Từ tuyến lửa Trường Sơn đến 'xa lộ' logistics - Bài 1: 'Mạch máu' huyền thoại

Trên đường Trường Sơn, hàng nghìn tấn hàng được vận chuyển dưới bom đạn. Nay, hệ thống logistics hiện đại nối cảng, sân bay, khu công nghiệp, thúc đẩy kinh tế.

Lời mở đầu:

Tuyến đường Trường Sơn, biểu tượng của sức bền và trí tuệ Việt Nam trong kháng chiến không chỉ là “huyết mạch” của thời chiến, mà còn là nền tảng phát triển logistics hiện đại. Từ những ngày gian khó, “mạch máu” huyền thoại ấy đã nối liền Bắc - Nam, mang theo niềm tin và khát vọng thống nhất đất nước. Tuyến đường này không chỉ là dấu ấn của một thời kỳ lịch sử, mà còn là tiền đề cho sự hình thành và phát triển của hệ thống logistics, một ngành kinh tế chiến lược quan trọng trong giai đoạn đổi mới và hội nhập.

Từ khi ra đời, dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị vào năm 1959, đường Trường Sơn đã trở thành “huyết mạch” của công cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những con đường khúc khuỷu, đầy hiểm nguy và thách thức không chỉ vận chuyển hàng hóa mà còn là cầu nối vững chắc giữa các chiến trường. Đây là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của các chiến sĩ, nơi họ không chỉ chiến đấu mà còn phải vượt qua muôn vàn khó khăn, hiểm trở để đưa hàng hóa đến đúng lúc, đúng nơi.

Mỗi chuyến xe qua những cung đường Trường Sơn không chỉ đơn thuần là vận chuyển lương thực hay vũ khí, mà là những chuyến hàng chứa đựng cả niềm tin, khát vọng giải phóng dân tộc và chiến thắng. Các lực lượng hậu cần trên tuyến đường này không quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì một mục tiêu chung. Nhờ có tuyến đường này, các chiến dịch lớn đã được chuẩn bị chu đáo, góp phần quan trọng vào chiến thắng của cuộc kháng chiến.

Ngày đất nước thống nhất, Việt Nam đối mặt với vô vàn thử thách, từ hạ tầng kiệt quệ đến nguồn lực hạn chế. Tuy nhiên, những gì đã được vun đắp từ tuyến đường Trường Sơn đã trở thành nền tảng để xây dựng một hệ thống hậu cần hiện đại. Từ tem phiếu thời bao cấp đến các chuyến tàu, chuyến xe mang lương thực và vật tư thiết yếu, hệ thống logistics Việt Nam từng bước được cải thiện và phát triển.

Hệ thống phân phối theo cơ chế tập trung, mặc dù còn nhiều khó khăn, đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân trong giai đoạn chuyển tiếp. Đến nay, ngành logistics Việt Nam không chỉ được nhìn nhận như một phần quan trọng trong nền kinh tế, mà còn đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế số.

Từ những con đường gồ ghề của Trường Sơn đến các tuyến cao tốc, cảng nước sâu hiện đại và nền tảng số với ứng dụng công nghệ AI, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc, nhưng không vì thế mà chậm lại. Dù đối mặt với những thử thách như chi phí cao, hạ tầng chưa hoàn thiện, ngành vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc. Sự chuyển mình này không chỉ phản ánh sự khôi phục của một ngành chiến lược mà còn là minh chứng cho bản lĩnh và tinh thần sáng tạo không ngừng của người Việt Nam trong công cuộc đổi mới.

Trong hành trình ấy, từ Trường Sơn huyền thoại đến “huyết quản” số của nền kinh tế hiện đại, ngành logistics Việt Nam không chỉ đơn thuần là vận tải mà còn là năng lực tổ chức dòng chảy của nền kinh tế toàn cầu. Một lần nữa, những “mạch máu” hàng hóa ấy tiếp tục chảy, thúc đẩy sự phát triển của đất nước trong thế giới đầy thách thức và cơ hội.

Bài 1 - “Mạch máu” trên tuyến đường Trường Sơn

Giữa núi rừng đại ngàn, nơi địa hình hiểm trở từng được coi là rào cản tự nhiên chia cắt hai miền đất nước, đã hình thành một “mạch máu” huyền thoại - tuyến đường Trường Sơn.

Không chỉ là con đường chiến lược nối liền hậu phương miền Bắc với tiền tuyến miền Nam, Trường Sơn còn là biểu tượng sống động của ý chí độc lập, khát vọng thống nhất và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Từ năm 1959, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bộ Chính trị, tuyến hậu cần đặc biệt này đã trở thành huyết mạch vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, lương thực, xăng dầu và nhân lực qua lửa đạn chiến tranh, đóng vai trò quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Ở nơi mà mỗi mét đường được đánh đổi bằng mồ hôi, máu và cả mạng sống, những người lính, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã cùng nhau viết nên bản anh hùng ca bất tử bằng trái tim và lòng quả cảm.

Huyết mạch giữa đại ngàn

Tháng 5/1959, theo yêu cầu của chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị quyết định mở tuyến đường Trường Sơn (hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh) để vận chuyển vũ khí, lương thực, nhân lực chi viện cho chiến trường.

Đây là mạng lưới giao thông quân sự, mở ra trên địa bàn ba nước Đông Dương bao gồm 11 tỉnh của Việt Nam, 7 tỉnh của Nam Lào, 4 tỉnh Đông Bắc Campuchia, được sự ủng hộ của hai nước bạn Lào và Campuchia trong liên minh chiến đấu vì một mục tiêu chung - đó là bảo vệ lãnh thổ đất nước.

Tuyến đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh). Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Tuyến đường Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh). Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Tuyến đường Trường Sơn chủ yếu dựa vào địa hình dãy Trường Sơn, bao gồm hai hướng Tây Trường Sơn, Đông Trường Sơn với chiều dài khoảng 1100 km, chiều ngang trung bình khoảng 100 km.

Đây là tuyến hậu cần chiến lược trọng yếu đưa lực lượng và vật chất hậu cần, vũ khí trang bị để chi viện cho Quân Giải phóng miền Nam trên chiến trường miền Nam Việt Nam, liên tục trong suốt 16 năm (1959-1975) của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân Việt Nam.

Trường Sơn được ví như “mạch máu” của cuộc kháng chiến, nơi hàng triệu tấn hàng hóa đã vượt qua làn bom đạn để đến với tiền tuyến.

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Kiền khẳng định, tuyến hậu cần Trường Sơn là tuyến vận chuyển chi viện chiến lược từ hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, mang đặc thù riêng của Việt Nam.

Trong ký ức của những người lính xưa, Trường Sơn hồi ấy không phải con đường rộng rãi, bằng phẳng như bây giờ.

Bà Bùi Thị Lập - nữ thanh niên xung phong làm công tác mở đường Trường Sơn nhớ lại: "Ngày ấy Trường Sơn là con đường đất nhỏ xíu giữa rừng, một bên là vực thẳm, một bên là núi dựng đứng. Mùa khô thì bụi đỏ mù trời, mùa mưa thì bùn ngập đến nửa bánh xe. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là bom đạn của địch. Máy bay Mỹ quần thảo trên đầu suốt ngày đêm, thả bom đánh sập đường, cắt đứt nguồn tiếp tế. Chúng tôi có những cung đường mà phải đi như đánh cược với tử thần".

Những cung đường hiểm trở và khốc liệt ấy không chỉ là thử thách thể lực mà còn là phép thử tinh thần. Mỗi mét đường được mở, mỗi chuyến hàng được vận chuyển qua, đều là minh chứng cho ý chí kiên cường, lòng yêu nước và sự hy sinh âm thầm của hàng vạn con người, từ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến cho đến các lực lượng tình nguyện quốc tế sát cánh bên Việt Nam.

Tuyến đường Trường Sơn không đơn thuần là một công trình giao thông quân sự. Đó là biểu tượng sống động của chiến tranh nhân dân, của trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trước một kẻ thù có tiềm lực quân sự vượt trội.

Trong suốt 16 năm không ngơi nghỉ, bất chấp mưa rừng, bom đạn, bệnh tật và cái chết rình rập, lực lượng trên tuyến đường vẫn kiên trì bám trụ, mở rộng mạng lưới đường trục, đường nhánh, đường kín, đường nổi tạo nên một hệ thống hậu cần kỳ vĩ trong lịch sử quân sự hiện đại.

Trường Sơn không chỉ vận chuyển hàng hóa, Trường Sơn đã chuyên chở cả một lý tưởng: khát vọng độc lập, thống nhất, hòa bình và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là con đường xuyên qua lửa đạn để đến với ngày toàn thắng.

Và trong suốt hành trình ấy, máu và mồ hôi của bao thế hệ người Việt đã hòa vào đất, để làm nên một con đường lịch sử – con đường của ý chí không khuất phục và niềm tin tất thắng.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về tuyến đường Trường Sơn.

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Hoàng Kiền chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương về tuyến đường Trường Sơn.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thiếu tướng Hoàng Kiền khẳng định, Trường Sơn là một chiến trường “mềm” nhưng sức công phá vô cùng cứng rắn.

Với phương châm "Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến", những người lính Trường Sơn vừa đánh địch vừa vận chuyển. Vừa vận chuyển chiến lược vừa trực tiếp bảo đảm cho các chiến dịch lớn, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh đã trở thành con đường huyền thoại.

Hệ thống vận chuyển Trường Sơn ban đầu mở ra từ đường giao liên gùi hàng, rồi phát triển lên đường xe thồ. Khi yêu cầu bảo đảm hậu cần cho các chiến dịch lớn đường ô tô được mở ra. Vận chuyển đường sông, đường ống xăng dầu là các hình thức bổ trợ, đường không, đường biển phối hợp.

Những bánh xe thầm lặng

Âm thầm, lặng lẽ, kiên trì là những từ để miêu tả cho những chuyến hàng chi viện “lăn bánh” trên tuyến đường Trường Sơn.

Những bánh xe thầm lặng đã lăn suốt dọc dài dãy Trường Sơn không chỉ chở theo đạn dược, lương thực mà còn mang theo khát vọng giải phóng dân tộc và ý chí quật cường của cả một thế hệ. Đó là những bánh xe không tên, không tuổi, vượt qua trăm suối ngàn đèo, giữa khói lửa và mưa bom bão đạn, để đưa từng chuyến hàng đến tiền tuyến đúng lúc, đúng nơi - nơi mỗi giây phút đều có thể quyết định thắng lợi hay hy sinh.

Trên con đường ấy, mọi hoạt động đều đồng thời diễn ra: vừa mở đường, vừa chiến đấu, vừa vận chuyển. Công binh, bộ đội, lái xe, thanh niên xung phong… tất cả đều tham gia vào một mạng lưới đường bộ gồm nhiều nhánh phụ, trong đó có các trục chính thường xuyên bị địch đánh phá ác liệt suốt ngày đêm.

Ban ngày, các đoàn xe phải dừng lại, giấu kín trong rừng để tránh máy bay trinh sát. Đêm xuống, những chiếc xe mới dám nổ máy, lần theo ánh đèn gắn nhỏ như đom đóm để băng qua những đoạn đường hiểm trở. Nhiều tài xế kể rằng, họ chỉ cần đi lệch một chút là xe lao xuống vực, không ai tìm thấy xác. Nhưng dù khó khăn đến đâu, hàng vẫn phải đến đích.

Không chỉ dựa vào xe tải, hậu cần Trường Sơn còn vận dụng nhiều phương thức vận chuyển khác để đảm bảo nguồn hàng không bị gián đoạn. Một trong những sáng tạo đặc biệt là xe đạp thồ - phương tiện đơn giản nhưng mang lại hiệu quả đáng kinh ngạc. Mỗi chiếc xe đạp, được gia cố thêm khung sắt và giá đỡ, có thể chở từ 200 - 300kg hàng hóa, len lỏi qua những con đường mòn mà xe tải không thể đi được.

Nhớ lại về những chuyến xe thầm lặng ấy, Trung úy Trần Ngọc Thể - chiến sĩ lái xe Trường Sơn thuộc C4 D54 BT41 F473 thuộc Bộ Tư lệnh 559 kể, mỗi trạm trên tuyến đều có một đội công binh thường trực để đảm nhiệm việc mở đường ngay sau khi bị bom đạn phá hủy. Việc vận chuyển hàng hóa diễn ra liên tục, có khi mất cả đêm mới đi được hết một cung đường dài 30 - 50km do đường bị phá hỏng, xe bị hư.

Trung úy Trần Ngọc Thể - chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn thuộc C4 D54 BT41 F473 thuộc Bộ Tư lệnh 559.

Trung úy Trần Ngọc Thể - chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn thuộc C4 D54 BT41 F473 thuộc Bộ Tư lệnh 559.

“Khi vận chuyển vũ khí, xăng dầu, lương thực, chúng tôi tuyệt đối tuân thủ khẩu hiệu “không hỏi, không nói, không biết” để giữ bí mật, tránh bị địch phát hiện từ trên không. Trên các trục đường, cứ khoảng 10 km lại có một trạm chỉ huy hoặc cứu hộ để chỉ đường, sửa chữa xe bị hỏng do bom hoặc tai nạn”, Trung úy Trần Ngọc Thể cho biết.

Ở những khu vực địa hình quá hiểm trở, việc vận chuyển phải hoàn toàn dựa vào sức người. Bộ đội và dân công hỏa tuyến chia nhỏ hàng hóa, gùi từng bao đạn, từng thùng gạo trên lưng, băng rừng, lội suối suốt hàng trăm cây số. Nhiều người đi chân trần trên những con đường đầy đá sắc và bùn lầy, nhưng không ai bỏ cuộc, vì họ hiểu rằng mỗi cân gạo, mỗi viên đạn đều là sinh mệnh của đồng đội nơi tiền tuyến.

Các tuyến đường sông cũng được tận dụng triệt để. Những con thuyền, chiếc bè âm thầm len lỏi qua sông suối, vận chuyển hàng hóa dưới sự che chở của tán rừng già. Đặc biệt, có những tuyến vận chuyển bí mật chạy qua các con sông ngầm dưới lòng đất, giúp bảo vệ nguồn hàng trước sự truy quét gắt gao của kẻ địch.

Có thể nói, đường Trường Sơn không chỉ là một tuyến hậu cần, mà còn là biểu tượng của sức sáng tạo và ý chí quật cường của quân đội ta. Mỗi con đường, mỗi chuyến hàng vượt qua bom đạn không chỉ mang theo vũ khí, lương thực, mà còn chứa đựng cả lòng quyết tâm và tinh thần chiến đấu kiên cường của những người lính trên mặt trận hậu cần.

Với khẩu hiệu tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho chiến trường đánh thắng - địch đánh ta cứ đi, đảm bảo lái xe an toàn theo đội hình tới địa điểm tập kết, Trung úy Trần Ngọc Thể cùng đồng đội sử dụng “đèn rùa” hoặc đèn gầm, chỉ đủ chiếu sáng từ 5 đến 10 mét.

Những đoạn lên dốc hoặc trong mùa khô càng phải tắt đèn để tránh bị máy bay địch phát hiện. Những người lính vận tải đã quá quen với tiếng bom đạn, thuộc lòng từng khúc cua, từng đoạn nguy hiểm trên cung đường. Có những lúc, vì giữ hàng hóa mà các chiến sĩ lái xe còn phải bỏ cả lái, tự đẩy xe vượt qua chướng ngại.

Vận chuyển hàng trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy. Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

Vận chuyển hàng trên tuyến đường Trường Sơn ngày ấy. Ảnh: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh

“Tinh thần ‘không bỏ hàng, không bỏ xe, không bỏ đồng đội’ thực sự là kim chỉ nam, là điều anh em khắc cốt ghi tâm. Chúng tôi luôn tự hào về tuyến hậu phương Trường Sơn - nơi gửi gắm niềm tin của đất nước, của gia đình, của đồng bào. Tinh thần ấy đã thôi thúc anh em vững vàng ra trận, như đi vào mùa xuân, như đi dự hội lớn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bộ Tư lệnh Trường Sơn, chúng tôi tổ chức vận chuyển, đảm bảo hàng hóa đầy đủ cho tiền tuyến”, Trung úy Trần Ngọc Thể tự hào kể lại.

Đồng chí Thể khẳng định, tinh thần sắt đá của người lính Trường Sơn chính là vũ khí “nặng đô” nhất giúp đưa được hàng tới miền Nam dù bị đánh phá ác liệt.

“Chúng tôi thực hiện mệnh lệnh cấp trên bằng tất cả ý chí, vận chuyển cả ngày lẫn đêm, ăn cơm trên xe, uống nước suối, ngủ ven đường. Tất cả để chuẩn bị cho chiến dịch tổng tấn công giải phóng miền Nam”, đồng chí Thể nhấn mạnh.

Những con người nhỏ bé làm nên kỳ tích

Kỳ tích lớn nhất của tuyến đường Trường Sơn chính là tinh thần cống hiến không mệt mỏi của những con người bình dị.

Bên cạnh những đoàn xe, những con đường, Trường Sơn còn là nơi ghi dấu biết bao con người thầm lặng đã đổ mồ hôi, máu và cả mạng sống để giữ vững con đường tiếp tế.

Lái xe trên đường Trường Sơn là một trong những nhiệm vụ nguy hiểm nhất. Máy bay Mỹ liên tục rải bom, cắt đường. Có những lúc, đoàn xe vừa qua, thì bom đã nổ sập lại phía sau, không có đường quay đầu.

Nhiều chiến sĩ đã hy sinh ngay trên cabin, khi vừa kịp đưa hàng hóa đến đích. Họ được gọi là những “người lính không súng” – những người chiến đấu bằng tay lái và lòng dũng cảm.

Trung úy Trần Ngọc Thể vẫn nhớ như in những chặng đường sống – chết chỉ cách nhau gang tấc: “Có lần tôi đang ôm vô lăng thì bom nổ ngay sau xe, đất đá văng tung tóe, xe tròng trành suýt lao xuống vực. Có đồng đội của tôi, khi xe vừa đến điểm giao hàng thì trúng pháo kích, hy sinh ngay trên cabin, tay vẫn còn giữ chặt vô lăng…”

Ông nghẹn lời khi nhắc đến những người đồng đội đã ngã xuống: “Họ không mang súng, nhưng họ dũng cảm chẳng kém ai. Người ta gọi chúng tôi là 'người lính không súng', bởi vì chúng tôi chiến đấu bằng tay lái và lòng tin rằng hàng phải đến, dù đường có sập sau lưng, dù phía trước là bom đạn”.

Gian khổ là vậy nhưng những người lính như ông Trần Ngọc Thể vẫn chưa từng có ý định bỏ cuộc, ông khẳng định: “Cá nhân tôi thấy tự hào vì đã góp một phần nhỏ bé vào thắng lợi vĩ đại ấy. Là người lính của tuyến đường Trường Sơn, tôi đã được sống, chiến đấu và cống hiến cùng đồng đội – những con người đã gánh vác nhiệm vụ nặng nề vì độc lập, tự do của Tổ quốc”.

Trong bản anh hùng ca Trường Sơn, bên cạnh những đoàn xe băng rừng vượt suối, những khẩu pháo được kéo qua núi cao vực thẳm, còn có những người phụ nữ thầm lặng, kiên cường – những nữ thanh niên xung phong nuôi quân, mở đường.

Họ không trực tiếp cầm súng, nhưng gánh trên vai những trọng trách nặng nề không kém: Đào đất, vá đường, gùi gạo, nấu ăn giữa rừng sâu, tiếp tế cho bộ đội trên từng chặng đường gian khổ.

Mỗi nắm cơm, mỗi thùng nước, mỗi đoạn đường được thông suốt đều có dấu chân, giọt mồ hôi và cả máu của họ. Trong khói bom, họ là hậu phương di động giữa tuyến lửa, là hiện thân của sức sống bền bỉ và tinh thần bất khuất của người phụ nữ Việt Nam thời chiến. Trên Trường Sơn năm ấy, những người con gái tuổi mười tám, đôi mươi đã viết nên một chương đặc biệt trong bản hùng ca của dân tộc bằng đôi tay nhỏ bé và trái tim không biết lùi bước.

Trong ký ức của bà Bùi Thị Lập, nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn, những ngày tháng mở đường là những ngày gian khổ nhưng cũng ghi dấu cho 1 tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và lòng yêu nước.

Bà Bùi Thị Lập, nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn.

Bà Bùi Thị Lập, nữ thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn.

"Hồi đó tôi còn chưa đủ 18 tuổi, rời quê hương vào Trường Sơn, tay không mà gánh gạo, khiêng nước, nấu cơm giữa rừng cho bộ đội hành quân. Bom đạn nổ suốt ngày đêm, nhiều khi đang nấu cơm mà phải dập bếp chạy xuống hầm. Có lần chúng tôi vừa đào xong hầm trú ẩn, thì bom rơi trúng lán nấu ăn, cả đội phải chia nhau từng nhúm gạo sống để cầm cự”, bà Bùi Thị Lập nhớ lại.

Bà lặng đi khi nhắc về những ngày khốc liệt: “Có chị em đang gùi hàng qua suối thì lũ về, có người trượt chân, có người không về nữa... Nhưng không ai bỏ cuộc. Chúng tôi chỉ nghĩ đơn giản: mình còn sống là còn phải lo cho anh em ngoài mặt trận có cơm ăn, có đường mà đi. Đơn sơ thế thôi, mà thành động lực lớn lắm”.

Không vang tiếng kèn chiến thắng, không nhuộm sắc huy chương, nhưng mỗi vết lăn của bánh xe ấy là một dấu mốc của lòng quả cảm. Là nơi hòa quyện mồ hôi người lái xe, máu của đồng đội ngã xuống và cả niềm tin sắt đá vào ngày đoàn tụ Bắc – Nam. Có những đoàn xe mất hút trong rừng sâu, không bao giờ trở lại, nhưng hành trình của họ đã được lịch sử khắc ghi trên từng tấc đất Trường Sơn.

Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại.

Theo số liệu của Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, hậu phương lớn miền Bắc đã động viên một nguồn nhân lực hơn 3 triệu người phục vụ chiến tranh (chiếm hơn 12% số dân miền Bắc), trong đó, gia nhập quân đội hơn 1,5 triệu người.

Ở miền Bắc có tới hơn 70% số hộ gia đình có người thân chiến đấu trên các chiến trường; trên đồng ruộng, phụ nữ chiếm hơn 63% số lao động trực tiếp, để nam giới đi đánh giặc, cứu nước.

Ngoài nhân lực, hậu phương lớn miền Bắc đã chi viện cho miền Nam hơn 700.000 tấn vật chất, trong đó có hơn 180.000 tấn vũ khí, trang bị kỹ thuật... Năm 1975, năm cuối của cuộc kháng chiến, tổng số nhân lực miền Bắc động viên theo nhu cầu quốc phòng chiếm tới 30% lực lượng lao động xã hội toàn miền; 60-65% trong số đó vào lực lượng vũ trang.

Nhờ có hệ thống đường Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn ngày càng hoàn chỉnh, sức người, sức của đưa vào chiến trường miền Nam ngày càng tăng. Tính chung trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Bộ đội Trường Sơn, qua tuyến đường Hồ Chí Minh đã vận chuyển chi viện cho các chiến trường trên 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng dầu..

Bài 2 - Tem phiếu và những chuyến tàu “định mệnh”

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-tuyen-lua-truong-son-den-xa-lo-logistics-bai-1-mach-mau-huyen-thoai-385200.html
Zalo