Từ 'Tuyên ngôn độc lập' đến chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa
Ngày 2-9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản 'Tuyên ngôn độc lập', khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Kể từ đó đến nay, suốt gần 8 thập kỷ qua, các thế hệ người Việt Nam luôn khắc ghi trong tim khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường chống các thế lực xâm lược để giữ vững nền độc lập, tự do của đất nước.
Trong “Tuyên ngôn độc lập”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổng kết truyền thống yêu nước của dân tộc suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Và tinh thần yêu nước ấy gắn liền với ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia dân tộc.
Theo nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngoài nêu bật tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt còn khẳng định quyết tâm giữ vững thành quả cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Lời tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử trong “Tuyên ngôn độc lập” ở phần kết như một lời thề thiêng liêng, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta, cũng biểu thị quyết tâm và sức mạnh Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Đó cũng là bài học truyền thống quý báu của bao thế hệ ông cha ta từ trong lịch sử bởi dựng nước đi đôi với giữ nước là quy luật tồn tại, phát triển tất yếu của mỗi dân tộc. Kế thừa và phát huy truyền thống đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng, phát triển sáng tạo quy luật nói trên thành hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng để xây dựng và phát triển đất nước nhanh, toàn diện, bền vững.
Điều đó được chứng minh khi Đảng đã lãnh đạo toàn quân, dân ta chiến đấu anh dũng, giành được thành quả đáng tự hào trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược để thống nhất đất nước. Đại thắng mùa Xuân năm 1975, với niềm vui được trọn vẹn khi non sông thu về một mối, là minh chứng rõ nhất cho khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc ta.
Đi đôi với dựng nước, nhiệm vụ giữ nước được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Ngay sau Chiến thắng Ðiện Biên Phủ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, tại Ðền thờ các Vua Hùng ở tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Ðại đoàn 308 trước khi về tiếp quản Thủ đô: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Và khi bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước lại được Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao hơn với hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội và giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, theo mục tiêu: "Xây dựng miền Bắc là cái nền, cái gốc để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Nhờ có tư tưởng, đường lối và nhiệm vụ chiến lược đúng đắn của Ðảng, quân và dân ta đã xây dựng miền Bắc vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học, quốc phòng và an ninh ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Lực lượng vũ trang được xây dựng chính quy, có trang bị ngày càng hiện đại, các công trình quốc phòng được xây dựng và củng cố, tạo sức mạnh bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam.
Kết quả, quân và dân ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhờ sự chi viện to lớn của nhân dân miền Bắc, sự ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và bước vào công cuộc đổi mới, bài học dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc Việt Nam tiếp tục được Ðảng ta phát triển lên một tầm cao mới. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là nhiệm vụ chính trị quan trọng được Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, cả hệ thống chính trị và toàn dân quan tâm thực hiện, không chỉ giữ vững chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sự ổn định chính trị, mà còn tạo môi trường hòa bình, ổn định phát triển bền vững đất nước.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đảng ta chỉ rõ: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa là hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam. Trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng đất nước, nhân dân ta luôn luôn nâng cao cảnh giác, củng cố quốc phòng, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và các thành quả cách mạng”.
Quan điểm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa của Đảng ta tiếp tục được thể hiện rõ nét trong Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết số 28- NQ/TW), được ban hành vào năm 2013. Trong hơn 10 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, nỗ lực đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật. Kết quả, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
“Tuyên ngôn Độc lập” về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Và 79 năm qua, chúng ta có quyền tự hào khi toàn thể dân tộc Việt Nam vẫn kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập đó, như lời Bác Hồ kính yêu căn dặn.