Tư vấn, giải quyết 150.000 vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng

Các hội, chi hội, tổ, đội, Câu lạc bộ Bảo vệ người tiêu dùng đã trực tiếp tư vấn giải quyết khiếu nại thông qua nhiều hình thức khác nhau, góp phần bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trên toàn quốc.

 Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được quan tâm, bảo vệ. Ảnh minh họa

Quyền lợi của người tiêu dùng ngày càng được quan tâm, bảo vệ. Ảnh minh họa

Đến nay, trên cả nước đã thành lập được 54 Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, thành phố và 12 đơn vị trực thuộc, thành viên. Số hội viên hiện có khoảng trên 1.400 hội viên tổ chức và gần 142.000 hội viên cá nhân.

Theo chia sẻ của lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, năm 2024, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã chủ động triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Cụ thể, Hội đã chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức được trên 500 sự kiện, hội nghị tập huấn, mít tinh, treo trên 140.000 băng rôn khẩu hiệu, 600 sự kiện diễu hành liên quan tới bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, các hội, chi hội, tổ, đội, Câu lạc bộ Bảo vệ người tiêu dùng đã trực tiếp tư vấn giải quyết 150.000 vụ việc (qua điện thoại, đường dây nóng, qua email, cổng tư vấn khiếu nại trên trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội, qua bưu điện hoặc trực tiếp đến văn phòng Hội) đạt tỷ lệ 85%; tư vấn qua điện thoại đường dây nóng đạt tỷ lệ 100%.

Cùng với đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã phối hợp với Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng 15/3. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật khác có liên quan; tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Tháng hành động về an toàn thực phẩm; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khi được yêu cầu; tổ chức thực hiện chương trình khảo sát hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy năm 2024…

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người tiêu dùng

Năm 2025 được xác định là năm kinh tế thế giới phục hồi chậm, biến đổi khí hậu khó lường, cùng với việc bùng nổ phát triển thương mại điện tử, tiềm ẩn nhiều rủi ro với người tiêu dùng. Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Trung ương Hội xác định sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành liên quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng đến việc giáo dục nâng cao nhận thức, hành vi của người tiêu dùng, tập trung vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương…

Ông Dương Đình Giám, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên chủ động thích nghi, không ngừng học hỏi, ứng dụng AI và công nghệ số vào công việc hàng ngày để tạo ra sự khác biệt và bứt phá trong hiệu suất làm việc; tập trung khởi động cho Ngày Quyền của người tiêu dùng (15/3) và chuẩn bị kế hoạch tổ chức chương trình "Doanh nghiệp cam kết vì người tiêu dùng", hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2025 được Bộ Công Thương phát động với chủ đề "Thông tin minh bạch - Tiêu dùng trách nhiệm".

Bên cạnh đó, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ thực hiện các nhiệm vụ hưởng ứng Tháng hành động về An toàn thực phẩm, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; tập trung xây dựng và phát triển tổ chức; làm tốt công tác tư vấn giải quyết tranh chấp khiếu nại của người tiêu dùng, đảm bảo 80% đơn thư phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng được tư vấn, giải quyết…

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/tu-van-giai-quyet-150000-vu-viec-khieu-nai-cua-nguoi-tieu-dung-20250223152349095.htm
Zalo