Tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí-truyền thông thời kỳ mới
Ngày 9-5, tại Học viện Chính trị khu vực IV (TPCần Thơ) diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề 'Thực trạng nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam thời kỳ đổi mới'.
Tọa đàm do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp với Học viện Chính trị khu vực IV và Tạp chí Lý luận Chính trị đồng chủ trì thực hiện.
Tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, quản lý các ban, bộ, ngành ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền và đoàn thể các địa phương trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân, từ đó làm rõ những vấn đề đặt ra trong nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển báo chí - truyền thông Việt Nam trong thời kỳ mới.
Trong các bài tham luận, ngoài nêu lên quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẳng định vai trò của báo chí trong giai đoạn cách mạng đến tiến lên hiện đại, các diễn giả cũng chỉ ra thực trạng hoạt động của báo chí hiện nay. Đó là sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến một số nhà báo trở thành "cái máy sao chép" mà quên thâm nhập thực tế; một số cơ quan báo chí hoạt động sai tôn chỉ, mục đích; lợi dụng "quyền lực thứ 4" để nhằm mục đích trục lợi bất chính, thông tin nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, nhân dân, gây bức xúc trong xã hội...
Các diễn giả cũng nhấn mạnh, trong thời kỳ hiện đại, báo chí phải không ngừng vận động phát triển. Muốn thế, từ cơ sở đào tạo đến cơ quan quản lý và trực tiếp đội ngũ người làm báo phải không ngừng rèn luyện, thường xuyên tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo vừa hồng vừa chuyên để phù hợp với xu thế mới nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, đặc biệt thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo. Nhà báo trước hết là người cán bộ cách mạng, gắn cuộc đời mình với dân tộc, trung với Đảng, với nhân dân. Báo chí phải viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Hình thức diễn đạt, phương pháp thể hiện, cách trình bày, kết cấu tác phẩm báo chí phải trong sáng, dễ hiểu và tránh cầu kỳ đúng như quan điểm và sự căn dặn của Bác: "Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được".
Tin, ảnh: THÚY AN