Tư tưởng Hồ Chí Minh và phát triển giáo dục trong Kỷ nguyên vươn mình
Tư tưởng, minh triết, mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền giáo dục nhân văn, hiện đại của Việt Nam vượt qua mọi thách thức của thời đại; đồng thời kết hợp với những chủ trương của Đảng ta trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là nội dung ý nghĩa được nhiều chuyên gia cùng thảo luận, chia sẻ.
Ngày 10/5, Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam phối hợp Trường THPT Đông Đô, Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục, Viện Trí Việt tổ chức Hội thảo 80 năm Bác Hồ gửi thư cho các em học sinh và phát triển giáo dục trong Kỷ nguyên vươn mình – góc nhìn từ nhà trường.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu, nhà trường cùng những học sinh tiêu biểu Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ, Hà Nội).

Các chuyên gia điều hành hội thảo.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, minh triết giáo dục Hồ Chí Minh, giá trị lịch sử vượt thời đại của bức thư Bác gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên năm 1945 và để giáo dục đào tạo phát triển mạnh mẽ trong Kỷ nguyên vươn mình - kỷ nguyên phát triển thịnh vượng của đất nước có vai trò đặc biệt quan trọng với nền giáo dục Việt Nam hiện đại.
Ngoài việc quán triệt chỉ đạo của TƯ Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, tìm hiểu sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên năm 1945, các đại biểu tham gia hội thảo đã có nhiều chia sẻ tâm huyết, làm rõ thực trạng, nêu giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện Kết luận 91/KL/TƯ của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
PGS.TS Tô Bá Trượng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục khẳng định, bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên là một tài sản tinh thần quý báu của dân tộc. Gần 80 năm trôi qua, những giá trị tư tưởng giáo dục mà Bác gửi gắm qua bức thư ấy vẫn vẹn nguyên tính thời sự, tính định hướng và truyền cảm hứng cho công cuộc giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong lời chia sẻ của mình, PGS.TS Trần Quang Nhiếp - nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản nhắc lại những lời dạy của Bác với thế hệ trẻ; đồng thời liên hệ với bài phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Để tạo sự vươn mình mạnh mẽ đó, nhân tố quyết định về cơ bản, lâu dài là con người. Và muốn có nguồn lực tốt, cần phát triển GD&ĐT toàn diện, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu… Thế hệ thanh niên trong Kỷ nguyên vươn mình không chỉ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà còn biết nghĩ, biết làm, biết dấn thân, biết bứt phá có hiệu quả đối với bản thân và xã hội…
Cùng với tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hội thảo cũng dành thời gian thảo luận, trao đổi về những vấn đề và thách thức của giáo dục Việt Nam hiện nay, trong đó có công tác hướng nghiệp, phân luồng ở cấp THPT; trường học hạnh phúc - thông minh trên quan điểm văn hóa sư phạm; nhà trường với phong trào bình dân học vụ số; thế hệ trẻ Việt Nam làm gì và làm như thế nào để bước vào Kỷ nguyên vươn mình… Tất cả những chia sẻ đó đã dựng nên bức tranh khái quát về quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam suốt chiều dài lịch sử 80 năm; từ đó bồi đắp cho thế hệ hôm nay ý thức, tinh thần, trách nhiệm để góp phần vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.