Ông Kim Vân cho rằng, vụ bắt cóc xảy ra trong nhà riêng của nạn nhân, cửa nẻo không được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đi ngủ. Từ vụ việc này, các gia đình cần trang bị hệ thống khóa cửa, camera an ninh để nâng cao mức độ an toàn.
Cơ quan chức năng cũng cần tăng cường các biện pháp giám sát, nâng cao nhận thức cộng đồng và xây dựng mạng lưới liên kết giữa lực lượng công an khu vực và người dân để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường nhằm hạn chế những vụ việc tương tự.
Hành vi bắt cóc có thể bị phạt đến 12 năm tù
Nguyên điều tra viên cao cấp Trịnh Kim Vân nhận định, với hành vi đã thực hiện, Phan Văn Tuấn có thể bị truy tố với nhiều tội danh như bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho rằng, theo kết quả xác minh ban đầu từ phía cơ quan chức năng, đối tượng này thực hiện nhiều hành vi nguy hiểm cho xã hội, gây mất an ninh trật tự, hoang mang trong cộng đồng, việc bắt giữ đối tượng này là rất kịp thời.
Với diễn biến như vậy, đối tượng này có nhiều hành vi có thể xử lý hình sự. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của đối tượng, đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
Bước đầu cơ quan điều tra xác định đối tượng dương tính với chất ma túy. Trường hợp kết quả xác minh cho thấy đối tượng này thực hiện hành vi do bị tác động bởi chất cấm là ma túy thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 13 của Bộ luật Hình sự.
"Việc mất khả năng kiểm soát hành vi là do đối tượng tự đặt mình vào tình huống như vậy, tự sử dụng trái phép chất ma túy dẫn đến ảo giác nên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội mà mình thực hiện", ông Cường cho hay.
Với hành vi sử dụng dao gây rối trật tự công cộng tại Hải Dương, đối tượng này có thể bị xử lý về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự, với chế tài là phạt tù từ 2-7 năm.
Quá trình bỏ chạy, đối tượng này đã sử dụng vũ lực để chiếm đoạt chiếc xe mô tô nên hành vi này có thể bị xử lý về tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Nguy hiểm nhất là đối tượng đã bắt giữ và đe dọa sát hại cháu bé 9 tuổi.
Hành vi này sẽ bị xử lý hình sự về tội bắt giữ người trái pháp luật và xem xét về hành vi đe dọa giết người. Với hành vi bắt giữ người trái pháp luật, đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội "bắt giữ người trái pháp luật" theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Hình sự, hình phạt cao nhất có thể tới 12 năm tù.
Ngoài ra, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nhân thân lai lịch của đối tượng này, làm rõ việc sử dụng ma túy được thực hiện như thế nào để xem xét nguyên nhân, điều kiện phạm tội; đồng thời sẽ xử lý về các hành vi liên quan đến ma túy.
Đại diện lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh đã đến thăm hỏi, động viên cháu T., nạn nhân trong vụ việc. Tại nhà cháu T., bà Nguyễn Phương Mai, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bắc Ninh, cùng cán bộ Hội đã ân cần thăm hỏi, bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc trước biến cố mà cháu bé và gia đình vừa trải qua. Chia sẻ với phụ huynh cháu T., bà Mai và các cán bộ Hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe tinh thần, ổn định tâm lý cho cháu bé. "Sự việc có thể để lại những sang chấn tâm lý đối với con. Vì vậy, trước mắt, gia đình, người thân, thầy cô cần động viên con, giúp con sớm trở lại cuộc sống, sinh hoạt và học tập; đồng thời cần quan tâm theo sát tâm lý của con để có những biện pháp can thiệp kịp thời", bà Mai bày tỏ.